Khám phá cánh đồng đá nổi, đá chìm
Những phiến đá bí ẩn
Men theo con lộ của vùng nông thôn mới, tuyến đường dẫn vào cánh đồng Đá Nổi được láng nhựa bằng phẳng, trải dài theo những cánh đồng. Vừa qua khỏi những hàng cây to cao rợp bóng mát dọc hai bên đường, đã thấy cánh đồng Đá Nổi hiện ra, lọt thỏm giữa vùng đồng ruộng rộng lớn của ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn. Cánh đồng vốn chỉ là vùng đất hoang vu, chơ vơ đá tảng. Điều thú vị đã là đá thì chìm, chứ cớ sao lại nổi? Tuy nhiên, trong tâm thức của nhiều người, đó hoàn toàn là “chuyện có thật”, tồn tại từ lâu, thu hút các nhà nghiên cứu cùng đông đảo du khách mọi miền.
Tìm về đồng đá nổi xưa kia, trước mắt chúng tôi chỉ toàn những mẫu ruộng còn thơm mùi lúa mới. Trưởng ban Quản lý di tích miếu Đá Nổi Văng Công Trạc chỉ tay về những ruộng lúa trước mặt giải thích: “Bây giờ không còn đá nổi trên những cánh đồng nữa. Trước đây, đá xuất hiện trên cánh đồng này nhiều lắm. Theo ông bà xưa thì đá nhiều không đếm xuể. Những viên đá to nhỏ, hình dạng khác nhau (tròn, dẹp, vuông…) như bàn tay con người tạo ra, thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người. Thấy đá đẹp, nhiều người thích thú đem về nhà hoặc bán cho những “tay” săn cổ vật thời ấy. Nhưng không được bao lâu thì đá được người ta hoàn y chỗ cũ. Tất nhiên, đằng sau đó là những câu chuyện kỳ bí, khó lý giải. Được một thời gian, đồng đá nổi tự nhiên “biến mất” như cách nó xuất hiện - bí ẩn. Giờ, trên mảnh đất ấy, bà con nuôi cá, làm ruộng nhưng tuyệt nhiên không tìm được bất kỳ viên đá nào nữa. Chỉ còn sót số ít đá được tập trung trước sân miếu và thờ cúng ở miếu Đá Nổi ngày ấy là còn hiện hữu”.
Ông Văng Công Trạc, Trưởng ban Quản lý di tích miếu Đá Nổi |
Đá Nổi là tên một di tích khảo cổ học, tên một cánh đồng lớn thuộc ấp Phú Tây, xã Phú Thuận. “Do lớp đất phủ trên mặt kiến trúc đá lâu ngày bị xoáy mòn, lộ ra những khối đá lớn và khi mùa nước lên đá lô nhô xuất hiện nên có tên Đá Nổi. Nói tóm lại, Đá Nổi gọi nôm na là đá nằm, nổi trên mặt nước”, nhà khảo cổ học Đào Linh Côn nhận xét.
Di tích Đá Nổi thuộc nền văn hóa Óc Eo, dài khoảng 1.500 mét theo hướng Đông - Tây, rộng 800 mét theo hướng Bắc - Nam. Những nơi có đá thường tập trung ở hai bờ con lung Xẻo Mây uốn khúc, chạy từ xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ đến tận xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Trước đây, con lung này luôn ngập nước, sau do quá trình đào kênh, con lung bị chia cắt và ngày càng ít nước. Phía Bắc con lung là miếu Bà Chúa Xứ, vốn trên 70 năm trước là một cái am nhỏ bằng lá do người dân cất lên. Thời điểm này, có một sư bà bám trụ tu hành và viên tịch ở đây. Ngày nay, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, miếu Đá Nổi khá đồ sộ, thu hút du khách mọi miền, nhất là dịp giỗ Bà (mùng 10 tháng 3 âm lịch) và giỗ Ông (ngày 20 tháng 6 âm lịch) hàng năm.
Tại khu vực Đá Nổi, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người dân phát hiện nhiều cọc gỗ, be thuyền, đồ gốm, gạch kích thước lớn, công cụ bằng đá, đồ vật quý, lạ làm bằng vàng, đặc biệt những viên đá có nhiều màu sắc… Những đồ vật này được gom về miếu, còn đá lộ thiên chở về xây nền miếu. Sau phát hiện này, rộ lên phong trào đào xới đất tìm vàng, cổ vật với diện tích khoảng 200 héc-ta vào năm 1985. Việc đào bới đã phá hoại nghiêm trọng hầu hết di tích nằm dưới lòng đất. Sau sự việc này, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng các ngành liên quan và địa phương mời các nhà khảo cổ đến khảo sát hiện trạng di tích. Hơn 20 ngày khai quật (năm 1985) đã thu được rất nhiều vật dụng làm bằng vàng, đá quý, đồ gốm các loại… với đa dạng loại hình, trong đó nhiều chữ khắc trên hiện vật chưa giải mã được. Ngoài ra, nơi đây còn hiện diện 3 ngôi mộ. Bước đầu, xác định 1 mộ của một người bị quân đội của chính quyền Ngô Đình Diệm sát hại vào năm 1960 và ngôi mộ của ông Bảy, chồng bà sư trụ trì. Đặc biệt, ở đây lại là nơi an nghỉ của ông Trần Văn Nhu (cậu hai Nhu), con của Quản cơ Trần Văn Thành, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa chống Pháp nổi tiếng.
Ông Văng Công Trạc, Trưởng ban Quý tế miếu Đá Nổi cho biết, cánh đồng Đá Nổi một thời không chỉ thu hút giới săn đá cảnh mà còn hấp dẫn cả những kẻ săn cổ vật. Câu chuyện chiếc bình bát bằng vàng được vợ chồng ông Bảy đào được là một trong những điều thú vị ở khu đá nổi. “Vợ chồng ông Bảy vốn là đạo sĩ từng tu luyện ở núi Cấm, nhưng được bề trên truyền mệnh khiến về cánh đồng Đá Nổi lập miếu để tu. Ban đầu, ông bà chỉ dựng chòi lá để lập miếu tu luyện và sống cùng 2 con rùa. Một hôm, vợ chồng ông cuốc đất trồng rau, tới nhát cuốc thứ 5 thì chạm tới vật gì rất cứng. Vợ chồng ông tưởng cuốc trúng đá nên đào lên thấy một chiếc bình bát, gỡ lớp đất đang dính thì ra là một chiếc bình bát bằng vàng. Vợ chồng ông đem chiếc bình bát đó vào miếu, đặt lên bệ để thờ. Từ những câu chuyện trên, những kẻ săn cổ vật theo chân người địa phương kéo về cánh đồng Đá Nổi ngày một đông. Họ đào bới khắp một vùng, lật tung đất khắp nơi. Có người đào được nhiều cổ vật bằng vàng như: Ly, chén, bình tích, ngọc ấn, đồ gốm…” - ông Trạc kể.
Ông Trạc cho biết thêm, đến năm 1985, Nhà nước mới có cuộc khai quật để nghiên cứu. “Tôi nhớ không nhầm thì cuộc khai quật lần này, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều cổ vật bằng vàng, văn tự cổ, xương thú vật, nanh heo rừng, ngà voi, sừng tê giác… Nghe họ nói rất có thể vùng đất này ngày trước là thành quách của vua chúa nào đó. Bây giờ một số hiện vật được khai quật vẫn đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh An Giang” - ông Trạc nhớ lại.
Hiện tại, cánh đồng Đá Nổi không còn nguyên vẹn vì người dân đã “thỉnh” hết đá về miếu, để lấy đất canh tác. Những phiến đá có thể xê dịch được, người dân cũng không dám đem đi chỗ khác mà gom lại, xếp vào khuôn viên miếu. Những phiến đá to nhỏ, hình thù kỳ dị nhưng quen thuộc vẫn được người dân nơi đây trân trọng, cung kính xếp vào trong miếu. Hàng ngày, mọi người nhang khói, mong được sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu. Đó cũng là điểm thu hút du khách đến đây…
Giờ đây, ở vị trí cánh đồng khi xưa, không còn ai đào được vàng hay còn nhìn thấy những phiến đá nổi lên từ mặt đất mà người ta chỉ có thể nhìn thấy một cánh đồng bát ngát. Dù vậy, những câu chuyện huyền bí trên đồng đá nổi vẫn còn được lan truyền.
Miếu đá nổi sau đó cũng trở thành điểm đến tâm linh được nhiều người tín ngưỡng truyền tai nhau. Mỗi ngày, miếu đều được nhang khói đầy đủ. Khách thập phương tìm đến để mong cầu bình an, sức khỏe và mùa màng bội thu...
Đến nay, miếu Đá Nổi đã được nâng cấp đàng hoàng bằng tường vách vững chắc. Năm 2017, miếu Đá Nổi được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là Di tích khảo cổ cấp tỉnh.
Di tích Đá Chìm
Di tích “ngủ quên” tọa lạc trên một diện tích lớn thuộc xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn. Có người gọi nơi đây là “Đá Chìm”, “Đá Lặn”, bởi có những tảng đá lớn nằm rải rác nhiều nơi, đá lớn, nhỏ đủ kiểu, “lặn” ở ngoài đồng, nằm dưới nền chợ và nhiều nơi khác. Đến nay, hộ sản xuất như ông năm Đường, Đào Văn Mẫn… phải lần hồi di chuyển đá, hoặc đào một hố sâu kế bên, xô đá xuống lấp đất lại để làm lúa. “Khi mới đào con kênh Mỹ Phú Đông này, để đưa vật liệu xây dựng xuống kênh rất khó vì bị đá cản lại. Ngày nay, nhiều tảng đá vẫn còn nằm dưới nền chợ và cặp con lộ chính này, cũng như nhiều nơi khác. Đặc biệt, trước đây đá từ nhiều nơi đã quy tập về nhiều cái gò và nay chỉ còn lại 2 gò mà người dân gọi tên mới là Tráp Đá”, ông Phạm Văn Hoàng ngoài 65 tuổi, cán bộ công tác lâu năm ở vùng này, thông tin.
Theo lịch sử địa phương, vùng đất này nằm trong khu vực trung tâm của nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng, mà di tích Tráp Đá là đại diện. Di tích này nằm rải rác trên diện tích khoảng 50 héc-ta. Nơi này, trước đây người ta đổ xô đào bới và nhiều người đã tìm được nhiều vàng, cổ vật, đá quý, gạch, gốm, gỗ… thuộc nền văn hóa Óc Eo. Đến nay, vẫn có nhiều người lượm được vàng. Anh Đào Văn Mẫn (con của ông Đào Văn Liếu, người có trên 100 công đất, phần lớn nằm ở 2 cái gò) thông tin: “Tôi đã nhiều lần lượm được vàng, còn đồ vật dụng làm bằng đá, gạch, bạc, nhôm thì nhiều. Không riêng tôi, nhiều người còn đào gặp được tượng Phật, thần, phù điêu… Hiện nay, 2 cái gò gọi là Tráp Đá nằm trên đất của gia đình tôi. Cái gò lớn diện tích khoảng 1.000m2, toàn là đá, cát nên chỉ trồng được dừa, xung quanh trồng lúa cũng rất tốt. Cái gò nhỏ nằm gần đó, diện tích chừng 250m2, cũng tương tự. Khu vực này rất nhiều đá, nhờ qua các mùa nước, nhiều người đem xuồng chở đi nên mới bớt, chỉ còn lại 2 gò như ngày nay”.
Đá phát hiện ở đồng được mang về chất quanh gốc cây tại miếu |
Tráp Đá ở xã Mỹ Phú Đông là một trong nhiều di tích nằm trong quần thể di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo của nền văn minh Phù Nam một thời rực rỡ. Nếu điều kiện cho phép, ngành chức năng nên có kế hoạch khảo sát, tìm hiểu để có biện pháp bảo tồn, tôn tạo, bảo quản di tích này. Qua đó, phát huy giá trị văn hóa của nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.