Năm 2016, gửi tiền VNĐ hay USD?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:
Người có tiền tiết kiệm thì gửi VNĐ có lợi thế
NHNN khẳng định nhất quán và kiên định mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế VNĐ, hỗ trợ phát triển kinh tế. Theo đó, dần dần chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua bán, đúng mục tiêu chống đô-la hóa của Chính phủ.
Người dân khác với doanh nghiệp ở quy mô và khối lượng giao dịch. Nếu như doanh nghiệp có quy mô lớn, khối lượng giao dịch lớn thì người dân chủ yếu thực hiện giao dịch trong lãnh thổ Việt Nam. Cũng có cá nhân thực hiện giao dịch xuyên biên giới như: chuyển tiền cho con học, đi du lịch, chữa bệnh nước ngoài... Tuy nhiên, khối lượng giao dịch này không quá lớn và đều được các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Trong khi đó, hiện nay, người dân Việt Nam thu nhập bằng VNĐ, chi tiêu bằng VNĐ. Mà VNĐ hiện đang có vị thế cao hơn, theo báo cáo của NHNN, mức lãi suất gửi vẫn ở 4-5% thì như vậy, với người có tiền tiết kiệm thì gửi tiền VNĐ có lợi thế. Hơn nữa, cách thức điều hành mới với tỉ giá trung tâm có thể khiến ngoại tệ nay tăng, mai giảm, gửi tiền tiết kiệm cũng không phải đầu cơ nên cũng không có ảnh hưởng đến giao dịch của người dân.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu:
Nên chuyển USD sang tiền Việt
Câu hỏi liệu có nên gửi tiết kiệm và găm giữ USD hay không là một câu hỏi rất khó trong bối cảnh này. Hiện nay lãi suất gửi USD bằng 0% và trong tương lai, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước ban hành một mức lãi suất âm. Thực tế, với những người găm giữ USD để kiếm lợi thì có chênh lệch thì trả lãi hay không trả lãi tiền gửi không thành vấn đề bởi thực tế, họ nhắm vào diễn biến của thị trường bên ngoài để hưởng lợi nhiều hơn. Giờ chẳng hạn nếu trong 3 tháng, ngoài thị trường biến động 1% thì có trả lãi trên tiền gửi cũng liệu có đủ bù vào phần biến động ngoài kia không?
Với người có dự trữ USD để tiết kiệm đơn thuần thì trong trường hợp này, có thể sẽ được hưởng lợi nếu như đổi sang tiền Việt và gửi ngân hàng trong 12-18 tháng để hưởng lãi suất 6%-7%. Thị trường ngoại hối có thể cho là có biến động liên tục khi áp dụng tỉ giá trung tâm. Do đó, chuyển từ USD sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao trong thời gian chờ động tĩnh là một gợi ý hay.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong:
Lợi thế nghiêng về tiền Việt
Hiện nay có 3 kênh đầu tư là bất động sản, vàng và ngoại tệ. Vàng đang có xu hướng khó lên giá, bất động sản thì có lên có xuống nhưng không phải ai cũng đủ khả năng tài chính để đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, chỉ còn lựa chọn đầu tư vào đồng tiền để sinh lời. Nhưng nếu lựa chọn giữa gửi ngoại tệ với gửi tiền Việt thì chắc chắn gửi bằng tiền Việt là tốt nhất với 2 lý do lớn.
Một là, chênh lệch lãi suất đủ cao để bù vào lạm phát. Hai là, trong năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng, các cân đối vĩ mô khá tốt, Việt Nam được tín nhiệm của thế giới, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn vào, kiều hối vẫn tiếp tục về. Đó là những nhân tố để giữ được đồng tiền Việt khá ổn định so với đồng USD. Hơn nữa, lãi suất gửi USD bằng 0% thì rõ ràng lợi thế vẫn nghiêng về đồng tiền Việt khi mà huy động tiền gửi trong năm 2016 có thể cao hơn một chút. Lạm phát và nền kinh tế nói chung sẽ khá ổn định trong nửa đầu năm nhưng nửa cuối năm có thể sẽ có biến động khi bất động sản lên giá và giá dầu trên thị trường thế giới hồi phục. Tuy nhiên, bất ổn vĩ mô sẽ không có và không gây nên sự xáo trộn quá lớn nào.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.