Hoa đá - viết tiếp ước mơ của cô gái khuyết tật tuổi 39

2019-04-04 14:35:50 0 Bình luận
HOANHAP.VN -Chị Nguyễn Thị Hòa, SN 1980 ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng ngay từ khi sinh ra đã không may mắn như nhiều người khác. Đã 39 tuổi nhưng chị Hòa vẫn chỉ như một trẻ chưa đầy 3 tuổi khi chỉ cao 70cm và nặng 13kg. Chị không ngồi được, cũng không đi lại được. Cuộc sống bị giam mình trong 4 bức tường cũ kĩ, không được đi học, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Chị Hòa bên các tác phẩm của bản thân.


Với thân hình khác thường ấy, cả tuổi thơ của chị Hòa là những chuỗi ngày sống trong mặc cảm. Chị Hòa kể: “Từ khi sinh ra, tôi không được ra ngoài sân hoặc ngõ. Suốt 32 năm tôi bị sống cách ly với mọi người. Ngày ngày, tôi chỉ biết giam mình trong bốn bức tường cũ kĩ, chơi với chú mèo cùng bà nội - người hy sinh cho tôi tất cả. Ngoài bà, bố mẹ, hai em ra thì hàng xóm láng giềng không ai biết có sự tồn tại của tôi. Cả tuổi thơ tôi gói gọn một chỗ trong sự dằn vặt và câu hỏi rất lớn, rằng tại sao mình không có hình dáng như những đứa trẻ khác? Sau này tôi mới biết, mình bị chất độc da cam”.

Chào đời vào năm 1980, Hòa nặng tới gần 4 kg, tuy nhiên cơ thể không bình thường. Theo thời gian, chỉ có đầu to lên, còn các ngón tay ngắn ngủn, co quắp, toàn thân mềm như bún, không đi, thậm chí không ngồi được. Người làng nói chị là “quái thai”, thậm chí còn bảo đem vứt bỏ. Vợ chồng ông Nghĩa chỉ còn biết giấu con thật kỹ để tránh sự kỳ thị bên ngoài.

Thế là Hòa sống trong một gian nhà biệt lập. Người bố trồng một cây xoan bên cửa sổ nơi con gái nằm để che cho ô cửa đỡ bị nắng hắt vào. “Tôi không biết cái hiên nhà là gì vì ngày qua ngày nằm một chỗ chơi với con mèo. Chỉ có bà nội là người gần gũi nhất”, Hoà chia sẻ.

Không có khái niệm về thời gian, không gian, Hòa chỉ biết càng lớn, càng hiểu chuyện thì càng tự ti. Về sau chẳng cần ai nói, cứ nhà có khách là chị chui vào chăn trốn. Có lần khách đến chơi cả ngày thì Hòa cũng rúc trong chăn cả ngày không ăn uống.

Cơ thể chị cứ mềm như sợi bún, phải chống chọi với nhiều căn bệnh hiểm nghèo như tim to, viêm phổi... Nhiều người vẫn bảo chị là “đồ bỏ đi”, nhưng có lẽ ông trời không lấy của ai tất cả khi cho chị có được trí tuệ lớn lên theo thời gian của "một người bình thường". 19 tuổi, sau khi ốm suýt chết, chị Hòa bỗng thấy mình có khả năng tiếp thu mặt chữ rất nhanh. Chị phát hiện ra mình biết đọc và nhờ sự hỗ trợ của mọi người ý chí vươn lên, chị bắt đầu biết đọc chữ và hiện tại có thể đọc thông viết thạo, thậm chí còn làm thơ rất hay.

32 năm cuộc đời chưa một ngày được đứng dưới nắng, dầm mưa. Thành quả lớn nhất trong nửa đời mà Hòa đạt được là biết đọc chữ. Một tai họa ập đến với chị là bà nội qua đời. “Trước lúc đi bà nói lo cho tôi từ đây sẽ khổ vì không còn ai yêu thương. Tôi đáp lại: “Bà ơi, trời sinh voi, sinh cỏ”. Thế rồi bà tắt thở, Hoà như điên dại, suốt ngày lẩm nhẩm: “Bà không chết, bà chỉ ngủ thôi”.

Trong lúc cả nhà lo hậu sự thì có một người thương binh ở trong làng tới thăm. Ông nhìn thấy Hòa thương cảm liền đến gần động viên, rằng từ nay phải tự lực, phải ra ngoài xã hội để khám phá. “Tôi bảo biết làm gì đây khi không có tay chân như mọi người. Bác bảo có cái đầu vẫn còn là may mắn. Lúc đó tôi cãi: Cổ con yếu, đầu không lộn lên được thì sao đi được. Ông ấy không nói thêm mà đưa cho tôi một quyển thơ ngụ ngôn Việt Nam”, Hoà nhớ lại.

Ôm cuốn thơ đó Hòa càng đọc càng thích. Thời gian sau, người cựu binh còn cho Hòa mượn thêm nhiều sách. Dần dần, chị gửi lũ trẻ hàng xóm mua vở, bút rồi tập viết chữ. Đến năm 2014, Hòa đã tự học xong được chương trình cấp 1.

“Tôi thấy lũ trẻ bảo nhau chơi Facebook hay lắm. Lúc đó tôi cũng tò mò xem cái gì mà hay. Nhịn miệng không ăn sáng, không mua thuốc viêm phổi hai tháng thì tôi mua được chiếc điện thoại”, chị cho hay.

Cũng từ khi tiếp xúc với mạng xã hội, chị Hòa học được cách làm các đồ thủ công như hoa giấy, hoa đá, tranh thêu chữ thập…và quảng báo bán qua mạng.

Bắt đầu với công việc làm hoa giấy

Chị Hòa bảo rằng, cuộc sống thật đẹp khi đôi tay chị làm được việc có ý nghĩa. Được một nhà hảo tâm tặng chiếc máy tính, chị mày mò vào mạng Internet, tìm hiểu được cách làm hoa giấy. Mấy năm trở lại đây, chị tự tay làm ra những sản phẩm đẹp mắt như hoa giấy, hoa đá, tranh thêu chữ thập…

Ban đầu, chị Hòa phải nhờ sự trợ giúp của em dâu mua giấy, túi hạt nhựa, súng dán keo, rồi xin chai nhựa cắt tạo dáng. Những ngày đầu chưa quen, chị đã làm hỏng không biết bao nhiêu là giấy. Đôi tay sưng lên, máu chảy vì cắt vào. Nhiều hôm chị tập làm đến 10 giờ tối vẫn chưa nghỉ. Không nản trước những thất bại ban đầu, dần dần đôi bàn tay dị dạng, mềm như bún của chị đã có thể cầm kéo khéo léo tạo hình thuần thục những bông hoa đủ sắc màu. Giỏ hoa đầu tiên thành công sau nhiều ngày tỉ mẩn.

Bán được giỏ hoa, chị càng ham hơn. Đam mê làm hoa giấy khiến chị không còn thời gian nghĩ điều tiêu cực. Chị thấy cuộc sống thêm ý nghĩa và có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ngày nào tập trung, chị làm được hai lẵng hoa giấy. Mỗi giỏ hoa được chị trang trí rất đẹp có giá 100.000 đồng, có thể treo hoặc để bàn. Các sản phẩm hiện được chị tiếp thị trên trang Facebook cá nhân: “Gấu Bông Nguyễn”. Giờ chị làm không hết việc vì nhiều người biết đến đặt hàng.

“Ban đầu tôi làm, mọi người tưởng tôi đi mua hoa giấy của nơi khác rồi bán, nhưng đó là tự tay tôi làm. Để mọi người tin, tôi phải quay clip mình làm trực tiếp. Nhiều người vào trang cá nhân xem ảnh giỏ hoa tôi làm đều khen đẹp và bất ngờ khi một người nằm một chỗ như tôi lại có thể làm được công việc tỉ mẩn, cần sự khéo léo này. Khách hàng của tôi có người ở tận Hà Tĩnh, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh…”, chị Hòa chia sẻ. Một Việt kiều sinh sống ở Mỹ biết chị Hòa làm hoa giấy qua Facebook cũng đã đặt chị 30 giỏ hoa và sẽ giao hàng trước ngày lễ Noel năm nay.

“Đơn hàng lớn đầu tiên của tôi là bán cho một ông bác sĩ ở Sài Gòn 30 giỏ hoa. Ngay sau đó, tôi cũng bán được cho một vị khách khác 30 giỏ nữa. Lúc đó tôi hạnh phúc lắm, tự nhủ thế là đã có cơ hội sống và phải sống dai hơn”, chị kể.

Muốn chia sẻ cơ hội với những người đồng cảnh ngộ như mình, Hòa nhờ cha mẹ đến nhà một số người khuyết tật trong làng rủ đến nhà cùng làm hoa để có tiền, bớt phần gánh nặng cho gia đình.

“Ý tưởng của mình muốn lập ra nhóm khuyết tật làm hoa giấy để không lãng phí thời gian và cho mọi người thấy tàn nhưng không phế” - Hòa nói. Một số người đã đến thử làm nhưng đều bỏ cuộc. Hiện một người bị nhiễm chất độc da cam đang cùng làm với chị.
Hoa đá – viết tiếp chuyến hành trình

Chị cố gắng thực hiện toàn bộ sinh hoạt cá nhân của mình. Điều đặc biệt là với đôi tay yếu ớt của mình, chị còn làm ra những sản phẩm làm đẹp cho đời. Những lọ bình hoa được kết từ "đá nhân tạo", những bức tranh thêu, tranh ghép đá..., tất cả được làm lên từ đôi bàn tay mềm yếu nhưng với một ý chí vươn lên mạnh mẽ.

Ngoài việc kiếm thêm thu nhập cho mình, hỗ trợ kinh tế cho gia đình, chị còn giúp được những người khuyết tất khác và thậm chí là cả người lành lặn có được công ăn việc làm.


 Triển lãm “Hoa đá” - nơi lần đầu các tác phẩm của chị Hòa được trưng bày.


Sau rất nhiều nỗ lực, triển lãm về sản phẩm của chị Hòa lần đầu tiên đã được thực hiện dưới sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm. Triển lãm các tác phẩm hoa đá, tranh đính đá của chị đang diễn ra ở Nguyen Art Gellery, 31A Văn Miếu, Hà Nội.


Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm “Hoa đá”.


Anh Lê Xuân Hưởng – chủ phòng tranh Nguyen Art và cũng là một trong những người thực hiện triển lãm thiện nguyện này cho chị Hòa chia sẻ: “Cách đây hơn một tháng, tôi mới gặp được Hòa nhưng khi mới gặp đã rất ngưỡng mộ nghị lực phi thường của Hòa. Ở phòng tranh này, thường chúng tôi hay tổ chức triển lãm tranh cho các họa sỹ, nhà điêu khắc. Đó có thể là các tác phẩm nghệ thuật, có thể là tranh, tượng… của những họa sỹ tài năng.

Lần này chúng tôi quyết định tổ chức buổi triển lãm cho các sản phẩm của Hòa. Các sản phẩm của Hòa có thể chưa phải đạt tầm nghệ thuật nhưng về một mặt nào đó hơn cả nghệ thuật. Nó từ trái tim, đôi tay của một cô gái thực sự phi thường. Chính bởi vậy mà ngay khi gặp, chúng tôi đã muốn thực hiện một chương trình cho cô ấy để quảng bá sản phẩm ra công chúng để nhiều người biết hơn. Và cũng tạo động lực cho những người khác không chỉ là những người khuyết tật mà cả những người bình thường. Chúng tôi đặt tên triển lãm là “Hoa Đá” bởi cô ấy không chỉ là một bông hoa mọc lên từ đá sỏi. Qua đây, tôi tin rằng mọi người sẽ sẵn sàng chung tay để hỗ trợ cho những người kém may mắn như Hòa”.


Chị Hòa vui vẻ chụp hình cùng quan khách trong buổi triển lãm.


Nhiều quan khách đến thăm quan triển lãm “Hoa Đá” đã rất bất ngờ khi biết về những sản phẩm đẹp mắt, tinh tế được làm ra từ một người khuyết tật như chị Hòa. Bởi với những người bình thường để làm ra các sản phẩm này cũng không phải ai cũng làm được. Trong khi chị Hòa chỉ có đôi bàn tay, đôi chân không hoạt động được và thường xuyên phải nằm để làm ra sản phẩm thì đó là một nghị lực rất lớn. Không ít người sau khi thăm quan đã sẵn sàng mua những sản phẩm này về diện Tết.

Nghị lực của chị Nguyễn Thị Hòa có sức lan tỏa rộng tới cộng đồng, vượt qua mọi hoàn cảnh, bất chấp khó khăn - chị Hòa như bông hoa mọc ra từ sỏi đá, đẹp từ tâm hồn con người.


Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Ra mắt Tour kết nối Phố cổ với không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân

Quận Hoàn Kiếm vừa ra mắt Tour du lịch hấp dẫn kết nối Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm với không gian cầu đi bộ Trần Nhật Duật và Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.
2024-05-04 11:35:45

Hải Phòng xây dựng nhà cho gia đình người bại liệt nghèo khó

Sáng 3/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Lê Chân phối hợp với phường Vĩnh Niệm tổ chức khởi công xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho gia đình ông Nguyễn Văn Nam, bị bại liệt nửa người, phải ngồi xe lăn.
2024-05-04 08:41:24

Hải Phòng: Bắn pháo hoa nổ tầm thấp các ngày cuối tuần tại đảo Vũ Yên

TP.Hải Phòng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đồng ý việc tổ chức một điểm bắn pháo hoa nổ tầm thấp vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tại Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên (Thủy Nguyên)
2024-05-04 08:03:06

Không khí Điện Biên Phủ trước Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng

Từ hơn 1 tuần nay, dòng người từ khắp mọi miền tổ quốc đã kéo về Điện Biên Phủ để chào đón Lễ kỷ niệm 70 năm (7-5-1954) quân và dân Việt Nam lập nên kỳ tích lừng lẫy năm châu. Một số hình ảnh tại Điện Biên Phủ lúc này.
2024-05-04 06:10:00

Giới trẻ Hà Thành săn lùng 'Sứa đỏ': Trào lưu ẩm thực 2024?

Trong kho tàng ẩm thực Việt Nam, có vô vàn món ăn độc lạ và hấp dẫn gây “thương nhớ”. Nếu như trong năm 2023 món “gỏi măng cụt” nổi lên rầm rộ khắp các trang mạng xã hội thì trong đầu năm nay, món “Sứa đỏ” soán ngôi vị làm dân mạng đua nhau đi thưởng thức.
2024-05-04 06:10:00

Sơ duyệt lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lực lượng Quân đội, Công an cùng các khối khác đã tiến hành sơ duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại sân vận động tỉnh Điện Biên.
2024-05-03 14:57:17
Đang tải...