Ký ức nghề báo!
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL |
Vậy là, Tháng Tám lịch sử gối đầu tháng Chín với ngày Quốc khánh rạng rỡ, xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Năm 2019, tròn 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chẵn nửa thế kỷ cả nước thực hiện di huấn quan trọng của Người trong ắp đầy “muôn vàn tình thương yêu”.
Trong tác phẩm “Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về Bác: “Những tư tưởng lớn của Hồ Chủ tịch là những tình cảm lớn. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như đời sống hàng ngày của mình, Hồ Chủ tịch đối xử với người, với việc luôn luôn có lý, có tình. Bác Hồ dành muôn vàn tình thân yêu với đồng chí, đồng bào và sắp xếp cho mỗi người về việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa yêu thương dìu dắt”.
Với báo chí, Bác Hồ là người Thầy thông tuệ - sáng lập Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên. Bao trùm, lan tỏa như lời Bác, “người có nhiều duyên nợ với báo chí” với rất nhiều yêu thương dặn dò, chỉ bảo từ đời đến nghề, để đến hôm nay sự nghiệp báo chí, đội ngũ người cầm bút nước nhà trùng điệp, đồng hành cùng sự nghiệp cả nước dựng xây, bảo toàn xứ sở.
Tháng tư, Hội Nhà báo Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/1949 - 4/2019) tại núi rừng Thái Nguyên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau đó, Hội Những người viết báo Việt Nam (sau là Hội Nhà báo Việt Nam) ra đời, nay đã là nhiệm kỳ thứ X với không ít thành tựu báo chí và hoạt động hội sống động, hữu ích.
Nhà báo, nhà văn Phan Quang kể, cuối năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước còn muôn vàn công việc phải làm, nhưng Bác Hồ đã chỉ thị nhà báo Xuân Thủy phải tính đến chuyện thành lập tổ chức chính trị, nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam.
Đại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam (4/1959). Ảnh: TL |
Sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn dành nhiều quan tâm đặc biệt cho báo chí. Trong lần gặp gỡ các nhà báo vào đầu năm 1980, đồng chí nói: “Làm báo là làm công tác khoa học, đồng thời là làm nghệ thuật”. Lời của đồng chí Tổng Bí thư gợi nhớ tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ tại Đại hội II, Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 4/1959) “chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương... Người đọc thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới đọc”.
Trong bối cảnh mới, những thành tựu đan xen thách thức, gợi nhớ về loạt bài nóng bỏng và mới “Những việc cần làm ngay” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Cố Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Công việc của nhà báo rất quan trọng và rất hữu ích”. Trước hết phải nhận rõ vai trò, vị trí của tổ chức, cơ quan mình đảm nhiệm. Kế đó phải có trình độ văn hóa, kiến thức cơ bản. Có kiến thức cơ bản chừng nào hay chừng ấy. Cạnh đó, cái gì cũng nên biết để nghề báo thực sự đa dạng.
Tương tự, nhà văn hóa - cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc nhở các nhà báo phải luôn tôn vinh cái đẹp. Đẹp trí thức, kiến thức, tâm hồn. Đẹp trong câu chữ, trình bày báo, phát hành báo cũng phải đẹp...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Cụ Hồ, không chỉ uyên bác nghệ thuật quân sự, “trăm trận, trăm thắng”, mà còn là nhà báo. Dấu ấn trong nghề “viết lách” của Đại tướng khởi đầu từ tờ báo Tiếng Dân của nhà chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng cách đây 90 năm. Ngày 28/2/1929, người thanh niên hiếu học và học giỏi có bài báo đầu tiên đăng trên Báo Tiếng Dân mang tiêu đề “Vũ trụ và tiến hóa” phân tích thời cuộc một cách tỉnh táo, nghiêm túc dưới bút danh Vân Đình. Sau đó tác giả viết một lèo 37 bài khác sống động, khúc triết đều đặn đăng tải trong mục “Thế giới thời đàm” của chính tờ Tiếng Dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất yêu nghề báo. Ảnh: TL |
Còn nhớ, trong hai năm 1930 - 1931 giới cầm quyền đế quốc lúc đó, không đủ sức chịu đựng trước những bài báo rực lửa sức chiến đấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kẻ thù lập tức bắt giam, đẩy vào tù cùng lệnh cấm tác giả làm báo ở Huế. Khát vọng làm báo để phụng sự dân tộc, ra tù Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn với Đặng Thai Mai và các giáo sư trường Thăng Long (Hà Nội) ra ngay tờ Hồn Trẻ (Tập mới). Học sinh Hà Nội hồ hởi mang báo đi bán khắp phố phường. Nhiều bạn đọc thời đó nói rằng, báo hay, in không đủ bán. Chỉ điều đó thôi đã nói lên sắc thái làm báo hấp dẫn, bổ ích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong bài viết tổng kết 15 năm làm báo trước Cách mạng Tháng 8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, làm một tờ báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Công việc phải khẩn trương, nắm được ý nguyện của nhân dân, phát hiện được ý đồ, âm mưu lớn nhỏ của kẻ thù. Tất cả nhắm đến phương án tốt nhất trong việc phục vụ công chúng báo chí. Thời điểm ra báo là quan trọng. Khó hơn làm nghệ thuật. Nghĩa là, làm báo phải đúng lúc, chính xác, chặt chẽ, đem lại hiệu quả cho bạn đọc. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng nhẹ kết hợp hài hòa như những màu sắc của tác phẩm hội họa. Những chữ lớn, chữ nhỏ, đứng, nghiêng... đều toát lên vai trò và hiệu quả riêng. Kết luận bản tổng kết, nghề báo phải lao tâm, tổn trí, gian khổ, nhưng được đền bù là người đọc.
Sự nghiệp báo chí của Việt Nam trải qua thăng trầm của lịch sử oai hùng của dân tộc là sự nghiệp luôn đồng hành cùng dân tộc vì độc lập, vì tự do và hội nhập cộng đồng quốc tế. Hoa trái này là hương thơm, quả ngọt, lan tỏa từ đường lối, chính sách về báo chí của Đảng, Nhà nước cùng sự đóng góp của các thế hệ nhà báo, trước hết là các nhà báo tiền bối.
***
Xưa nay, tầm nhìn là tính cách và đặc trưng nổi bật của các vĩ nhân, những người đi trước, những người dẫn đường bởi tư duy mới, tạo nên tâm sáng, bút sắc là như thế. Xin chớ quên. Xin đừng để mai một những ký ức vô giá, để đời của nghề báo vốn là nợ đời - tình người./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.