Lương y thương binh vì đồng đội, đồng bào
Lương y Đào Viết Thoàn |
“Tôi thấy mình như đã mấp mé cửa miệng tử thần”
Ông Đào Viết Thoàn sinh năm 1959 tại xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Bởi vậy ngay từ thuở ấu thơ, cậu bé Thoàn đã được giáo dục về lòng nhân ái và lý tưởng cách mạng. Năm 17 tuổi, khi đang làm công nhân tại Nhà máy Điện Uông Bí, chàng trai trẻ Đào Viết Thoàn đã tình nguyện nhập ngũ và trở thành người lính xe tăng thuộc Lữ đoàn 408. Kể từ đó, ông theo đơn vị làm nhiệm vụ ở nơi chiến tuyến đầu sóng ngọn gió, cùng đồng đội không biết bao lần vào sinh ra tử.
Kể về câu chuyện của mình, ông Thoàn cho biết, trong một trận đánh ác liệt, giặc dội pháo như mưa hòng chặn bước tiến của đoàn xe tăng ta. Một trái pháo giặc đã đánh trúng, hất văng ông Thoàn ra xa. “Lúc ấy tôi không nhớ gì nữa, chỉ nghe đồng đội kể lại rằng tìm thấy tôi trong tình trạng bất tỉnh, người bê bết máu”, ông Thoàn nói. Sau khoảng 20 ngày mê man, ông được đưa về Bệnh viện 108 với những vết thương trên người: chấn thương sọ não, vỡ nát bánh chè chân phải, gãy xương sườn phải, mất toàn bộ cơ mông, mất mắt trái, mất xương bàn chân phải, xẹp hai đốt sống và đặc biệt trên người có rất nhiều vết bỏng nằm rải rác.
Ông Thoàn phải mất đến 4 năm đằng đẵng điều trị tại bệnh viện. Ấy là những ngày ông bị những vết thương hành hạ, quăng quật đến vật vã, trải qua ngót ghét chục lần phẫu thuật. Nhất là khi trái gió trở trời, hay mỗi lần thay băng vết thương hở trên người, lại là một lần ông phải nghiến chặt răng chịu đựng. “Ngần ấy vết thương hành hạ, tôi phải chịu đau đớn kinh khủng, nhiều lúc tưởng không còn chịu đựng nổi. Tôi thấy mình như đã mấp mé cửa miệng tử thần...” – ông chia sẻ.
Vào những ngày mấp mé giữa sự sống và cái chết, đã có hơn một lần ông định tìm cho mình cách giải thoát, ông không muốn sống những ngày đau đớn triền miên, khổ cả bản thân và trở thành gánh nặng cho gia đình. “Nhưng cũng chính lúc ấy, tôi nhận được sự chăm sóc, quan tâm, một tình thương rất lớn từ các bác sĩ ở Bệnh viện 108. Một ý nghĩ lại chợt lóe lên trong đầu tôi, mình đã chiến đấu như thế nào, tại sao có thể đầu hàng trước bệnh tật. Tôi lại khao khát được sống, khao khát được trở lại lành lặn và trở thành một người có ích, tàn nhưng không thế”, ông Thoàn tâm sự.
Được nhiều người mách bảo, ông tìm đến chùa Trắng, thôn Hữu Lễ, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội nhờ ni sư Thích Đàm Lương dùng bài thuốc cổ đắp thuốc sinh cơ, nuôi thịt. Ban đầu ni sư trực tiếp đắp thuốc cho ông. Dần dần về sau, ông được ni sư hướng dẫn để tự điều trị. Bài thuốc rất linh nghiệm, vài ngày đắp thuốc, những chất hoại tử trong vết thương đã được hút hết ra, những tế bào sống được kích thích phát triển, lớp cơ được hình thành, da non được kéo lại.
Nghĩ mình tàn tật, về quê cũng không làm được gì, ông bèn ở lại xin ni sư truyền cho bài thuốc. Sau một thời gian dài, thấy ông là người có tâm, có nghị lực và tố chất của một thầy thuốc, ni sư đã nhận ông làm đệ tử. Truyền nghề xong, ni sư Thích Đàm Lương dặn dò: “Muốn được hưởng phúc thì phải có đức, có tài, có tâm, có thiện. Ta mong con biết rồi, gắng học hỏi để giúp người”. Đó chính là cơ duyên khiến Đào Viết Thoàn gắn với công việc thiện nguyện, trở thành một lương y đức độ.
Tiếp tục viết lên bài ca người lính
Sau khi ni sư viên tịch, ông rời chùa trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình. Từ tháng 2/1982 đến tháng 7/1987, ông đã đọc và tham khảo rất nhiều tài liệu y học, dược học để chắt lọc tinh hoa từ các bài thuốc cổ truyền của dân tộc. “Tôi nhận ra rằng những cây thuốc nam rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Qua sơ chế, các cây thuốc này có tác dụng làm mau lành vết thương, giảm đau cho người bệnh. Từ đó, tôi đã nghiên cứu và sáng tạo ra bài thuốc gọi là "mỡ sinh cơ", có tác dụng hút dịch mủ, nuôi thịt, tạo da mới để điều trị cho người bệnh từ các cây thuốc nam sẵn có tại địa phương, dễ tìm kiếm, giá thành rẻ”, ông Thoàn chia sẻ.
Chia sẻ tại cuộc giao lưu ông cũng cho biết, có những lúc việc nghiên cứu chế thuốc gặp khó khăn, nhưng ông vẫn quyết tâm làm bằng được bởi trong ông ký ức của những nỗi đau do vết thương hành hạ không bao giờ phai mờ và ông không muốn những người lính đồng đội của mình và bà con đồng bào phải chịu đựng cơn đau như thế.
Điểm đặc biệt trong bài thuốc chữa bỏng của ông là tháo băng không bị dính, bôi thuốc mát không gây đau đớn cho bệnh nhân, từ đó vết thương bỏng nhanh liền da, không để lại di chứng, tiết kiệm thời gian chữa trị. Thấy thuốc có hiệu quả, mới đầu chỉ có bà con trong làng, trong xã, trong huyện, trong tỉnh tìm đến ông, rồi đến nhiều người bệnh trong cả nước cũng biết và tìm đến.
“Tôi miễn tiền công, tiền thuốc cho người nghèo, đối tượng chính sách, người khuyết tật, trẻ mồ côi và các cháu nhỏ, vì từng chịu cảnh đau đớn khi khám chữa bệnh, gia đình cũng từng lâm vào cảnh nghèo túng nên tâm niệm của tôi là vậy. Tôi đã xây dựng thêm 2 dãy nhà cấp 4 với 20 phòng để đón tiếp, phục cho cho 40-45 lượt bệnh nhân mỗi ngày”, thương binh Đào Viết Thoàn chia sẻ.
Bài thuốc chữa bỏng của ông Thoàn đã được Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận. Cũng trong cuộc giao lưu, ông cho biết đến nay ông đã điều trị thành công cho 28.744 bệnh nhân trong đó có cả các thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ em mồ côi... Hơn một nửa trong số đó được ông miễn tiền thuốc, tiền công, tiền giường bệnh, điện nước… với số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng.
“Tôi chữa bệnh miễn phí cho nhiều người cũng như sư cụ từng cứu giúp tôi. Chữa khỏi bệnh cho mọi người, tôi đã thực hiện đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thương binh tàn nhưng không phế”. Là thương binh nặng nhưng tôi vẫn góp sức nhỏ bé vào công tác xã hội, giúp ích cho đời”, thương binh Đào Viết Thoàn tâm sự.
Ghi nhận những đóng góp trong việc chữa bệnh cứu người bảo vệ sức khỏe nhân dân, thương binh Đào Viết Thoàn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành. Ông còn là tấm gương tiêu biểu cho phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh Thái Bình...
Còn trong con mắt của người dân, đồng đội thì “Đời người là một khúc quân hành. Ông Thoàn đã viết lên bài ca của mình, bài ca chiến sĩ, bài ca về đạo đức và lòng hảo tâm. Ông ấy không phải là một hạt cát vô danh mà là một hạt muối dâng vị mặn cho đời” – như lời của một đồng đội ông đã nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.