Lạc Đà Hương nâng tầm người Việt
Việc thắp hương trên bàn thờ là một tín ngưỡng của người Việt, bát hương được coi là nơi giáng lâm của các hương linh tổ tiên và cũng là nơi thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với những người thân ở bên kia thế giới. Bởi vậy vào những ngày rằm, mồng một hàng tháng các dịp giỗ, Tết hầu hết các gia đình Việt Nam đều thắp hương nhang lên bàn thờ cúng gia tiên, hoặc đến đền, chùa…cầu mong gia đạo yên vui, mạnh khỏe, hay đến nghĩa trang, đài tưởng niệm vào dịp 27/07 (ngày thương binh liệt sỹ) để tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ Quốc.
Những nén hương tỏa khói bay lên như những làn sóng truyền vào không gian mang theo tâm nguyện và những lời tưởng nhớ của người dâng hương, hiểu được nhu cầu của người Việt về hương. Anh Phạm Duy Phương (ngụ tại phường Lộc Tiến, Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã nghiên cứu tìm hiểu cho ra đời những sản phẩm về hương nhang, hiện anh đã là chủ một doanh nghiệp sản xuất hương lớn nhất tại địa phương, ngay khi thành lập anh Phương đăng ký giấy phép kinh doanh và được cục sở hữu trí tuệ cấp giấy độc quyền về sản phẩm hương của Công ty.
Từ năm 2012 đến nay anh Phương bắt đầu sản xuất hương theo quy trình được kế thừa từ truyền thống cha ông, những cây hương vốn thường sử dụng nguyên liệu hoa học nay thay thế bằng nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, cơ sở của anh Phương cam kết thành phần nguyên liệu sản xuất hương hoàn toàn từ tự nhiên như; Dây keo thực vật, trầm, quế, thuốc bắc… với tỷ lệ nhất định đem lại mùi hương dịu nhẹ, tất cả các sản phẩm về hương đều không sử dụng hóa chất nên khi đốt hương ít khói, không đậu tàn, không ám khói trần tốt cho sức khỏe người dùng.
Tháng 07/2018 anh đã nộp hồ sơ đăng ký chứng nhận nhãn hiệu mang tên “LẠC ĐÀ HƯƠNG” giúp khách hàng có thể phân biệt với các nhãn hiệu khác trên thị trường,
Anh Phương chia sẻ, Anh đã ra nước ngoài tìm hiểu về văn hóa, phong tục sử dụng hương của mỗi vùng miền, đất nước khác nhau, đến với Ấn Độ và Thái Lan; Anh Phương nhận thấy người dân nơi đây sử dụng các loại hương rất đa dạng về kích thước, màu sắc và hương liệu, ở trong nước người miền Nam thì thích hương tàn, còn người miền Bắc lại ưa chuộng hương cuốn tàn, để khách hàng có thể thoải mái lựa chọn theo nhu cầu anh đã cho ra đời 10 sản phẩm hương khác nhau, trong đó có hương cuốn tàn, hương vòng, hương nụ... Sản lượng bình quân mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tạ, hàng năm cơ sở sản xuất cung cấp cho thị trường hơn 20 tấn hương các loại, lượng đơn hàng lớn cùng nhiều công đoạn phải làm thủ công nên đội ngũ công nhân của xưởng thường xuyên phải tăng ca, hiện tại cơ sở sản xuất của anh đã tạo được việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Trước đây hương được làm hoàn toàn thủ công bằng tay nên năng suất không cao, nhưng hiện nay cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật kết hợp ứng dụng các loại máy móc và trang thiết bị hiện đại, sản lượng hương làm ra tăng gấp nhiều lần, sản phẩm làm ra có độ thẩm mỹ cao, đều và đẹp hơn.
Những cây hương nén hương vòng được làm với nhiều công đoạn, nguyên liệu của hương được lựa chọn, phân loại cẩn thận, loại bỏ những tạp chất trước khi đưa vào máy xay nhuyễn đảm bảo giữ được mùi hương chuẩn nhất. Các nguyên liệu thô trầm mảnh, trầm xác được cho vào máy xay cho thật nhuyễn, rồi rây mịn. Hương được làm với các nguyên liệu từ thiên nhiên có khoảng hơn 20 loại thảo mộc khác nhau như trầm, quế, đinh hương, đại hoàng, cam thảo, thảo quả... được trộn đều với keo thực vật (là loại nhựa cây thảo mộc chuyên dùng cho việc làm hương) theo một tỉ lệ nhất định. Sau đó, đem trộn tất cả các loại bột theo bí quyết riêng của từng cơ sở sản xuất. Trộn bột là công đoạn cực kỳ quan trọng, nếu bột quá ướt khi se hương sẽ bị biến dạng, còn quá khô thì bột sẽ bị tắc trong máy hoặc lúc thành phẩm hương sẽ vỡ, bột không kết dính vào que, bên cạnh đó thời tiết cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của hương, hương sau khi làm xong phải được hong, phơi thật kĩ trong thời tiết nắng ráo ở độ cao cách mặt đất 60cm, vừa tránh bụi và cũng mang tính tâm linh, để bảo quản hương được lâu hơn không mốc, hỏng người thợ sẽ mang hương đi sấy trong lò trước khi đóng gói sản phẩm.
Đến với nghề làm hương bằng cái duyên, anh Phương xác định gắn bó suốt đời với nghề, chính vì vậy anh làm nghề bằng chính cái “TÂM” của mình, không ngừng cố gắng thay đổi tư duy đổi mới liên tục để có những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Mặc dù thị trường hương cạnh tranh ngày khốc liệt, nguyên liệu đầu vào có biến động mạnh, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 nhưng cơ sở sản xuất của anh vẫn giữ ổn định cho ra những sản phẩm an toàn và chất lượng tốt nhất.
Hương Lạc Đà trở thành một trong những đơn vị sản xuất và cung cấp hương nhang sạch hàng đầu tại khu vực, sản phẩm đã có mặt trong các chuỗi siêu thị mini, các khách hàng là doanh nghiệp đối tác Bắc - Trung - Nam. Trong tương lai sản phẩm hương Lạc Đà sẽ mở rộng sang thị trường các nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, singapore...
Trải qua hàng nghìn năm với nhiều biến cố của lịch sử, nghề làm hương luôn luôn đổi mới vươn mình theo tiến trình phát triển không ngừng của đất nước, nhằm lưu truyền và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các ngành nghề truyền thống, không còn là trách nhiệm của riêng cá nhân, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, làm hương là một trong những nghề truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy cũng là biểu tượng cho “quốc hồn quốc túy” của con người Việt Nam./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.