Họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Khó tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách

2019-09-14 20:30:01 0 Bình luận
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm song con số 35% tổng số đại biểu Quốc hội là đại biểu hoạt động chuyên trách đến nay vẫn chưa đạt được.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)


Chiều 14/9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung 11/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành

Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương đã đề cập bốn vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đó là tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp; quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và Ủy viên thường trực; sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; nghiên cứu thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung.

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lần này sửa đổi, bổ sung 11/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.

Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội (tại Điều 22), về đánh giá hoạt động hằng năm đối với đại biểu Quốc hội (Điều 54); việc xác định địa bàn cụ thể để đại biểu được chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ đại biểu (Điều 38) nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua.

Về Đoàn đại biểu Quốc hội, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội và phê chuẩn đại biểu hoạt động chuyên trách tại từng Đoàn để bảo đảm tính linh hoạt trong công tác cán bộ thay cho việc quy định ngay trong Luật Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn phải là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách...

Đối với quy định liên quan đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Điều 59 Luật hiện hành được sửa đổi, bổ sung theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân để bảo đảm tính thống nhất.

Về Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng tối thiểu thành viên tham dự phiên họp, tỷ lệ thành viên biểu quyết tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để bảo đảm nguyên tắc làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Khó tăng đại biểu chuyên trách

Việc sửa đổi quy định về tỷ lệ đại biểu chuyên trách là vấn đề được đặt ra và còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, tuy nhiên quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên.

Do đó, để thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của luật mà tùy theo đề án bầu cử đại biểu Quốc hội của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)


Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (37-40% hoặc 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu đại biểu Quốc hội một cách hợp lý, giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối các cơ quan hành pháp, tư pháp để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện yêu cầu mà Trung ương đã đề ra.

Ban soạn thảo cho rằng hiện tại tuy Luật đã quy định rõ tối thiểu 35% tổng số đại biểu Quốc hội là đại biểu hoạt động chuyên trách nhưng trên thực tế, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm song con số này đến nay vẫn chưa đạt được.

Quốc hội khóa XIV hiện nay có 167 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tổng số 484 đại biểu Quốc hội (chiếm 34,5%) tổng số đại biểu Quốc hội.


Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)


"Do đó, nếu sửa đổi luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào thì sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý đối với quy định của luật," Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị phải nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên để đảm bảo chất lượng công việc. Qua hoạt động của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, ông Hải cho rằng nhu cầu tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đặc biệt là các đại biểu giỏi là rất lớn. "Quốc hội các nước cũng vậy, hoạt động thường xuyên và đa số đại biểu là chuyên trách," ông Hải nhấn mạnh.

Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng cách quy định tỷ lệ tối thiểu như Luật hiện hành không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Đảng mà tùy thuộc yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ, sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội, có thể là 37% và cao hơn nữa.

Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải quy định tỷ lệ tối thiểu phải đạt 35% đại biểu Quốc hội chuyên trách, bởi việc nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách là xu hướng chung của thế giới.

Đối với vấn đề giảm số lượng cấp phó và Ủy viên thường trực tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc thấu đáo./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Khẳng định quyền tiếp cận công bằng với kiến thức pháp luật dành cho người khiếm thị

Sáng ngày 8/11/2024, vòng chung khảo cuộc thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi dành cho người khiếm thị đã được tổ chức thành công tại Hà Nội, với sự tham gia của các thí sinh xuất sắc từ vòng sơ khảo ngày 17/10.
2024-11-08 16:19:36

Quảng Ninh: Dân ca độc đáo Nghệ thuật hát Đúm được bảo tồn và phát triển

Loại hình dân ca độc đáo “hát Đúm” xuất hiện từ rất lâu đời ở vùng ven biển Quảng Ninh, đặc biệt tại thị xã Quảng Yên đang rất cần được bảo tồn. Việc lan toả nghệ thuật hát Đúm ngày một rộng rãi trong đời sống nhân dân, góp phần bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hoá truyền thống này là hết sức cần thiết.
2024-11-08 16:10:54

Quảng Ninh: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV

Trong 2 ngày 8-9/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV-2024 long trọng được tổ chức với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
2024-11-08 16:06:14

Quảng Ninh: TP Uông Bí Xây dựng “Xã, phường sạch ma tuý”

Với nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy, qua đó góp phần đảm bảo ANTT, giữ vững địa bàn an toàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân đang được TP Uông Bí (Quảng Ninh) triển khai quyết liệt thời gian qua.
2024-11-08 16:02:55

Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam có tân Tổng Biên tập

Sáng nay (8/11), Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Nhà báo Nguyễn Thành Đoàn giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam.
2024-11-08 09:57:32

VPBank tung ưu đãi lớn: “Sinh trắc học ngay – iPhone về tay”

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 17 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán và Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, nhằm kiểm soát giao dịch chặt chẽ hơn, giảm thiểu các hành vi lừa đảo thông qua hệ thống ngân hàng.
2024-11-08 09:17:53
Đang tải...