HĐND TP.HCM: Thông qua đề xuất chi 886 tỉ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Nội dung cụ thể các đối tượng được thụ hưởng chính sách đặc thù phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch trên địa bàn Thành phố:
1. Hỗ trợ tiền ăn cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và người phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19: Các đối tượng bị cách ly y tế (quy định tại Điểm d, Khoản 5, Điều 1, Nghị quyết Số 16/NQ-CP) sẽ được hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày, trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung. Đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 (quy định tại Khoản 5, Điều 2, Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ) và các lực lượng trực tiếp khác tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. Được hỗ trợ 120.000/người/ngày trong thời gian tham gia công tác phòng chống dịch.
Đối tượng tham gia tuyến đầu và các lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ nhận được hỗ trợ, trích từ ngân sách của Thành phố.
2. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục công lập ở các cấp tự đảm bảo thu/chi thường xuyên (mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT); cơ sở giáo dục, dạy nghề dân lập, tư thục có trụ sở chính tại TP.HCM. Có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên (tính từ 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021). Và thời điểm bắt đầu tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đang tham gia BHXH bắt buộc, tính từ thời điểm ngay trước khi tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Mức hỗ trợ áp dụng với số tiền 1,8 triệu đồng/người (hỗ trợ 1 lần).
3. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động như không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp: Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập - tư thục; cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo thu/chi thường xuyên ở các cấp (mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT); các cơ sở giáo dục, dạy nghề dân lập, tư thục có trụ sở chính tại TP.HCM. Chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày tính từ 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trừ các trường hợp, người lao động không thực hiện bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người và hỗ trợ 1 lần. Riêng đối với người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi, hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hay người trực tiếp nuôi dưỡng).
4. Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, là lao động tự do, bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19: Người lao động không giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện việc giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, theo các chỉ đạo của UBND TP.HCM. Người lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng. Đối tượng cụ thể được hỗ trợ thuộc nhóm lao động: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực (ăn uống, lưu trú, du lịch), chăm sóc sức khỏe kể cả bảo vệ: làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày. Thời gian áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đến ngày 31/12/2021.
Ngoài ra nhiều đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Thành phố.
5. Hỗ trợ hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 phải dừng hoạt động: Hộ kinh doanh thành lập theo luật doanh nghiệp đang hoạt động (trừ hoạt động cho thuê nhà, mặt bằng), phải dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TP.HCM để kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Áp dụng cho khu vực thực hiện theo chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, về thực hiện những việc cấp bách phòng và chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (Quận 12) và các khu vực khác theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Mức hỗ trợ 1 lần là 2 triệu đồng/hộ kinh doanh.
6. Hỗ trợ cho các thương nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống: các thương nhân tại các chợ truyền thống có điểm kinh doanh, quần hàng, kiot, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ (có mã số thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý và nghĩa vụ thuế của nhà nước). Thời gian hỗ trợ là 6 tháng từ tháng 7/2021 đến hết tháng 12/2021. Mức hỗ trợ, đối với chợ hạng 1: 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng; chợ hạng 2: 210.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng; chợ hạng 3: 150.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng. Trường hợp tư nhân hoạt động kinh doanh áp dụng mục 5 nêu trên thì không áp dụng nội dung này.
Tổng kinh phí thực hiện khoảng 886 tỉ đồng được chi từ ngân sách Thành phố. UBND TP.HCM sẽ sớm có hướng dẫn, quy định đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo công khai minh bạch đối tượng áp dụng, phạm quy áp dụng. Tránh phát sinh quá nhiều thủ tục, hồ sơ, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót các đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó kiểm soát trên cả nước, trong đó có TP.HCM. Đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của người dân, nhất là người có mức thu nhập thấp, lao động phổ thông gặp nhiều khó khăn hơn. Việc UBND TP.HCM đề xuất chi 886 tỉ đồng từ ngân sách của Thành phố đề thực hiện một số chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là rất cần thiết
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.