Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Bản lĩnh của người cầm bút
Cách mạng khoa học và công nghệ 4.0 tác động đến nền báo chí Việt Nam ở nhiều chiều khác nhau. Sự biến đổi các dòng chảy trong “xã hội thông tin”, làm xuất hiện các chiều hướng phát triển khác nhau của lĩnh vực này ở mỗi khu vực, quốc gia và địa phương.
Khi công nghiệp điện tử và hệ thống internet đang phát triển với tốc độ nhanh, trái đất trở thành một mặt phẳng trong giao lưu tin tức. Thế giới rất xa mà lại rất gần. Những phương tiện điện tử có kết nối internet đã giúp con người truy cập thông tin ở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, hình ảnh thế giới ùa vào Việt Nam và Việt Nam hiện hữu trên thế giới đều rất nhanh và rất rõ.
Viết cho ai? Viết để làm gì? - Lời dạy của Bác Hồ đối với người làm báo cách mạng luôn nóng hổi tính thời sự. - Ảnh minh họa - Internet.
Với sự phát triển không ngừng của báo chí cách mạng Việt Nam từ ngày Bác Hồ sáng lập Báo Thanh Niên (21/6/1925), đặc biệt, trong những năm đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập, báo chí Việt Nam đã phát triển hùng hậu với đủ các loại hình: báo in, báo nói, báo ảnh, báo hình, báo điện tử, được “nối dài cánh tay thông tin bằng các vệ tinh thông tin. Đội ngũ các nhà báo Việt Nam được đào tạo chuyên ngành báo chí ở trong nước và ngoài nước, có đủ khả năng làm chủ kỹ thuật và công nghệ thông tin; làm chủ quyền lực thông tin vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 868 cơ quan báo in, báo điện tử; 66 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; khoảng 41.600 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó, có hơn 19.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ hành nghề.
Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, báo chí luôn theo sát hơi thở cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân. Bước vào thời đại công nghiệp số hiện nay, báo chí Việt Nam đang đứng trước các thách thức lớn nhưng đây cũng là cơ hội để mỗi cơ quan báo chí và người làm báo tự đổi mới để bắt kịp xu hướng chung của sự phát triển.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, với sự phát triển công nghệ truyền thông mới, báo chí cũng không đứng ngoài cuộc.
Bước vào thời kỳ kỷ nguyên số, báo chí phát triển thêm một bước mới. Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền báo chí Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Công nghệ hiện đại tạo ra rất nhiều cơ hội cho nghề báo, như: hỗ trợ cho hoạt động của các nhà báo trong các công đoạn khai thác thông tin để truyền tải cho công chúng.
Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nền báo chí Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. - Ảnh minh họa - Internet.
Từ khi Internet ra đời, trên thế giới hình thành những cơ quan báo chí mới. Vẫn có những độc giả, khán giả xem báo in, truyền hình, nghe phát thanh nhưng điều quan trọng là cơ quan báo chí đó phải sử dụng internet để làm ra trang phiên bản điện tử và đó là chính là thể loại để vươn tới độc giả nhiều hơn. Đây cũng là một cơ hội của các cơ quan báo chí. Báo chí truyền thống hiện tại không đứng riêng lẻ một mình, phải trở thành một tòa soạn đa phương tiện, mới để có thể đưa được nhiều thông tin đến độc giả nhất.
Nhiều tòa soạn báo chí đã xây dựng các chương trình đa phương tiện để hấp dẫn công chúng. Trong đó, có nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau, như văn bản, hình ảnh, video, đồ họa… để mang mang lại tính tương tác cao, cung cấp thông tin cho độc giả một cách linh hoạt…
Khó khăn trong việc đưa tin đa phương tiện là đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên phải rất nỗ lực, đầu tư nhiều công sức trong thời gian nhanh nhất để có được một tác phẩm báo chí đa phương tiện.
Thực tế, báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, có đủ khả năng sánh vai với bạn bè, đồng nghiệp năm Châu. Vấn đề quan trọng là hãy để cho quyền lực thông tin do mỗi cái đầu của mỗi nhà báo tự suy ngẫm, tự thể hiện nhằm phản ánh đầy đủ, đa dạng các loại thông tin, nhằm tránh tình trạng: mỗi sang, dở báo ra xem hay truy cập internet, có một tin, ở đâu cũng thấy, nội dung và câu từ không khác gì nhau. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức, quan điểm, tầm nhìn, khả năng tổng hợp, phân tích thông tin và bản lĩnh thông tin của từng phóng viên và từng Tổng biên tập.
Viết cho ai? Viết để làm gì? - Lời dạy của Bác Hồ đối với người làm báo cách mạng luôn nóng hổi tính thời sự khi ngòi bút đang phải đối mặt với những cám dỗ muôn ngả của thời thị trường. Phải tránh bằng được lối viết báo minh họa, viết vì tiền, vì lợi ích cá nhân để trở thành bồi bút thì sẽ làm cho mình sáng lên trước lời dạy của Bác và tự hào báo cáo với Người: “Thưa Bác! Ngòi bút của các nhà báo cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, phấn đấu cho một Việt Nam Độc lập, Tự do bền vững, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, thiết nghĩ, mỗi người cầm bút cần nêu cao hơn tinh thần, trách nhiệm và bản lĩnh của mình đối với nền báo chí nước nhà.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.