Khẩn trương triển khai các biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam tại Hàn Quốc
Công dân Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn ổn định
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, riêng tại thành phố Daegu là 8.285 người, tại tỉnh Gyeongsangbuk là 18.502 người (trong đó có 333 người tại quận Cheongdo).
Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân là +82 106 315 6618, trực 24/24, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng công bố số điện thoại hỗ trợ là +82 103 248 6886 để người lao động Việt Nam có thể liên hệ khi cần sự trợ giúp.
Đại sứ quán đã chủ động thiết lập kênh liên lạc với các đầu mối cộng đồng ở các khu vực dịch bệnh để thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời hỗ trợ công dân. Đại sứ quán đã liên hệ, thăm hỏi các công dân Việt Nam đang sinh sống ở khu vực có dịch, động viên và đề nghị bà con tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo của các chính quyền sở tại.
Qua nắm tình hình, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biểt, đến nay tình hình sức khỏe của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn ổn định, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Công dân Việt Nam không nên đến vùng có dịch
Trước đó, ngày 21/2, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn quốc đã ra thông báo lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Hàn Quốc khuyến cáo; thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh;
Đồng thời Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế phối hợp chỉ đạo các công ty tư vấn du học sinh thông báo tình hình dịch Covid-19 đến các lao động, du học sinh đang có kế hoạch sang Hàn Quốc trong thời gian tới để chủ động biện pháp phòng ngừa; thường xuyên giữ liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan (nhà trường, chủ sử dụng lao động, công ty môi giới sở tại…) để nắm tình hình, có biện pháp hỗ trợ đối với các lưu học sinh, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.
Bộ Ngoại giao cũng đã đề nghị phía Hàn Quốc có các biện pháp đảm bảo y tế, an ninh, an toàn và hỗ trợ cho công dân Việt Nam tại Hàn Quốc, nhất là tại các khu vực có dịch.
Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc là +82 106 315 6618 hoặc số điện thoại Tổng đài Bảo hộ Công dân là +84 981 84 84 84.
Cập nhật tình hình dịch bệnh tại các nước trên thế giới. |
Hàn Quốc nâng mức cảnh báo lên cao nhất
Theo phóng viên tại Seoul, ngày 23/2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo chính quyền đã nâng cảnh báo về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên mức cao nhất (mức đỏ) trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng tại nước này.
Phát biểu sau cuộc họp của chính phủ về COVID-19, Tổng thống Moon nói: "Dịch COVID-19 đang ở thời điểm phát triển mạnh mẽ. Trong vài ngày tới, dịch bệnh sẽ vô cùng nghiêm trọng. Chính phủ sẽ nâng cảnh báo lên mức cao nhất theo khuyến cáo của các chuyên gia".
Cùng ngày, Cơ quan Y tế Hàn Quốc đã thông báo ca tử vong thứ 5 do dịch COVID-19 ở nước này. Nạn nhân là một nữ bác sĩ ở độ tuổi 50, tử vong vào lúc 2h40 chiều 23/2 tại bệnh viện trường Đại học Quốc gia Kyungpook. Bệnh nhân này đã qua trung tâm y tế công cộng, không phải từ bệnh viện Daenam, nơi có các trường hợp tử vong do COVID-19 trước đây, chuyển tới.
Hàn Quốc nâng cảnh báo lên mức cao nhất. |
Hơn 600 người Hàn Quốc nhiễm bệnh
Theo số liệu do Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố ngày 23/2, hơn 50% số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Hàn Quốc có liên quan đến giáo phái có tên Shincheonji (Tân Thiên Địa) trong nước.
KCDC cho biết tính đến cùng ngày, 329 người (54,7%) trong số 602 ca được xác nhận nhiễm bệnh, có liên quan đến các thành viên của giáo phái Shincheonji và những người đã tiếp xúc gần với họ. Nhà thờ giáo phái Shincheonji bị nghi là ổ dịch mới bùng phát tại các khu vực của thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang.
KCDC thông báo đã đưa 9.334 thành viên của giáo phái Shincheonji vào diện tự cách ly. Trong đó, 1.248 biểu hiện những triệu chứng của COVID-19.
Nhân viên y tế Hàn Quốc phun thuốc khử trùng, tiêu độc. |
Áp dụng mọi biện pháp để ngăn ngừa dịch bệnh
Nhà chức trách Hàn Quốc cho rằng 7-10 ngày tới là thời điểm quan trọng nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 tại nước này, đồng thời cam kết áp dụng mọi biện pháp có thể để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ dành 609 giường bệnh tại Daegu cho những người nhiễm COVID-19 và sẽ bổ sung thêm 1.000 giường bệnh tại các bệnh viện trên toàn quốc. Hàn Quốc cũng khẳng định có thể bố trí 10.000 giường bệnh trên cả nước.
Chính quyền Seoul cũng sẽ chỉ định khoảng 43 bệnh viện khắp Hàn Quốc để điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Giới chức y tế khuyến cáo người dân tại thành phố Daegu hạn chế ra ngoài trong 2 tuần tới và hối thúc những người có triệu chứng bệnh tới các cơ sở y tế được chỉ định.
Về phần mình, đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc yêu cầu chính phủ khẩn trương soạn thảo tờ trình ngân sách bổ sung và trình Quốc hội. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội, ông Lee In-young cho biết quốc hội nước này sẽ tổ chức phiên họp toàn thể trong ngày 23/2 để thảo luận về các biện pháp mạnh nhằm phòng chống dịch bệnh, bao gồm cả việc thành lập ủy ban đặc biệt của Quốc hội chống COVID-19.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.