Kỷ niệm về người thầy giáo có con trai là liệt sỹ hy sinh ở biên giới Tây Nam 1978

2019-09-04 16:28:42 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Về dự Đại hội "Cựu giáo chức" Xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội được gặp mặt các thầy giáo, cô giáo năm xưa, nay tóc đã điểm bạc, sau những năm chèo lái con đò cập bến bờ tri thức trên dòng sông cuộc đời. Thật cảm động biết bao, tôi được gặp lại người thầy giáo đã dạy tôi những năm cấp I. Nắm bàn tay ấm áp, nhìn mái tóc bạc trắng của người thầy mà tôi thấy lòng rưng rưng sâu nặng.

Ghi nhận tấm lòng cao cả của người thầy đã cho quê hương cuộc đời, trọn đời của thầy vì sự nghiệp trồng người. Ở tuổi 83 thầy vẫn tích cực làm công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương, với trái tim của người chiến sỹ thi đua toàn quốc ngành giáo dục từ những năm 1960...

Gặp tôi thầy vui lắm, nhưng tôi như nghe tiếng nói từ trái tim của thầy, nhớ về người con trai yêu quí đã mãi mãi không về. Đó là liệt sỹ Lưu Văn Vĩnh - người bạn học với tôi từ ngày niên thiếu, sau này lại nhập ngũ cùng với tôi vào tháng 1 năm 1973, khi đó hai đứa chưa tròn 18 tuổi.


Thầy giáo Lưu Văn Thịnh, người ôm bó hoa trong ngày gặp mặt.


Nhớ năm 1973 đơn vị đóng ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Thầy đã cùng với Bố tôi đạp xe đạp vượt qua hơn 100 km để vào thăm chúng tôi, bởi ở nhà đoán rằng chúng tôi huấn luyện 3 tháng là đi Miền nam chiến đấu. Tôi nhớ hôm đó hoàng hôn buông xuống, trời bắt đầu đổ mưa, nghe tin bố và thầy giáo vào chơi, chúng tôi vừa mừng lại vừa thương những người làm cha vào thăm con gặp phải trời mưa, con đường đất đồi sục bùn bám chặt vào lốp xe, cả hai người đành vác xe vào đơn vị... mấy khoanh giò treo lủng lẳng, với bọc xôi to như cái mũ, vài kg lạc, tút thuốc lá... Đêm đó trung đội của tôi liên hoan một bữa ra trò. Tôi và Vĩnh được trung đội trưởng khen là nhanh nhẹn, tự giác rèn luyện và luôn gương mẫu... Bố tôi và thầy giáo mừng lắm, các cụ động viên chúng tôi cứ yên tâm đi đánh giặc, không phải lo gì chuyện gia đình. Trong không khí hồ hởi ấy chợt thầy lấy ra một gói nhỏ, được bọc giấy trắng có vẽ đôi chim bồ câu rủ rỉ trên cành hoa đào, khiến cánh lính trẻ bọn tôi tò mò nhìn nhau mắt tròn mắt dẹt. Thầy kéo bạn tôi ra ngoài lán và nói nhỏ với bạn tôi: “cô gái nhà bên gửi lời hỏi thăm cùng gói quà nho nhỏ gửi vào, vậy ý con thế nào?”. Mặc dù hai má đỏ bừng nhưng bạn tôi đã trấn tĩnh lại, lúc này trông anh già đi đến mấy tuổi, anh nói với thầy là: “con xin để hòa bình rồi sẽ tính ạ”.

Thế rồi đơn vị chúng tôi đi vào chiến trường, lên tàu từ ga Đò Lèn đến ga Nghệ An thì đi ca nô vào Quảng Bình, lại lên xe đến Vĩnh Linh. Sau mấy ngày hành quân vất vả, đơn vị nghỉ bên này sông Bến Hải chuẩn bị đêm sẽ vượt sông, đứng ở nơi trú quân chúng tôi nhìn thấy cầu Hiền Lương, tôi lại nhớ tới bộ phim "Trên Vĩ Tuyến 17", mà thấy lòng nao nao... Chỉ vài giờ nữa thôi là chúng tôi tạm biệt Miền Bắc thân thương, tạm biệt đất mẹ yêu quí để vào Nam chiến đấu. Tôi quay mặt về phương Bắc mắt tìm ngôi sao Bắc Đẩu, đêm ấy chòm Đại hùng tinh sáng ngời, chòm Tiểu hùng tinh như chiếc gầu sòng bị nối dây, mà gửi vào đây bao nhiêu viễn cảnh viển vông. Chợt một cơn gió lạnh mỏng manh khiến tôi rùng mình quay về thực tại, chúng tôi bắt đầu lội xuống dòng sông Bến Hải, mùa này nước sông cạn đáng kể, chỉ cao hơn đầu gối. Tôi và Tuyên vừa lội vừa khênh cáng bạn tôi. Vâng người đồng đội chúng tôi cáng là Vĩnh, anh vừa bị cảm lúc chập choạng tối, đại đội sắp xếp cho anh ở lại để điều trị, nhưng anh nghĩ là phải xa chúng tôi nên anh yêu cầu được đi cùng, anh nói rằng: "Tôi đang sức trai mười tám chắc chỉ nay mai là khỏi bệnh". Mấy anh em chúng tôi cũng nói giùm cho Vĩnh và chúng tôi quyết tâm đưa bạn đi cùng, nhìn bạn nằm thiêm thiếp trên võng, gương mặt điển trai trắng trẻo với đôi môi đỏ thắm như môi con gái, nay đã sậm lại vì cơn “Tào đuổi” khiến tôi tin vào nghị lực của người bạn thân, nhưng cũng linh cảm một điều gì đó thật vu vơ, không sao cắt nghĩa được. Sau ba ngày thì bạn tôi khỏi bệnh, sức trai 18 đã giúp bạn hồi sinh, với cây gậy Trường Sơn trong tay bạn đã tự đi bộ. Sau gần một tháng thì chúng tôi đến đầu cầu B2. Căn cứ Đầm Sen ở huyện lị Bù Đăng-Bù Đốp tỉnh Bình Phước, giáp với tỉnh MolDolGari của CPC, để chờ đưa về các công trường (Công trường là mật danh gọi tên của các sư đoàn 7, sư đoàn 9...).

Lúc này, cả đơn vị bắt đầu mắc sốt rét, muỗi rừng nhiều vô kể, những cánh rừng rậm rạp, ẩm thấp cộng với phải ăn sắn, ăn gạo hẩm và chưa quen khí hậu khắc nghiệt, vả lại nguồn nước vẫn còn lẫn chất dicosil, đã khiến chúng tôi cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Ai nấy đều phải uống thuốc phòng sốt rét, thuốc ký ninh đắng kinh khủng, uống vào chỉ muốn nôn ra mà vẫn phải uống. Y tá Lộc thật bận rộn, với dáng thấp đậm, anh chẳng ngồi đâu được yên vì anh em đang sốt, người nào sốt nặng là phải đề phòng cơn ác tính, cánh lính chúng tôi đều răm rắp nghe theo lệnh của anh, lần lượt chúng tôi đều phải giơ mông ra để anh tiêm phòng sốt rét. Có lẽ tôi là người may mắn nhất, căn bệnh sốt rét có vẻ kiềng tôi ra, tôi không ngờ mình lại có sức chịu đựng tốt đến thế, cả đơn vị có khoảng 5,6 người chỉ bị sốt nhẹ, thế là chúng tôi ngày ngày xuống giúp nhà bếp nấu cơm, cháo và đi lấy tổ ong rừng về cho anh em bồi dưỡng.

Lại nói về anh bạn Vĩnh đẹp trai, vào đến đây Vĩnh lại bị sốt rét quật tơi bời đến nỗi phải đi bệnh xá dã chiến, sau một tháng thì chúng tôi đã quen dần với khí hậu miền Đông Nam Bộ, sức khỏe dần dần hồi lại. Chúng tôi được điều về các đơn vị chiến đấu, và tôi cũng xa Vĩnh từ đây, hôm hành quân tôi tranh thủ lên trạm xá thăm bạn, Vĩnh còn xanh và yếu sau trận sốt rét ác tính, nên chưa được ra viện. Hai chúng tôi ôn lại những kỷ niệm vui buồn của thời học trò, trêu đùa nhau, với bao điều rưng rưng của một buổi chia tay. Chẳng ai nói ra nhưng lòng tôi lại linh cảm như đây là buổi gặp nhau cuối cùng giữa hai chúng tôi... Nhìn bạn thật lâu, bạn cũng nhìn tôi chả ai nói được điều gì, chợt bạn ôm lấy vai tôi vỗ vỗ mấy cái như là mọi thứ đều đã an bài. Rồi cái bắt tay li biệt xiết chặt, mà nghe nỗi khắc khoải của con tim đang rỉ máu, chợt mấy giọt mưa rơi lộp bộp trên tán lá, ôi cơn mưa trái mùa kéo chúng tôi về hiện tại.

Sau khi chia tay, tôi về sư đoàn 7 QĐ 4, trực tiếp chiến đấu cho đến ngày giải phóng, rồi tham gia quân tình nguyện giúp bạn giải phóng đất nước CPC, còn Vĩnh ở đơn vị thu dung, sau anh được điều về một đơn vị pháo phòng không 12.7li của Tỉnh Sông Bé chiến đấu. Sau giải phóng anh được đi học lớp Quản trị Trưởng, đến đầu năm 1978 thì thầy giáo của chúng tôi - Thầy Lưu Văn Thịnh vào tận Sông Bé nơi giáp ranh biên giới CPC để thăm con trai có ý muốn xin cho con về phép để lấy vợ... Đơn vị đã bố trí để bạn tôi đi phép, nhưng chiến tranh biên giới nổ ra, thầy giáo phải về miền Bắc, còn bạn tôi đành lỗi hẹn với người bạn gái ở quê; thật đau đớn cho thầy, cho chúng tôi chỉ vài tháng sau bạn tôi đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ Quốc.

Năm 2013, gia đình đón di hài của anh về với quê hương, hôm đó chúng tôi đến nghĩa trang liệt sỹ, thắp nén nhang đón anh về mà lòng rưng rưng, tôi thầm hứa với bạn sẽ mang hết sức mình để góp phần xây dựng quê hương Bình Minh yêu dấu với những mái trường khang trang nền nếp đẹp hơn nhiều so với hồi thơ ấu mà anh và tôi đã học. Năm 2014, tôi cùng đoàn các em học sinh ra thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ, nhìn ảnh của anh thật trẻ trung rắn rỏi!. Tôi đang miên man trong ký ức thì một cô gái từ đâu chạy đến kéo tôi đi tới 3 ngôi mộ khác, các anh đều là đồng đội nhập ngũ cùng với tôi năm 1973, hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ và biên giới Tây Nam. Cô gái nói rằng: “Em nghe thấy các bạn của anh dưới mộ, khoe với các Liệt sỹ khác là có anh người công dân số 1 của xã ra thắp nén hương cho các liệt sỹ, các bạn anh rất vui và tự hào.” Thật may mắn, chúng tôi những người đi qua chiến tranh sống trở về quê hương thân yêu đã và đang làm được những gì mà họ đang làm dang dở". Tôi nghe cô gái nói mà sởn gai ốc, hóa ra các bạn của tôi không chết, mà họ đang phiêu diêu ở một thế giới khác mà thôi.

Hôm nay, tôi viết những dòng này cũng là một tình cảm kính yêu gửi đến các thầy giáo cô giáo là những thân nhân của các anh hùng liệt sỹ, nhân ngày 20/11 - Ngày Nhà Giáo Việt Nam sắp tới.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng là 1 trong 3 điểm cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm ‘tập kết ra Bắc’

Theo kế hoạch, Hải Phòng sẽ là một trong 3 điểm cầu truyền hình trực tiếp chương trình kỷ niệm 70 năm “tập kết ra Bắc”. Đây là sự kiện nhằm ghi nhớ những mốc son lịch sử của dân tộc ta, được diễn ra vào lúc 20 giờ, ngày 16/11.
2024-11-08 19:48:51

Khẳng định quyền tiếp cận công bằng với kiến thức pháp luật dành cho người khiếm thị

Sáng ngày 8/11/2024, vòng chung khảo cuộc thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi dành cho người khiếm thị đã được tổ chức thành công tại Hà Nội, với sự tham gia của các thí sinh xuất sắc từ vòng sơ khảo ngày 17/10.
2024-11-08 16:19:36

Quảng Ninh: Dân ca độc đáo Nghệ thuật hát Đúm được bảo tồn và phát triển

Loại hình dân ca độc đáo “hát Đúm” xuất hiện từ rất lâu đời ở vùng ven biển Quảng Ninh, đặc biệt tại thị xã Quảng Yên đang rất cần được bảo tồn. Việc lan toả nghệ thuật hát Đúm ngày một rộng rãi trong đời sống nhân dân, góp phần bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hoá truyền thống này là hết sức cần thiết.
2024-11-08 16:10:54

Quảng Ninh: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV

Trong 2 ngày 8-9/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV-2024 long trọng được tổ chức với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
2024-11-08 16:06:14

Quảng Ninh: TP Uông Bí Xây dựng “Xã, phường sạch ma tuý”

Với nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy, qua đó góp phần đảm bảo ANTT, giữ vững địa bàn an toàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân đang được TP Uông Bí (Quảng Ninh) triển khai quyết liệt thời gian qua.
2024-11-08 16:02:55

Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam có tân Tổng Biên tập

Sáng nay (8/11), Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Nhà báo Nguyễn Thành Đoàn giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam.
2024-11-08 09:57:32
Đang tải...