Năm 2020: Gần 1,1 triệu người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) -( Ảnh: Tuoitre)
31,8 triệu lao động bị ảnh hưởng vì COVID-19
Ông Tào Bằng Huy - phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - cho biết trong năm 2020 đại dịch COVID-19 làm 31,8 triệu người ở Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực như mất việc, giảm giờ làm...
Ước tính 17,6 triệu người bị giảm thu nhập. Thu nhập bình quân của lao động phi chính thức là 5,5 triệu đồng, thấp hơn 1,5 lần của lao động chính thức. Tỉ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ chịu tác động tiêu cực là 68,9%; ở lĩnh công nghiệp và xây dựng là 66,4%; nông lâm nghiệp, thủy sản là 27%.
Bài toán cho năm 2021 cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động. Trong đó các biện pháp sẽ tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, chú trọng xây dựng các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng, tăng cường đào tạo trực tuyến...
Ông Huy đưa ra số liệu đến giữa tháng 12-2020, số người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 1,096 triệu, tăng 32,3% so với năm 2019. Bình quân mỗi tháng có gần 92.000 người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo ông Huy, đại dịch cũng làm xuất hiện một số ngành nghề mới. Nhiều doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu nguồn nhân lực để thích ứng với điều kiện thay đổi. Vì vậy, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại rất lớn.
Đào tạo nghề miễn phí cho lao động thất nghiệp
Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều khóa đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng miễn phí dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch nổi lên như một giải pháp hiệu quả.
Điển hình là các khóa học do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) phối hợp cùng Chương trình hợp tác Việt - Đức "Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam" tổ chức tại 10 tỉnh và thành phố trên cả nước. Bà Phạm Việt Hà - quản lý chương trình "Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam" - cho biết tổng số khóa học đã triển khai trong thời gian qua là 34, với gần 1.100 người đăng ký.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - cho rằng muốn đảm bảo thành công cho quá trình đào tạo lại cần phải có một đội ngũ người dạy tại doanh nghiệp chất lượng.
Hiện tại, tổng cục đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) bồi dưỡng nghiệp vụ tại doanh nghiệp cho đội ngũ giảng dạy này. Tổng cục cũng đang bổ sung tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có tiêu chuẩn người dạy tại doanh nghiệp.
Tổng cục tiếp tục nghiên cứu các chương trình đào tạo sơ cấp, đưa hoạt động đào tạo đến những người đang làm tại doanh nghiệp. Điều này giúp nâng cao chất lượng lao động cho các doanh nghiệp, các làng nghề…
Tại hội thảo, một số ý kiến cũng cho rằng đối tượng tham gia khóa đào tạo sơ cấp nên được khoanh lại theo độ tuổi, trình độ học vấn để tăng khả năng tiếp thu và thực hành. Ngoài ra, cũng cần tăng thời lượng đào tạo tương ứng với trình độ sơ cấp để đảm bảo học viên được tiếp cận kỹ năng nghề đầy đủ.
* tít bài đã được đặt lại.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.