Mô hình “Cỏ ngọt Nho Quan”
Năm 2020, trong một chuyến đi du lịch tại hồ Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, anh Vũ Văn Tân, 43 tuổi, quê Hải Phòng, đang là bác sĩ tại Bệnh viện Công an thành phố Hồ Chí Minh tình cờ phát hiện một khu đất đẹp, phù hợp với mô hình trồng cây cỏ ngọt.
Diện tích đất này thuộc thôn Cối, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Anh Tân đã tìm gặp lãnh đạo địa phương xin thầu khu đất rộng 40 ha này để trồng cây cỏ ngọt. Anh được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và triển khai thực hiện mô hình thí điểm trước khi nhân ra diện rộng. Cây cỏ ngọt đang là loại cây cung cấp nguồn nguyên liệu chính sản xuất ra thuốc Đông y, điều trị huyết áp, tiểu đường. Đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất mỳ chính, bột nêm, nước giải khát trong nước và quốc tế nên rất thuận lợi trong khâu “đầu ra”.
Một góc vườn cây cỏ ngọt của anh Vũ Văn Tân tại thôn Cối, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Cây cỏ ngọt trồng tại đây phù hợp với khí hậu và đất đai nên bén rễ nhanh, cây sống đạt tỷ lệ 100%, phân nhánh cao, ít sâu bệnh. Hàng tháng thu hoạch cây cỏ ngọt tươi đều được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, tạo nên mức thu nhập cao và ổn định. Thu hoạch xong cây cỏ ngọt lại nhanh chóng sinh trưởng, phát triển, tiếp tục cho thu hoạch lần sau nên đầu tư luôn có lãi.
Anh Tân cho biết đã liên kết với HTX Đồng Phong tạo thương hiệu “Cỏ ngọt Nho Quan” và đang tiếp tục mở rộng diện tích lên 80 ha, hiện nay đã hoàn thành 60% công việc, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều người dân. Lãnh đạo huyện, xã đều đánh giá cao mô hình cỏ ngọt này, coi đây là cơ hội nâng cao mức thu nhập cho gia đình anh Tân và nhiều người dân thôn Cối.
Năm 2024 mô hình này đang được tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn thôn Cối cùng các thôn lân cận của xã Đồng Phong, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.