Xin việc bị từ chối vì khuyết tật, người phụ nữ về lập công ty hàng trăm nhân viên

2021-01-14 13:00:00 0 Bình luận

Chị Đinh Thị Quỳnh Nga nhận nhiều thành tích nhờ những nỗ lực hỗ trợ cho người khuyết tật.

Những “cánh cửa” khép lại

‘Long lanh như bát nước chè/Đẹp thì có đẹp nhưng què một chân’ là câu thơ vui chị Đinh Thị Quỳnh Nga (43 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) dùng để nói về bản thân mình.

Một sự cố nhỏ từ thời thơ ấu đã khiến chị bị teo liệt 1 bên chân, chân trái ngắn hơn chân phải 3cm. Chị đi lại không được như người bình thường.

“Tuổi thơ của tôi là những ngày buồn”, chị Nga nói về quãng thời gian vừa đi học vừa đi bán hàng phụ giúp gia đình. Nhà chị đông con, bố chị là thương binh, mất sớm, mấy mẹ con chị phải nương tựa vào nhau.

“Tôi cũng xác định ngay từ đầu, với cơ thể khiếm khuyết như vậy, không có học, không kiến thức sẽ rất khổ”, chị nhớ lại.

Năm 1997, chị Nga thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, khoa Mỹ thuật. Ra trường, năm 2001, chị cầm hồ sơ đi khắp nơi nhưng không xin được việc vì nhiều công ty, doanh nghiệp không muốn mạo hiểm nhận người khuyết tật vào làm. Chị Nga xin đủ các công việc như giáo viên, công nhân… nhưng nhận lại đều là những cái lắc đầu.

“Tôi vào khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn), gõ cửa không biết bao nhiêu công ty, doanh nghiệp nhưng họ chối tôi ngay từ vòng đầu chỉ vì tôi là người khuyết tật.

Nản lắm, mỗi lần như thế tôi chỉ biết quay về, khóc vì tủi thân. Thậm chí, có lần, tôi “cãi cùn”: “Cháu chỉ hơi khuyết tật một tí ở chân, cháu vẫn làm việc được như người bình thường. Mọi người làm như thế nào, cháu sẽ làm được như thế”. Nhưng kết quả vẫn là con số 0”, chị Nga kể.

Sau 3 năm, chị gác hồ sơ lại, bỏ hẳn ý định xin việc và tập trung vào kinh doanh tự do.

Năm 2007, một lần nữa chị quay lại với mong ước tìm một công việc ổn định, đúng chuyên ngành. “Làm kinh doanh khá tự do nhưng vất vả. Tôi tủi thân khi nghĩ mình có bằng cấp sao không xin được việc”, chị nói. 

Đam mê với công việc giảng dạy, chị Nga tiếp tục đến gõ cửa Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Sóc Sơn cùng một bức tâm thư. Trong thư, chị bày tỏ ý muốn xin vào dạy tại trường Nuôi dưỡng & Giáo dục trẻ em khuyết tật huyện Sóc Sơn để giúp các em có hoàn cảnh như mình.

Theo thông tin từ phòng đào tạo huyện, chị biết về cuộc thi tuyển công chức sắp diễn ra.

“Không quá nhiều hi vọng nhưng tôi vẫn nỗ lực ôn thi. Ngày 1/7/2007, nhận được kết quả đỗ công chức, tôi vỡ òa vì hạnh phúc. Tháng 8 cùng năm, tôi bắt đầu những tháng ngày đứng trên bục giảng”, chị Nga nhớ lại.

Năm 2009, ở huyện Sóc Sơn thành lập hội người khuyết tật. Với những nỗ lực giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, chị Nga được bổ nhiệm vị trí phó chủ tịch.

“Tôi đã có việc làm, có thể tự nuôi bản thân nên cũng muốn người khác được như vậy. Bên cạnh đó, tôi nhận ra nhiều người khuyết tật khác cũng có khả năng làm việc. Không có bằng cấp, họ có thể làm các việc chân tay”, chị nói.

Vì vậy năm 2015, chị Nga thành lập Hợp tác xã (HTX) Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, tạo việc làm cho người khuyết tật. HTX có 6 ngành nghề kinh doanh, dịch vụ (làm hạt gỗ hương, in ấn, phục vụ cà phê giải khát, may công nghiệp…) và có hỗ trợ chỗ ăn, ở cho các nữ công nhân khuyết tật ở xa.

“Người khuyết tật thì làm được gì?”

“Nhiều trường hợp, tôi phải đến tận nhà vận động tham gia HTX. Không chỉ người khuyết tật, gia đình của họ cũng không tin rằng người khuyết tật có thể lao động, có thể có công ăn việc làm. Nhiều gia đình còn xua tay: “Khuyết tật thì làm được gì?”. Thậm chí nhiều người còn phải lên tận xưởng xem rồi mới tin”, chị nói.

Dù vậy chị Nga vẫn kiên trì. Đến nay, HTX đã có 38 người làm trực tiếp tại các xưởng, 40 người làm tại nhà. Họ đến từ các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn… Thu nhập tùy theo khả năng lao động của từng người, trung bình là 3 triệu đồng/tháng, cao nhất là 6,5 triệu đồng/tháng .

Quan trọng hơn, công việc đã khiến họ thay đổi nhận thức, tự tin hơn vào bản thân.

“Vị thế của họ trong gia đình đã thay đổi. Trước đây, họ là người phụ thuộc, yếu thế nay họ tự tin hơn vì đã có thể nuôi sống bản thân. Nhiều bạn cũng thay đổi từ trang phục đến nhận thức, lời ăn tiếng nói, tự tin bước ra ngoài để giao tiếp với xã hội”, nữ giám đốc chia sẻ.

Điều đáng mừng hơn, ở môi trường này, họ tìm được một nửa của mình. HTX đã se duyên cho 10 cặp đôi đến với nhau, xây tổ ấm mới.

“Tôi nhớ nhất là bạn gái bị câm và điếc ở Quảng Trị. Qua mạng xã hội, bạn biết đến HTX và xin ra làm việc. Sau nhiều năm ở đây, bạn trở nên tự tin hơn vào bản thân. Hiện bạn đã về quê lập gia đình, có cuộc sống ổn định”.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp, chị Nga phải nói lời từ chối. Ví dụ một người khuyết tật ở xa đến HTX, được giới thiệu nhiều việc làm nhưng người này đều than phiền, từ chối.

Chị Nga giao việc nhẹ nhất là đóng bao bì nhưng anh cũng từ chối với lý do đau tay. Chị khuyến khích sang xưởng may, anh lại nói mắt kém không thể làm. Cuối cùng chị Nga khuyên người này nên về quê, mở cửa hàng tạp hóa. Bởi nếu muốn ở lại, tất cả mọi người đều phải làm việc để nuôi sống bản thân.

“Chúng tôi chỉ nhận những người nhiệt huyết với công việc, có ý thức tự lực cánh sinh. Dù ít hay nhiều nhưng mọi người đều phải lao động, tạo ra sản phẩm thật. Đây không phải là nơi để nuôi dưỡng, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của người khác”.

Theo chị Nga, khăn nhất của những lao động khuyết tật là đầu ra bởi những rào cản trong tâm lý của khách hàng.

“Nhiều khách hàng không dám mua sản phẩm của HTX vì theo họ, người khuyết tật không thể làm được. Nếu có mua cũng chỉ là một hình thức ủng hộ. Nhiều người phải lên tận nơi để thẩm định. Cuối cùng nhìn sản phẩm, họ thích và đặt mua. Không chỉ mua cho bản thân, họ còn giới thiệu cho người nhà, bạn bè.

Năm 2020, do dịch Covid-19, việc kinh doanh khá khó khăn nhưng doanh thu của HTX cũng đạt con số 1 tỷ đồng.

“Chúng tôi hi vọng, sắp tới, có thể bán được nhiều sản phẩm hơn. Người lao động có thêm tiền hay bánh chưng, chút quà để về quê đón Tết”, chị Nga chia sẻ.

* Tít bài đã được đạt lại.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hành trình xóa mờ định kiến về người tự kỷ

Vietnam’s Autism Projects (VAPs) là mô hình kinh tế đầu tiên đưa người tự kỷ vào môi trường lao động ổn định, với kỳ vọng người tự kỷ cũng được lao động, cống hiến trong một môi trường làm việc phù hợp. Trong buổi trò chuyện với phóng viên, anh Nguyễn Đức Trung - người sáng lập và điều hành VAPs đã có nhiều chia sẻ về những kỷ niệm trên hành trình xóa mờ định kiến về người tự kỷ của một dự án tiên phong tại Việt Nam.
2025-07-11 11:30:00

SHB ra mắt máy CRM - “điểm chạm” giao dịch mới cho khách hàng

Nhằm tiếp tục nâng cao trải nghiệm người dùng, SHB triển khai lắp đặt và vận hành máy giao dịch tự động thế hệ mới CRM (Cash Recycling Machine) với tính năng ưu việt, giúp khách hàng chủ động thực hiện nộp/rút tiền ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
2025-07-11 10:24:38

Phường Định Công ra quân xử lý vi phạm về trật tự xây dựng

Ngày 9/7/2025, phường Định Công đã huy động hơn 70 công an, dân quân tự vệ, an ninh cơ sở, công chức phường cùng các trang, thiết bị ra quân xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp, san lấp ao hồ trên địa bàn.
2025-07-11 10:19:10

Hà Nội yêu cầu kiểm tra vi phạm đất đai tại 6 xã, phường theo đề nghị của công an

UBND TP Hà Nội yêu cầu 6 xã, phường gồm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Định Công, Thanh Liệt, Đại Thanh, An Khánh, Kim Anh tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý dứt điểm đối với các vi phạm trong công tác quản lý sử dụng đất trên địa bàn sau báo cáo của Công an Hà Nội.
2025-07-11 09:05:00

Thủ tướng yêu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho thân nhân và gia đình liệt sĩ trước ngày 27/7

Trong phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/10, trong đó với thân nhân liệt sĩ và gia đình liệt sĩ phải rà soát xong trước Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
2025-07-11 08:14:35

OPES thắng lớn với bộ đôi giải thưởng danh giá tại Insurance Asia Awards 2025

Ngày 8/7/2025 tại Singapore, OPES vinh dự được trao tặng 2 giải thưởng danh giá là “Sáng kiến ứng dụng AI của năm” và “Nhà bảo hiểm số của năm” tại lễ trao giải Insurance Asia Awards 2025. Trước đó, OPES cũng vinh dự lọt “Top 10 Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ uy tín năm 2025” do tổ chức xếp hạng uy tín Vietnam Report công bố.
2025-07-09 16:53:39
Đang tải...