Kỳ II: Hãy “cứu” các em khỏi môi trường nguy hiểm, độc hại
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (16.487 km2),
với 17 huyện, 3 thị xã và 1 thành phố loại I. Hiện nay, theo thống kê thì toàn
tỉnh có 84 xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 giai đoạn II và 8 xã đặc
biệt khó khăn vùng bãi ngang. Dân số Nghệ An có trên 3 triệu người (đông dân
thứ 4 so với cả nước), trong đó có trên 895 ngàn trẻ em từ 0 đến 16 tuổi, chiếm
29,86% dân số. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 21.519 em, chiếm 2,4% tổng
số trẻ em. Có 118.246 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay vẫn
chưa có số liệu cụ thể nào về tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong
môi trường độc hại, nguy hiểm. Qua báo cáo của Phòng Bảo vệ trẻ em, thuộc Sở
Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, chỉ riêng năm 2013, Sở đã chỉ
đạo và phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh số trẻ
em có hoàn cảnh khó khăn 312 cháu, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Kỳ và ở
một số địa phương như: Tương Dương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Quỳ
Hợp. Trong đó, hình thức lao động chủ yếu là thợ xây, phụ hồ, lèn đá, bốc xò, đóng gạch táp lô, bốc vác.... So với
thời điểm hiện tại, con số này đã thay đổi đáng kể và gia tăng thêm ở các địa
phương khác. Nguyên nhân là do tỷ lệ hộ nghèo khá cao, trẻ em trong gia đình
nghèo có xu hướng bỏ học sớm trong khi các em có rất ít sự lựa chọn nghề nghiệp
vì chưa được chuẩn bị kỹ năng, học vấn. Mặt khác, xu hướng đô thị hóa khiến nhu
cầu chăm sóc người già, chăm sóc trẻ nhỏ, giúp việc gia đình ngày càng tăng.
Bộ Luật Lao động cho phép trẻ em đủ 15 tuổi trở lên
có thể làm thêm giúp việc gia đình nếu các công việc đó nhẹ nhàng, phù hợp với
lứa tuổi, thời gian làm việc không vượt quá quy định của pháp luật, không ảnh
hưởng đến việc học tập, môi trường làm việc và điều kiện lao động không ảnh
hưởng tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, ngay cả trẻ em làm
việc thêm trong các gia đình cũng tiềm ẩn nguy cơ bị phân biệt đối xử, bóc lột
và lạm dụng khi ít được sự giám sát và làm việc trong môi trường khép kín.
Những
năm qua, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các cấp, đặc biệt là ở các
địa phương, cơ sở, trường học bước đầu hoạt động có hiệu quả tạo sự kết nối
giữa chính quyền, cơ quan, trường học, gia đình và trẻ em học sinh. Vì vậy, trẻ
em được bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp... ngày càng tăng. Đặc biệt, đã góp phần
quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có điều kiện được hòa
nhập cộng đồng, nhiều trẻ em được trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ
mình. Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em của tỉnh hiện tại chưa được
đồng bộ, chưa đảm bảo các điều kiện và quy trình can thiệp, trợ giúp cụ thể.
Chưa có một hệ thống chăm sóc thay thế đầy đủ được hỗ trợ và quản lý ngoài các
cơ sở nuôi dưỡng tập trung và gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ em. Các dịch vụ do
nhà nước đầu tư và thực hiện chủ yếu dành cho đối tượng trẻ em mồ côi không nơi
nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật nặng. Các dịch vụ bảo vệ trẻ em
của các tổ chức xã hội và cá nhân lại chủ yếu được thực hiện theo hướng tiếp
cận từ thiện. Các nhu cầu cần bảo vệ cho mọi đối tượng trẻ em nhiều nhưng chính
sách trợ cấp xã hội còn thấp, dịch vụ trợ giúp trẻ em cần được bảo vệ còn
thiếu…
Cũng
trong thời gian qua, Sở Lao động TB&XH đã triển khai mô hình “Phòng ngừa trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ
em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng
đồng” tại huyện Quỳ Hợp và huyện Kỳ Sơn. Theo đó, đã tổ chức các hoạt
động trợ giúp các hộ gia đình nghèo có trẻ em phải lao động nặng nhọc,
nguy hiểm và có trẻ em lang thang để phát triển kinh tế, nâng cao mức
sống, đảm bảo thực hiện tốt các quyền cơ bản cho trẻ em. Đồng thời đã tổ chức
20 buổi tư vấn nhóm gia đình để người dân nhận thức được tác hại của việc để
trẻ em lang thang kiếm sống, lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy
hiểm. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lương, Phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em, Sở Lao động
– Thương binh và xã hội Nghệ An, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan
chức năng để tổ chức, xây
dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào
cộng đồng, trong đó sẽ lập danh sách và trợ giúp các hộ gia đình
nghèo có trẻ em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm và có trẻ em lang
thang để phát triển tòan diện.
Có
thể thấy, nếu không thay đổi nhận thức của gia đình và cộng đồng, trẻ em trong
các gia đình nghèo sẽ luôn nằm trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Khi đi làm
quá sớm, không được chuẩn bị nền kiến thức cơ bản, không có tay nghề, ít kỹ
năng sống, kinh nghiệm xã hội, các em sẽ không có sự lựa chọn cho những công
việc tốt cho tương lai sau này. Mặt khác, khi trẻ em phải tiếp xúc với môi
trường làm việc nặng nhọc quá sớm, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực về mặt xã
hội. Vì thế, để giải quyết thực trạng trên, cần có những chính sách phù hợp,
kịp thời để hỗ trợ các em. Có như vậy, quang gánh nặng nhọc mới không đè nặng
tuổi thơ các em, để trẻ em nghèo được đến trường, được tận hưởng tuổi thơ trong
sáng và hồn nhiên nhất.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.