Huyền thoại phi công Nguyễn Văn Bảy qua lời kể của cựu phi công Mỹ

2019-09-23 15:27:35 0 Bình luận
"Đó là người đàn ông 63 tuổi với dáng người nhỏ, thanh mảnh, gương mặt hằn sâu nhiều nếp nhăn" - cựu phi công Mỹ Wetterhahn nhớ lại lần gặp gỡ phi công Nguyễn Văn Bảy.


Cuộc gặp gỡ tình cờ

Nhắc tới anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, ông Ralph Wetterhahn – cựu phi công F-4 Phantom của Mỹ - bồi hồi nhớ lại cuộc gặp gỡ năm 1997, khi ông cùng với quan chức ngoại giao Mỹ Ken Quinn [Đại sứ Mỹ tại Campuchia từ năm 1996-1999] tới Hà Nội để tìm kiếm thông tin về một số lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Trong số này có Thiếu tá John "Robbie" Robertson, một người bạn và đồng đội cùng phi đoàn của Wetterhahn. Robertson mất tích khi thực hiện nhiệm vụ tấn công vào ngày 16/9/1966 cùng Wetterhahn.

Dựa vào một bức ảnh, phía Mỹ nghi rằng Robertson còn sống và nằm trong số 3 tù nhân chiến tranh đang bị giam giữ tại Lào. Tuy nhiên, hóa ra sau này đó chỉ là một trò chơi khăm.

Trước khi sự thật được làm sáng tỏ thì Quinn và Wetterhahn đã nhận được sự giúp đỡ từ phía Việt Nam.

"Những quan chức Việt Nam mà chúng tôi có dịp trao đổi đã hứa sẽ giúp chúng tôi điều tra về bức ảnh.

Họ còn cho tôi liên hệ với một số phi công của Không quân miền bắc Việt Nam… đó là phi công Đỗ Huy Hoàng và Nguyễn Văn Bảy. Tôi chính là phi công Mỹ đầu tiên mà hai phi công Việt Nam từng gặp mặt" – ông Wetterhahn kể lại trong bài viết đăng trên tạp chí Air & Space.

Nói về ấn tượng đầu tiên khi gặp Nguyễn Văn Bảy – anh hùng phi công bắn rơi 7 máy bay Mỹ, ông Wetterhahn mô tả lại rằng, đó là một người đàn ông 63 tuổi với "dáng người nhỏ, thanh mảnh, gương mặt hằn sâu nhiều nếp nhăn". Sau khi chiến tranh kết thúc, ông Bảy chuyển tới gần TP. HCM, trồng xoài và nuôi cá trong một trang trại nhỏ tại đây.

MiG-17 đánh bại F-4

Trưa ngày 16/9/1966, khi còi báo động xuất kích réo lên tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, ông Bảy đã điều khiển chiếc MiG bay ở vị trí số 3 trong đội hình 4 máy bay do phi công Hồ Văn Quỳ dẫn đầu. Ở vị trí yểm trợ là phi công Lưu Huy Chao.

Tính đến thời điểm này, ông Bảy đã tiêu diệt được một chiếc F-4, một chiếc F-8 Crusader và một chiếc F-105 Thunderchief của Mỹ.

Nguyễn Văn Bảy phát hiện ra máy bay của Robbie đầu tiên. Sau khi xin lệnh tấn công, phi công Quỳ tỏ ra hơi nghi ngại: Liệu những chiếc MiG, với tốc độ chậm hơn, có thể bắt kịp những chiếc F-4 hay không?

Thế nhưng cơ hội đã đến. Trong lúc gắng hết sức để áp sát F-4, ông Bảy phát hiện phi công của những chiếc Phantom đã phạm phải một sai lầm lớn…

 

Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy (đứng trên bên trái), người anh hùng từng bắn rơi 7 chiếc máy bay của Mỹ trong một lần chiến thắng trở về.


Vài tháng sau khi gặp gỡ phi công Nguyễn Văn Bảy, ông Wetterhahn có dịp trò chuyện với Hubert Buchanan – phi công ngồi sau Robbie vào cái ngày định mệnh ấy. Họ cũng bay ở vị trí thứ 3 trong đội hình phía Mỹ. Đó là nhiệm vụ chiến đấu thứ 17 của Buchanan và một trong những đợt tấn công quy mô lớn hơn mà phi công này được tham gia.

"Khi ấy chúng tôi đang tìm cách tránh bị radar phát hiện", Buchanan nói, "chúng tôi bay thấp xuống, nhưng không thấp tới mức có thể trúng hỏa lực từ mặt đất, và cuộc tấn công lớn đang diễn ra.

Máy bay ở khắp mọi nơi. Ở đâu đó giữa Hải Phòng và Hà Nội - tôi đoán nghiêng về phía Hà Nội nhiều hơn – một thành viên trong đội bay của chúng tôi hét lên rằng anh ta phát hiện thấy những chiếc MiG ở hướng 6 giờ".

"Vào thời khắc ấy, chúng tôi thả xuống mọi thứ - toàn bộ đạn dược và thùng nhiên liệu – rồi bắt đầu kéo lên, ngoặt trái… đó không phải là một kế hoạch khôn ngoan" – Buchanan nhớ lại.

Ba khẩu pháo trên chiếc MiG của phi công Nguyễn Văn Bảy đều đã được nạp đạn vào thời điểm đó. "Tôi bay tới phía sau chiếc Phantom", ông Bảy nói, "Do ống ngắm tương đối kém nên tôi phải áp sát [máy bay đối phương] 100-150m trước khi khai hỏa. Tôi điều chỉnh hướng bắn sau khi quan sát các vệt khói".

Một loạt đạn màu cam, cỡ quả bóng golf lóe sáng phía trên vòm kính che buồng lái của Buchanan. Phát bắn đầu tiên đã trượt. Buchanan thấy chiếc MiG của phi công Nguyễn Văn Bảy áp sát lần nữa và khai hỏa. Một bánh răng văng ra từ phía dưới cánh của chiếc F-4 và vọt qua vòm che buồng lái. Buchanan thấy mọi thứ bỗng chốc trở nên tối sầm.

"Tôi thực sự không nhớ rõ ràng về giây phút phóng ra ngoài, cảm giác như một giấc mơ… Tôi có thể nghe thấy tiếng ‘bùm’, như thể vòm kính buồng lái bị bật ra ngoài. Tôi cảm nhận được những luồng gió. Và điều tiếp theo tôi nhận thức được, đó là dù của tôi đang mở ra" – Buchanan nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng trong cuộc đời mình.

"Khi dần hạ xuống, tôi có thấy nhiều người đang di chuyển xung quanh mặt đất trong một ngôi làng nhỏ. Tôi nhìn thấy một người đàn ông ở phía bên phải, dường như mặc quân phục và mang súng trường, chạy về hướng tôi" – Buchanan nói. Viên phi công Mỹ đã bị bắt giữ và trở thành tù binh chiến tranh cho tới năm 1973.

Phi công Nguyễn Văn Bảy điều khiển chiếc MiG tránh xa khỏi chiếc Phantom đang bốc cháy, sau đó vòng ngược lại để quan sát. "Tôi thấy có một người nhảy dù xuống" – ông Bảy nói.

Phi công ACE của Việt Nam

Trong số 16 phi công ACE của Việt Nam, chỉ có 3 người, gồm phi công Nguyễn Văn Bảy và Lưu Huy Chao, lái những chiếc MiG-17. 13 phi công còn lại điều khiển phiên bản mới nhất của MiG-21, có tốc độ và độ cơ động ngang ngửa hơn hẳn.

Ông Bảy sinh năm 1936 gần Sài Gòn. Năm 16 tuổi, ông Bảy ra Bắc nhập ngũ và tham gia cuộc chiến chống Pháp. Khi chiến tranh kết thúc vào tháng 7/1954 với hiệp ước hòa bình được ký kết, ông Bảy quyết định ở lại miền Bắc. Lúc này, ông đã mất liên lạc với gia đình.

Ông Bảy tình nguyện tham gia đợt huấn luyện bay năm 1962 và là một trong những phi công đầu tiên được cử sang Trung Quốc học lái máy bay chiến đấu.

Các học viên bắt đầu khóa huấn luyện với máy bay Yak-18, sau đó tiến tới MiG-15 và cuối cùng là MiG-17.

"Quá trình huấn luyện phải mất tới 4 năm, tất cả đều diễn ra tại Trung Quốc", ông Bảy kể, "Chúng tôi có cả giáo viên hướng dẫn người Nga".


Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy. Ảnh: TPO


Tương tự như phi công Mỹ, các phi công miền Bắc Việt Nam trải qua 200 giờ bay huấn luyện trước khi đi vào tác chiến thực. Các phi công Bảy, Chao và Hoàng có khoảng 100 giờ bay huấn luyện trên MiG-17.

Khóa huấn luyện không mấy dễ dàng với ông Bảy. "Tôi bị ốm suốt giai đoạn đầu của khóa huấn luyện", ông Bảy nói, "vì thế tôi đã cắt nửa trên của quả bóng đá, tròng vào một sợi dây và đeo lên cổ khi bay. Khi muốn ói, tôi sẽ ói vào đó".

Ông Bảy vẫn đang trong quá trình huấn luyện vào năm 1964, khi miền bắc Việt Nam lần đầu tiên bị máy bay Mỹ tấn công. Năm 1965, ông Bảy trở về nước, lúc này Mỹ đang phát động chiến dịch ném bom dài hơi mang tên Rolling Thunder (Sấm Rền). Không quân Nhân dân Việt Nam (VPAF) đã điều động các máy bay MiG tham chiến.

Trận đánh đầu tiên của phi công Nguyễn Văn Bảy diễn ra vào tháng 6/1965 khi máy bay của ông bị một chiếc F-4 tấn công. Máy bay Mỹ, do phi công hải quân Dan McIntyre điều khiển cùng sĩ quan đánh chặn radar Alan Johnson, đã bắn tên lửa AIM-7D nhằm vào chiếc MiG-17 của phi công Nguyễn Văn Bảy.

Nhớ lại khoảnh khắc tên lửa phát nổ ở phía cánh trái máy bay, ông Bảy kể "Tôi có thể cảm nhận được sức nóng từ vụ nổ, máy bay bắt đầu rung lắc và lảo đảo". Ông Bảy ngay lập tức điều khiển máy bay quay về phía sân bay Nội Bài. Sau khi hạ cánh an toàn, ông Bảy đếm có tới 82 lỗ đạn trên thân máy bay.

"Tôi có cảm giác giống như một võ sĩ hạng nhẹ tự tin tiến vào sàn đấu và tìm cách hạ knock-out đối thủ hạng siêu nặng", ông Bảy nói, "Đó không phải là một mà là hàng chục trận không chiến không cân xứng về lực lượng. Tất cả những gì chúng tôi suy nghĩ khi ấy, không gì khác, là về sự sống còn".

Tháng 4/1966, khi mạng lưới radar phát hiện thấy máy bay Mỹ đang tiếp cận huyện Bắc Sơn và thị trấn Đình Cả, đội hình gần 4 chiếc MiG-17 do phi công Bảy, Chao, Trần Triêm và Hồ Văn Quỳ nhận lệnh xuất kích.

Không bao lâu sau khi cất cánh, phi công Bảy phát hiện 8 chiếc F-4. Một trong số những máy bay này lượn góc rộng hơn khi cả đội hình bắt đầu ngoặt. Phi công Bảy đã áp sát và khai hỏa.

"Khi tôi nhìn thấy chiếc F-4 trên màn hình hiển thị, tôi liền bắn", ông Bảy nói, "và chiếc F-4 rơi xuống".

Trong bức thư gửi cho người vợ mới cưới của mình – một sinh viên kế toán tại đại học ở Hà Nội – ông Bảy kể "đó là chiếc máy bay đầu tiên mà anh bắn hạ được".

Khi ấy, ông Bảy mới cưới được hơn một tuần. Đám cưới diễn ra vội vã trong vòng vài chục phút. "Tôi cởi bỏ bộ đồ bay, mặc quần áo bình thường rồi tổ chức lễ cưới, thậm chí còn đủ thời gian để hút một điếu thuốc", ông Bảy kể, "sau đó tôi lại mặc đồ bay và trực chiến. Tôi bay liền 12 ngày trước khi gặp lại vợ mình lần nữa".

Nhiều năm sau đó, ông Wetterhahn có dịp gặp lại ông Bảy, lúc này người phi công đang miệt mài viết lại những kinh nghiệm chiến đấu của mình.

"Điều quan trọng là phải phát hiện ra địch đầu tiên", ông Bảy nói, "để chuẩn bị được tốc độ cao hơn và độ cao lớn hơn, ở thế có lợi hơn.

Chúng tôi đã đúc rút được nhiều bài học và nghiên cứu nhiều trận không chiến nổi tiếng từ Thế chiến II giữa Liên Xô và Đức, cũng như các trận không chiến ở Thái Bình Dương với máy bay cánh quạt và pháo. Bên nào bắn trước, bên đó thắng".

Ngày 5/9/1966, sĩ quan kiểm soát mặt đất cấp cao Lê Thành Chơn (cựu phi công MiG-17) đã dẫn hướng cho phi công Nguyễn Văn Bảy và phi công yểm trợ Võ Văn Mẫn xuất kích từ sân bay Gia Lâm lúc 16h, bay về phía một mục tiêu không xác định ở phía nam.

Trong lúc bay về phía Nam, ông Bảy phát hiện ra một nhóm máy bay tấn công A-4 đang bay khỏi một chiếc cầu bốc khói.

Ngay phía trước ông là hai chiếc F-8 đang tiếp cận những chiếc A-4 này từ phía bên phải của một cụm mây lớn mà phi công Bảy và Mẫn đang bay tới.

Những chiếc MiG bắt đầu vứt bỏ các thùng nhiên liệu ngoài để chuẩn bị chiến đấu. Hai chiếc F-8 bay về vị trí phía sau những chiếc A-4 để làm nhiệm vụ hộ tống chúng tới khu vực mục tiêu. Đôi hình máy bay Mỹ bắt đầu di chuyển xung quanh phía bên trái của cụm mây.

Sĩ quan Chơn đã quan sát được hết những gì diễn ra thông qua radar CGI, ông lệnh cho phi công Nguyễn Văn Bảy tiếp tục tiến về phía trước, bay men theo phía bên phải cụm mây và cho phép tấn công.

Bằng hai phát bắn, với phát bắn thứ hai ở cự ly 80-100m, phi công Nguyễn Văn Bảy đã hạ gục một chiếc F-8. Trận đánh kéo dài 45 giây, chiếc máy bay Mỹ rơi xuống, viên phi công nhảy thoát ra ngoài nhưng sau đó bị bắt giữ.

4 tháng đầu năm 1967, phi công Nguyễn Văn Bảy bắn hạ được thêm 3 máy bay Mỹ. Ông trở thành một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.


Anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy sau khi về hưu sống giản dị như người nông dân tại quê nhà Đồng Tháp. Ảnh: VietnamNet


*** Nội dung được lược dịch và biên tập từ bài viết "Nguyễn Văn Bảy và các phi công ACE từ miền Bắc Việt Nam" của tác giả - cựu phi công Ralph Wetterhahn.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Khẳng định quyền tiếp cận công bằng với kiến thức pháp luật dành cho người khiếm thị

Sáng ngày 8/11/2024, vòng chung khảo cuộc thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi dành cho người khiếm thị đã được tổ chức thành công tại Hà Nội, với sự tham gia của các thí sinh xuất sắc từ vòng sơ khảo ngày 17/10.
2024-11-08 16:19:36

Quảng Ninh: Dân ca độc đáo Nghệ thuật hát Đúm được bảo tồn và phát triển

Loại hình dân ca độc đáo “hát Đúm” xuất hiện từ rất lâu đời ở vùng ven biển Quảng Ninh, đặc biệt tại thị xã Quảng Yên đang rất cần được bảo tồn. Việc lan toả nghệ thuật hát Đúm ngày một rộng rãi trong đời sống nhân dân, góp phần bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hoá truyền thống này là hết sức cần thiết.
2024-11-08 16:10:54

Quảng Ninh: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV

Trong 2 ngày 8-9/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV-2024 long trọng được tổ chức với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
2024-11-08 16:06:14

Quảng Ninh: TP Uông Bí Xây dựng “Xã, phường sạch ma tuý”

Với nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy, qua đó góp phần đảm bảo ANTT, giữ vững địa bàn an toàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân đang được TP Uông Bí (Quảng Ninh) triển khai quyết liệt thời gian qua.
2024-11-08 16:02:55

Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam có tân Tổng Biên tập

Sáng nay (8/11), Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Nhà báo Nguyễn Thành Đoàn giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam.
2024-11-08 09:57:32

VPBank tung ưu đãi lớn: “Sinh trắc học ngay – iPhone về tay”

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 17 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán và Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, nhằm kiểm soát giao dịch chặt chẽ hơn, giảm thiểu các hành vi lừa đảo thông qua hệ thống ngân hàng.
2024-11-08 09:17:53
Đang tải...