Hải Phòng: Mỗi gia đình có một người học nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy
Theo đó, thành phố giao lực lượng Công an tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ (CNCH); cách thức xử lý khi có cháy nổ, đặc biệt là kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm ở tại các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các khu dân cư, khu tập trung đông người với nhiều hình thức nội dung phong phú. Đồng thời, chỉ rõ tính năng, tác dụng của hệ thống, phương tiện PCCC và các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan; khuyến cáo các hộ gia đình tự trang bị phương tiện chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm cá nhân, như: bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc, thang dây, dây thả chậm, thiết bị cảnh báo cháy sớm...
Diễn tập PCCC (ảnh minh họa)
Với phương châm phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC gắn với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ An ninh tổ quốc, các cấp, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các mô hình phong trào về PCCC như: Khu chung cư, Tổ dân phố, nhà tập thể an toàn PCCC; cụm cơ quan doanh nghiệp an toàn PCCC, chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC...
Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất, bố trí nguồn vốn đầu tư cho công tác PCCC và CNCH theo quy định; nghiên cứu, đề xuất nội dung quy hoạch hạ tầng về phòng cháy chữa cháy trong Quy hoạch chung thành phố; trong công tác thẩm định, nghiệm thu công trình xây dựng phải gắn với bảo đảm an toàn về PCCC; không cấp phép xây dựng hoặc nghiệm thu công trình không bảo đảm về PCCC theo quy định.
Giao các địa phương và công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật. Yêu cầu 100% các chủ hộ gia đình (nhà để ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh) mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2; vận động, đề nghị chủ cơ sở, chủ hộ gia đình tháo dỡ hoặc mở lối thoát nạn ở vị trí "chuồng cọp", “lồng sắt” tại ban công. Các lối thoát nạn khẩn cấp này phải bảo đảm vị trí thuận lợi khi thoát ra không gây tai nạn sự cố rơi, ngã hoặc gây tâm lý hoảng sợ....
Đối với các quận, huyện phải hoàn thành việc xây dựng các mô hình: Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng trước ngày 30/6/2023 và xây dựng nhiều mô hình an toàn PCCC khác trong khu dân cư hoạt động thực sự hiệu quả; tổ chức học tập huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho cán bộ, nhân viên và người dân, bảo đảm ít nhất mỗi hộ gia đình có 1 người được học tập nghiệp vụ PCCC, mỗi nhà phải có ít nhất 1 bình chữa cháy.
Cùng với đó, củng cố chấn chỉnh các Đội PCCC cơ sở, Đội dân phòng trong các thôn, tổ dân phố; tổ chức học tập, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH. Trang bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định; tổ chức lực lượng này thường trực ở địa bàn cơ sở để xử lý kịp thời các sự cố, tai nạn cháy nổ xảy ra, ngăn chặn nguy cơ cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Giao Sở Công thương và Công ty TNHH MTV Điện lực rà soát việc lắp đặt sử dụng hệ thống điện trong các khu dân cư. Hướng dẫn các hộ dân và cơ sở sản xuất kinh doanh lắp đặt sử dụng thiết bị điện an toàn. Các trường hợp vi phạm an toàn lưới điện, an toàn hệ thống điện đều phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.