Làng cắt tóc Kim Liên sắp được công nhận làng nghề cấp quốc gia
Tham dự hội nghị, về phía khách mời có ông Lưu Duy Dần
- Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam; bà Nguyễn Thị Liên – Phó Chủ tịch Hiệp
hội Làng nghề Việt Nam và các thành viên trong Hiệp hội Làng nghề Việt Nam…và một
số nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng.
Về phía địa phương có ông Mai Văn Lâm - Bí thư Đảng ủy,
Chủ tịch HĐND phường Phương Liên, ông Nguyễn Tiến Lộc – Chủ tịch UBND phường
Phương Liên và các đồng chí trong ban lãnh đạo phường Phương Liên.
|
Ông Nguyễn Tiến Lộc – Chủ tịch UBND phường Phương Liên |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Lộc – Chủ tịch
UBND phường Phương Liên cho biết: “Phương Liên với diện tích 0,43 km2 với 18000
người dân. Đặc thù của phường Phương Liên với 2 làng cổ hợp thành: Kim Liên và
Trung Tự, có 2 đình 2 chùa: Đình đền Kim Liên, chùa Kim Liên; đình đền Trung Tự,
chùa Trung Tự. Người dân kể lại rằng người con trai làm nghề cắt tóc với hộp gỗ
bên cạnh đi bộ khắp kinh thành Thăng Long gọi là nghề cắt tóc dạo; người con
gái làm nghề dệt vải và trồng rau muống. Chính vì những nét văn hóa đáng quý
lâu đời đó, Đảng bộ, UBND, nhân dân phường Phương Liên muốn lưu truyền nghề cắt
tóc. Trên cơ sở những ý kiến tham vấn, hướng dẫn lộ trình, thủ tục của Hiệp hội
làng nghề Việt Nam giúp phường tiếp tục triển khai trong thời gian tới để các cấp
có thẩm quyền công nhận làng nghề cắt tóc Kim Liên.”
|
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam |
Theo đó, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng
nghề Việt Nam cho rằng: “Cả nước hiện khoảng 5000 làng nghề, riêng Hà Nội có
1.350 làng nghề và làng có nghề; cả nước có 53 nhóm nghề, Hà Nội có 52 nhóm nghề;
cả nước có 17 nghệ nhân nhân dân, Hà Nội có 11 nghệ nhân nhân dân). Để Kim Liên
được công nhận làng nghề chính thức theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển
ngành nghề nông thôn, làng nghề được công nhận phải đạt cả ba tiêu chí về tổng
số (tối thiểu 20%) hộ trên địa bàn tham gia; về thời gian (tối thiểu hai năm
liên tục) sản xuất, kinh doanh ổn định và về yêu cầu bảo vệ môi trường làng nghề
theo quy định hiện hành. Chính vì vậy, Hiệp hội đề xuất các thành viên trong
ngành tóc quy tụ về một tổ chức nhất định để tham gia Hiệp hội Làng nghề thành
viên, trở thành thành viên chính thức để tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển
làng nghề cắt tóc Kim Liên sau này. Ngoài ra, phường Phương Liên cần tổ chức buổi
hội thảo mời thêm một số làng nghề trong khu vực Hà Nội để trao đổi kinh nghiệm
và sắp tới kỉ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Bát Tràng 20/2/2019, phường Phương
Liên sẽ có một gian hàng cắt tóc Kim Liên và một phòng triển lãm về nghề truyền
thống làng Kim Liên. Hiệp hội cũng đề xuất lấy ngày 20/02 là ngày làng nghề Việt
Nam”.
|
Anh Phạm Duy Hào - Chủ tịch hội làng nghề cắt tóc làng Kim Liên |
Đại diện cho giới “nhà nghề”, anh Phạm Duy Hào, lớp
con cháu của làng đã từng đoạt giải "Tay kéo vàng", Chủ tịch hội làng
nghề cắt tóc làng Kim Liên chia sẻ: “Không biết tự bao giờ người Kim Liên có
câu vè tự trào về nghề cắt tóc của làng mình: “Giang san một tráp, gương, lược,
dao/ Chơi ngông gọt gáy khách anh hào”. Thế nhưng, nghề cắt tóc theo thời gian
thăng trầm dần dần mai một. Đến năm 2005, được sự quan tâm Đảng Ủy, UBND phường
Phương Liên nên làng nghề cắt tóc Kim Liên được phục hồi lại.Hàng năm, hội thường
tổ chức cắt tóc miễn phí cho người dân vào ngày 16/03 là ngày hội giỗ tổ nghề
tóc Việt Nam. Điều mong muốn nhất của người dân trong nghề là làng cắt tóc Kim
Liên được công nhận chính thức.
Được biết từ nhiều năm qua, chính quyền phường Phương Liên đề xuất UBND quận Đống Đa cho phép làng nghề sử dụng vỉa hè một số tuyến phố, tạo điều kiện về mặt bằng cho những người thợ cắt tóc làng Kim Liên hoạt động. Ngoài ra, phường còn muốn tạo mọi điều kiện cho giới trẻ phát triển nghề truyền thống, tạo cơ hội giao lưu với các ngành nghề truyền thống khác với quyền bình đẳng, dân chủ và được công nhận về mặt tổ chức nhà nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.