Cơ quan chức năng cần vào cuộc khi các Youtuber đem người khuyết tật ra để câu view
Phạm Hữu Thọ, sinh năm 1985, khuyết tật tay chân từ bé, lớn lên được học chữ rồi thêm chứng khiếm thính nhưng luôn trăn trở tìm việc làm phù hợp với mình. Năm 2017, anh bắt đầu biết đến công việc bán hàng online. Khi bán được những món hàng đầu tiên, kiếm được khoản tiền nhỏ, Thọ gạt bỏ mọi mặc cảm theo đuổi công việc này vì nó không chê thể trạng của anh.
Nhờ Internet, điện thoại thông minh, từ năm 2018 Thọ có thể kiếm sống bằng công việc này. Năm đầu tiền làm ra gửi nhờ tài khoản người thân. Thọ quen chị Phạm Thanh Hoa năm 2019 cũng từ việc mua bán hàng. Chị Hoa làm công nhân, biết may và thỉnh thoảng có bán hàng thêm trên mạng. Hoa thường mua hàng của Thọ, nói chuyện thường xuyên dần dà nảy sinh tình cảm.
Anh Thọ và chị Hoa. Ảnh NVCC
Thọ kể trên báo Tuổi trẻ, sau lần chị Hoa vào đến nhà anh ở Vũng Tàu thăm, anh quyết định ra Hà Nội sinh sống cùng người yêu. Hai người muốn đăng ký kết hôn nhưng gia đình không cho phép vì nghi ngờ Hoa có ý xấu khi đến với Thọ dù anh cho rằng mình chỉ bán hàng online lặt vặt, kiếm tiền đủ sinh sống là mừng rồi.
Hai người có hoàn cảnh khác biệt đến với nhau, gia đình, người quen biết ngăn cản vốn không phải là chuyện lạ. Mọi chuyện có thể vẫn là những bất đồng trong gia đình, vài người thân quen có ý kiến cho đến khi có khoảng chục kênh YouTube đưa chuyện đời Thọ lên mạng.
Ban đầu có người tìm đến hỏi về tình yêu của Thọ đưa lên mạng. Sau đó, nhiều người khác khai thác sâu hơn những trắc trở của anh.
Họ "tấn công" một người khuyết tật như Thọ từ nhiều hướng, mỗi video chuyện của Thọ có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người xem, tiếp sau đó là hàng ngàn bình luận cứa thêm vào nỗi buồn đau riêng tư.
Ngay sau đó anh phải hứng lấy "búa rìu dư luận" khi nhiều người không quen biết vin vào lời tâm sự này lên mạng phê phán anh bất hiếu, trái lời cha mẹ đi theo người yêu. Họ tìm đến cha mẹ anh và đưa tất cả chuyện nhà Thọ lên mạng, bất chấp Thọ là người khuyết tật và đây là chuyện riêng tư của anh.
Họ lên mạng đặt nghi vấn về chị Hoa, một người lành lặn ai lại đi yêu người khuyết tật nặng như anh Thọ. Họ tự quy kết chị Hoa có động cơ vì... tiền và Thọ thành người mê muội, bất hiếu.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Thọ nhắc đến sự "tôn trọng", điều bạn gái dành cho anh. "Cô ấy trò chuyện, chia sẻ, kể nhiều chuyện vui, đi đâu hay làm gì cô ấy đều nói với tôi. Tôi qua 35 tuổi rồi, cũng có quyền được yêu thương, được chọn lựa...".
Thọ và Hoa sống bên nhau vài tháng qua và cùng bị tấn công, đe dọa trên mạng. Họ cũng được nhiều người bảo vệ, tin tưởng nhưng điều đó chưa đủ so với những tổn thương trên mạng rớt xuống đời họ. Chị Hoa nhiều lần khóc, đau khổ. Gần đây, một số YouTuber còn đăng video với nội dung sẽ mướn giang hồ bắt Thọ về nhà, trả lại cho ba má. Cả hai đều rất áp lực và sợ đi ra ngoài.
Theo Pháp luật Việt Nam, những video về chuyện anh Thọ được phát tán trên mạng nhận hàng ngàn chia sẻ, bình luận, trong đó rất nhiều bình luận xuôi theo chiều hướng giật gân mà người sản xuất video đưa ra. Có không ít lời “ném đá”, xúc phạm. Nhiều Youtuber tìm đến tận nhà làm phiền đời sống của anh, tìm đến tận nhà cha mẹ anh để phỏng vấn, ghi hình bất chấp sự phản đối của “khổ chủ”. Họ còn lên tiếng hăm dọa, đòi tụ tập đến “bắt” anh trả về cho cha mẹ. Họ làm cho anh Thọ, chị Hoa, gia đình anh phải khổ sở, sống như đi trên dây trước búa rìu dư luận.
Những trường hợp Youtuber can thiệp, làm rối loạn đời sống người dân như trên không phải là hiếm. Như vụ việc bịa đặt, quấy rối gia đình nam ca sĩ quá cố Vân Quang Long mới đây. Hay cách đây ít lâu, một cụ bà bán cua ở quận trung tâm TP HCM, dù đã bán vài chục năm, nhưng khi bị quay phim, bình luận trên các kênh Youtube đã bị một lượng người xem “ném đá” vì cho rằng giá cao, không cần biết thực tế chất lượng sản phẩm thế nào, có xứng với giá tiền không.
Vì “đói” đề tài trong khi video vẫn phải sản xuất liên tục để giữ chân người xem, kiếm tiền trên số view, các Youtuber săn đuổi mọi sự việc có tính chất mới lạ trong đời sống. Những câu chuyện đáng ra hết sức nhân văn giữa đời thường lại bị các Youtuber “bóp méo, thổi phồng”, khiến “người trong cuộc” bối rối, khổ sở, nhiều khi phải chấm dứt những hành động hữu ích.
Ở khía cạnh khác, vì nhận tiền để tung hô, nhiều Youtuber đã “ăn không nói có”, khen ngợi quá mức những dịch vụ chất lượng kém, khiến nhiều người xem tin tưởng để rồi bị lừa đảo. Còn người được quảng bá và Youtuber thì thu tiền bỏ túi.
Cơn “đói khát” đề tài còn khiến nhiều kênh Youtube đi sâu khai thác những khía cạnh xấu xí, “méo mó” của cuộc sống, góp phần dẫn đến những lệch lạc trong nhận thức của giới trẻ, kéo thấp thị hiếu công chúng.
Tình trạng này kéo dài đã lâu và gây nhiều hệ quả tai hại. Cần có sự mạnh tay và triệt để xử lý những kênh nhảm nhí, “câu view”, bịa đặt, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và trị an xã hội như thế.
Một lần anh Thọ trải lòng trên mạng về những tủi thân trong năm tháng đã qua, về nguyện vọng được yêu thương, tôn trọng, được đi đó đây..."Chúng tôi cầu mong được sống bình yên, bình thường như bao người khác. YouTube và các cơ quan chức năng có thể làm gì cho những trường hợp như chúng tôi?" - Thọ bày tỏ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.