Kỳ lạ con đường chỉ xuất hiện 02 ngày mỗi tháng ở Miếu Hòn Bà
Vào ngày rằm tháng giêng của năm mới cũng là ngày lễ chính trong năm, lượng khách đổ về Miếu nhiều hơn, đây là thời điểm con nước rút sâu nên khách du lịch có thể đến với Miếu Hòn Bà nhanh hơn và trải nghiệm trên đảo lâu hơn. Đầu năm cũng là dịp mọi người đến thắp hương cầu mong bình an, may mắn cho năm mới.
Con đường đá dẫn đến đảo Hòn Bà
Chị Lê Vũ Anh Thư (Ngụ Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “Đầu năm nào, chị cũng đến viếng Miếu Hòn Bà, cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Mỗi lần đến đây, chị luôn có cảm xúc khó tả vì vẻ đẹp nơi này, huyền bí và độc đáo, ít nơi nào có được”
Vào đầu năm, Miếu Hòn Bà thu hút hàng ngàn người dân, khách thập phương đến viếng, cầu bình an cho năm mới
Miếu Hòn Bà nằm trên một hòn đảo cùng tên: Đảo Hòn Bà - Một hòn đảo nhỏ thuộc khu vực Bãi Sau Vũng Tàu. Đảo Hòn Bà có diện tích khá nhỏ, chỉ khoảng 5000m2. Miếu Bà có chiều cao nổi trên mặt đất là 4m, trên đảo có ngôi Miếu Bà cổ kính, xây dựng từ thế kỷ 19 thờ Thủy Long Thần Nữ. Tương truyền rằng, vào năm 1978, hương thôn làng Thắng Tam nay thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã cho lập miếu Hòn Bà để thờ cúng Thủy Long Thần Nữ – người giữ vai trò điều hòa khí hậu sao cho mưa thuận gió hòa để ngư dân ra khơi đánh cá được thuận lợi và gặp nhiều may mắn.
Để đến tham quan Hòn Bà Vũng Tàu, có hai cách để di chuyển. Một là dùng thuyền hoặc ghe theo hình vòng cung vì xung quanh đảo có rất nhiều đá ngầm nguy hiểm và hai là có thể đi bộ trên con đường đá dài 200m khi thủy triều xuống. Khi thủy triều xuống, biển sẽ để lộ ra một con đường gồm nhiều viên đá lớn nhỏ, những viên đá hiện lên lung linh dưới ánh nắng mặt trời tạo nên vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí. Con đường đá này cũng là nơi cư trú của hàu sữa, hàu bám trên đá tạo nên những cạnh sắc nhọn, vì thế du khách đi trên con đường này cần chú ý để tránh bị thương.
Người dân đẽo đá để lấy hàu sữa
Theo dân gian lưu truyền, Miếu Hòn Bà được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Sau đó, thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, một sĩ quan người Pháp đã bắn 3 viên đạn nhưng chỉ trúng 1 viên vào góc Miếu nên người dân địa phương còn gọi là Miếu Ba Viên Đạn. Về sau, viên sĩ quan này bị chết do bất cẩn khi dùng súng tại đây nên người Pháp từng gọi Miếu theo tên người này – Miếu Archinard. Tuy nhiên, người dân vẫn hay gọi là Miếu Hòn Bà. Năm 1971, một người dân gốc Trà Vinh đến Vũng Tàu sinh sống và lập nghiệp đã đứng ra quyên góp sữa chữa, trùng tu lại Miếu.
Hàng năm, Miếu Hòn Bà sẽ có 4 tháng lễ gồm tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 âm lịch dựa trên con nước. Thông thường, vào hai ngày 14, 15 âm lịch hàng tháng, con đường đá dẫn đến đảo Hòn Bà lại hiện lên, du khách có thể đi bộ đến thăm quan đảo và Miếu Hòn Bà.
Miếu Hòn Bà là một địa điểm chứa đựng những giá trị nhân văn, là nơi thắng cảnh du lịch tâm linh độc đáo của Thành phố Vũng Tàu mà bất cứ du khách nào ghé đến đây cũng có những trải nghiệm thú vị khó thể quên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.