Hỗ trợ tín dụng xanh doanh nghiệp xử lý ô nhiễm môi trường
Trên thực tế, mặc dù có nhiều dự án bảo vệ môi trường (BVMT) được triển khai, song số lượng DN tiếp cận nguồn vốn dành cho BVMT còn khá ít ỏi. TS. Phạm Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế phát triển (CEDS) thông tin, theo ước tính của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường), tổng thiệt hại kinh tế của nước ta do ô nhiễm môi trường gây ra trong thời gian qua chiếm từ 1,5-3% GDP. Hầu hết môi trường từ đất, nước, không khí, các khu dân cư, khu công nghiệp (KCN) đều bị ô nhiễm. Các ao, hồ, kênh, rạch trong nội thành, nội thị, trị số hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ đều vượt trị số giới hạn tối đa cho phép từ 2 đến 6 lần. Hàm lượng chất hữu cơ ở hầu hết các dòng chảy qua đô thị và các KCN đều vượt giới hạn cho phép, nhiều nơi cao hơn tới 2 đến 3 lần.
Ông Thắng chỉ ra “nguyên nhân ô nhiễm các dòng sông là do nguồn nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt, dịch vụ ở các đô thị xả ra không qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu.
Nhiều DN quan tâm tới Quỹ Ủy thác tín dụng xanh GCTF |
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Trưởng ban Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Việt Nam hiện có 463 KCN khu chế xuất (KCX) và 1.000 cụm công nghiệp do địa phương thành lập, quản lý. Tuy nhiên, tỉ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 73%, nhiều KCN đi vào hoạt động đã lâu nhưng phớt lờ quy định xây dựng hệ thống xử lý nước thải. 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các KCN này xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận, làm ô nhiễm môi trường nước mặt trên diện rộng. Mặt khác, chất thải rắn phát sinh từ các khu, cụm công nghiệp ngày càng lớn về số lượng, đa dạng hơn về tính độ hại, nhưng tỉ lệ thu gom, phân loại và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh môi trường, đặc biệt đối với việc vận chuyển, đăng ký nguồn thải còn nhiều bất cập.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng đa số các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, ít quan tâm hoặc thậm chí không quan tâm tới việc đầu tư cho hoạt động BVMT. TS. Nguyễn Viết Thành, Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế phát triển - Đại học Kinh tế, lý gải “đó là do hoạt động đầu tư cho xử lý nước thải, khí thải thường phải chi phí lớn và không có khả năng sinh lời”. Thêm vào đó, mức xử phạt hành chính mặc dù được điều chỉnh tăng theo các quy định mới nhưng vẫn thấp hơn nhiều lần so với việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Vì thế, nhiều DN chấp nhận nộp phạt nếu bị phát hiện chứ không bỏ tiền đầu tư hệ thống xử lý chất thải.
Tuy nhiên, cũng có DN ý thức được tầm quan trọng của BVMT. Bằng những nỗ lực thật sự, DN tìm đến gõ cửa các Quỹ BVMT, từ quỹ địa phương đến các quỹ BVMT của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Thắng, ở Việt Nam hiện nay, đa phần các DN nằm trong nhóm nhỏ và vừa (DN nhỏ và vừa), khả năng đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thấp. Đây là những đối tượng cần vay vốn từ Quỹ BVMT, song với những tiêu chuẩn, điều kiện để được vay vốn thì phần lớn lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Thứ nhất, theo quy định các dự án được vay trên cơ sở có tài sản bảo đảm bằng các hình thức thế chấp hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Nhưng DN nhỏ và vừa thường ít tài sản thế chấp nên khó đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Thứ hai, để tiếp cận tín dụng cho dự án BVMT, các dự án phải thỏa mãn các điều kiện về môi trường. Theo quy định của Quỹ BVMT, các dự án này phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết BVMT hoặc đề án BVMT trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định. Chủ đầu tư dự án phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BVMT. Tuy nhiên, ý thức chấp hành các quy định pháp luật BVMT của các DN còn rất hạn chế. Nhiều DN vẫn xả nước thải, khí thải vào môi trường vượt quy chuẩn cho phép, không nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, đổ lấp chất thải rắn không đúng quy định gây bồi lấp sông. “Điều này khiến cho các DN khó được xét duyệt cho vay từ chương trình tín dụng dành cho hoạt động BVMT”, ông Thắng nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.