Một lòng vì dân, một đời vì nước
Là người có thời gian làm việc lâu năm với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong vai trò Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Nguyên đánh giá cố Thủ tướng là người “không ham mê quyền lực” và “lúc nào trong đầu óc cũng chỉ muốn làm cách nào giúp cho nước, cho dân”.
“Lúc nào trong đầu óc ông cũng chỉ muốn làm cách nào giúp cho nước, cho dân. Ngay cả khi đi nước ngoài, ông luôn tìm hiểu người ta làm ra làm sao để học hỏi, tìm cách áp dụng vào nước mình”, ông Nguyên nói.
Với cái tâm như vậy, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có thái độ ham học hỏi rất đáng kinh ngạc. Không chỉ học từ bạn bè quốc tế, học người tiền nhiệm mà trong rất nhiều quyết sách, nguyên Thủ tướng đã luôn luôn lắng nghe tư vấn của giới chuyên gia rồi mới quyết định áp dụng hay dừng. “Lắng nghe anh em tư vấn chính sách để áp dụng nên ông có nhiều quyết định có tầm nhìn xa, cao về sau này”, ông Nguyên kể.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người tích cực và kiên quyết xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.
Nhiều đồng chí lãnh đạo khác cũng rất nhiệt tình cách mạng theo tinh thần đó, nhưng riêng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ có nhiệt tình mà còn là người có ý chí và tâm huyết trong việc xây dựng thể chế và chỉ đạo thực hiện. Ông đã tận dụng được kinh nghiệm của Việt Nam và nắm bắt được yêu cầu đối với Việt Nam trong hội nhập quốc tế để xây dựng thể chế kinh tế Việt Nam. Dưới thời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, những bộ luật căn bản trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới và mở cửa được xây dựng.
Chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải đã có công rất lớn khi ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại "giấy phép mẹ", "giấy phép con"; hoàn thành những vòng đàm phán gay go trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO; để lại cho nhiệm kỳ sau một nền kinh tế đang tăng trưởng GDP trên 8% (trong hai năm 2005-2006) và một Việt Nam có vị thế được coi trọng trên trường quốc tế.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Khi tôi làm công tác Mặt trận Tổ quốc cũng có nhiều kỷ niệm với ông Sáu Khải. Vào năm 2000 chúng tôi phát động Ngày vì người nghèo. Ông Trần Đức Lương lúc đó là Chủ tịch nước đã ra lời kêu gọi, còn tôi phát động. Chính phủ và các bộ, ngành hưởng ứng thúc đẩy. Ông Sáu Khải rất hoan nghênh công việc của Mặt trận Tổ quốc. Các chương trình như xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh vách đất, làm nhà đại đoàn kết đều được ông hết sức ủng hộ. Có những lúc ông đích thân phát biểu rồi thu băng để phát trên màn hình lúc giao lưu tổng kết chương trình, chính vì thế chương trình có sức nặng lớn.
Hình ảnh vị Thủ tướng bình dị, thân tình ân cần trong mỗi lần về thăm, làm việc với các địa phương đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.
Ông Lê Trí Tập, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và cán bộ, công chức tỉnh Quảng Nam nhớ mãi ngày đầu chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày đó, nhiều người từ Đà Nẵng vào Quảng Nam làm việc; không có chỗ ở, mọi người ăn ngủ tại nơi làm việc, lấy bàn làm giường ngủ, ông Tập mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho cơ chế cấp đất ở cho cán bộ, công chức. Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý ngay.
Có đất rồi nhưng không có tiền làm nhà, tỉnh lại xin Trung ương và Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý cho Quảng Nam mượn tiền giúp cán bộ ổn định chỗ ở. Trong lúc khó khăn như thế, chính cách giải quyết linh hoạt và hợp tình của Thủ tướng Phan Văn Khải mà anh em cán bộ tỉnh Quảng Nam nhanh chóng ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó xây dựng quê hương.
Ông Nguyễn Thiết Hùng luôn nhớ về thời kỳ mình làm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Đó cũng là lúc ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng Chính phủ. Ngày đó, tỉnh Khánh Hòa đề nghị thành lập Khu hành chính tập trung và được Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý ngay. Việc làm con đường ven biển chạy song song với Quốc lộ 1A cũng được Thủ tướng chấp thuận.
Ông Nguyễn Thiết Hùng tâm sự, những công trình như tuyến đường ven biển đến nay đã phát huy hiệu quả, giúp kinh tế tỉnh Khánh Hòa phát triển: "Tính anh Khải hòa nhã, chịu khó lắng nghe. Khi trình bày ý kiến làm con đường ven biển lúc đó rất khó khăn. Ông động viên chúng tôi phải tiết kiệm, lấy ngân sách địa phương làm. Chúng tôi làm được, có đường ven biển song song với đường Quốc lộ 1A, rất là tốt. Nó là đường giao thông nhưng cũng là đường du lịch. Kéo dài tới đâu thì hai bên đường phố phát triển được, nhà cửa, du lịch, khách sạn phát triển".
Ông Dương Duy Lộc, cán bộ hưu trí phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, Thủ tướng Phan Văn Khải là người gần gũi với dân, luôn quan tâm đến người dân những lúc khó khăn.
Ông Lộc chia sẻ: "Khi làm Thủ tướng, đồng chí Phan Văn Khải rất gần gũi với quần chúng và cách làm việc để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp. Nhất là những lúc lụt đều lặn lội đều về tận nơi để thăm hỏi bà con rồi có những động viên, có những giúp đỡ của Chính phủ đối với nhân dân, đặc biệt là Huế và nhân dân miền Trung".
Đến Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM, hỏi nhà ông Sáu Khải (nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải), người dân nào trong xã cũng biết và chỉ rõ từng ngõ, đường dẫn vào nhà ông ở ấp Chánh. Bởi với họ, ông không chỉ là một nhà lãnh đạo cấp cao có công lớn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước, mà hơn hết ông Sáu Khải (người dân cũng thường gọi là chú Hai, ông Hai, bác Khải) luôn rất gần gũi với bà con láng giềng.
Ông Phạm Minh Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thông Hội, từng làm Trưởng ấp Chánh suốt gần 10 năm (1999-2006) kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là đợt lắp bóng đèn đường nông thôn theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm khoảng đầu những năm 2000.
“Khi đó xã và ấp có ý định sẽ lắp đặt các bóng đèn dọc tuyến đường vào nhà nguyên Thủ tướng trước vì ông Khải và gia đình có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương. Tuy nhiên, ngay khi biết ý định của chúng tôi, ông Khải đã “nghiêm nghị” từ chối và yêu cầu “các cháu phải lo lắp đặt cho dân trước đi”. Vì vậy, khu vực nhà Thủ tướng gần như lắp đèn đường sau cùng. Ông luôn ưu tiên lợi ích cho người dân trước...”, ông Phạm Minh Ngọc nhớ lại.
Để tạo điều kiện cho con em trong vùng được học tập tốt hơn, với uy tín của mình, ông Sáu Khải đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng và đưa vào sử dụng Trường Tiểu học Tân Thông Hội năm 2010. Ông Nguyễn Văn Khỏe cho biết, ngôi trường này in đậm dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đến nỗi người dân ở đây hầu như thường gọi ngôi trường này với cái tên thân thương là “Trường Bác Khải”.
Cuộc đời cách mạng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ luôn được người dân trân trọng và ghi nhớ, đặc biệt là những người con vùng đất Tân Thông Hội, cũng như Đất Thép Thành Đồng Củ Chi. Những cống hiến của ông Sáu Khải có thể cô đọng bằng hai câu đối của chính ông, được khắc trên bức Bình Phong tại cổng Di tích lịch sử đình Tân Thông:
/
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.