Nâng cao hiệu quả chính sách với người cao tuổi, người khuyết tật
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN) |
Ngày 6/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp nghe Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan giải trình về “Trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật.”
Mức trợ cấp xã hội bằng 40% chuẩn nghèo nông thôn
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, là cơ quan của Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên giải trình nhằm đánh giá trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương trong thực hiện công tác người cao tuổi, người khuyết tật.
Qua đó có căn cứ, cơ sở thực tiễn nhằm điều chỉnh chính sách, tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với già hóa dân số và tình trạng khuyết tật ngày càng gia tăng, thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền của đối tượng yếu thế nói chung, người cao tuổi, người khuyết tật nói riêng.
“Phiên giải trình là diễn đàn mở với sự tham gia của nhiều bên nhằm mục đích công khai, minh bạch trước cử tri, nhân dân cả nước về thực trạng quản lý nhà nước trong công tác người cao tuổi, người khuyết tật; làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Từ đó, thống nhất về nhận thức và đồng thuận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật trong thời gian tới; từng bước tháo gỡ các khó khăn, phòng ngừa, tiến tới gỡ bỏ các rào cản trên con đường bảo vệ, bảo đảm, thực thi quyền của người cao tuổi, người khuyết tật để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước” - Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cho thấy tính đến 31/12/2018, cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,5% tổng số người cao tuổi), khoảng 5,7 triệu người cao tuổi nữ (chiếm khoảng 50,7%), khoảng 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 65%).
Người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước.
Theo dự báo của Bộ thì dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa. Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và năm 2050 là 23%.
Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số).
Các tỉnh, thành phố thường xuyên rà soát, lập danh sách người cao tuổi, thực hiện xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật cho trên 1,5 triệu người để làm căn cứu giải quyết chính sách trợ giúp xã hội.
Cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho khoảng 1,7 triệu người cao tuổi và 1,1 triệu người khuyết tật; khoảng 20.000 người cao tuổi, người khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức chuẩn trợ cấp xã hội tối thiểu là 270.000 đồng/người/tháng.
Các đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi qua đời được hỗ trợ chi phí mai táng. Một số tỉnh có điều kiện kinh tế khá như Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng... đã nâng mức trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ, mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là người cao tuổi.
Tuy nhiên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng nhìn nhận, đời sống người cao tuổi, người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước.
Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn.
Số lượng người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít.
Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý...
Đề xuất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tại phiên họp, các đại biểu đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan đến độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, mức độ hỗ trợ đối với người cao tuổi; vấn đề chăm sóc người tự kỷ, người tâm thần…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, người cao tuổi đang băn khoăn về độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội và đề nghị giảm tuổi hưởng từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.
Bên cạnh đó, ông cũng quan tâm tới các giải pháp hỗ trợ khác, như giảm giá vé giao thông, tham quan du lịch cho người cao tuổi. "Hiện các địa phương không làm hoặc làm nhưng không đạt yêu cầu, vậy giải pháp tới đây thế nào?" - ông Đặng Thuần Phong đặt câu hỏi.
Tăng mức trợ cấp cho người cao tuổi, người khuyết tật cũng là vấn đề được đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Trần Thị Hiền (Hà Nam) quan tâm.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, dù đã có nhiều việc làm cụ thể thể hiện sự quan tâm với người cao tuổi, người khuyết tật, nhưng mức trợ cấp cho 2 đối tượng này còn thấp hơn mức sống tối thiểu, kinh phí địa phương thì không đủ hỗ trợ.
Đại biểu Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan đưa ra giải pháp khắc phục.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, mức trợ cấp xã hội 270.000 đồng/tháng là rất thấp, lại không phân biệt giữa thành thị và nông thôn.
"Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động nâng lên 30% mức trợ cấp đối với người cao tuổi, nhưng khi tiếp xúc cử tri vẫn đề nghị phải tăng thêm," bà Lan cho biết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: Điều quan trọng là phải thực hiện chính sách xã hội công bằng, nên phải linh hoạt, chứ không nên cào bằng. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao?
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết trước đây, pháp luật quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội, sau đó quy định giảm xuống còn 85 tuổi.
Hiện nay, độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội được quy định cụ thể tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi. Theo đó, độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội đã giảm xuống còn 80 tuổi.
Do đó, Bộ trưởng cho biết, muốn điều chỉnh độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội thì chắc chắn phải sửa luật. Theo kế hoạch thì đến năm 2021 mới sửa Luật Người cao tuổi, vì vậy nếu Quốc hội thấy cần sửa ngay thì có thể ban hành nghị quyết. “Quan điểm cá nhân, tôi đồng tình rút xuống 75 tuổi,” Bộ trưởng cho biết.
Về mức chuẩn trợ cấp xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, vừa qua Bộ cũng nhận được nhiều ý kiến về vấn đề này.
Tiếp thu ý kiến cử tri và các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết “sẽ đặt vấn đề điều chỉnh mức trợ cấp xã hội, dự kiến cuối năm nay Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành mức mới.”
Trao đổi thêm về đề xuất nâng mức trợ cấp, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Văn Hiếu cho biết, Bộ luôn coi việc hỗ trợ cho các đối tượng là khoản chi quan trọng trong tổng chi an sinh xã hội của ngân sách nhà nước và cố gắng cao nhất trong phạm vi ngân sách để đáp ứng khoản chi này.
“Dù ngân sách khó khăn nhưng những năm qua Chính phủ đã cố gắng nâng mức hỗ trợ. Hiện nay, mức hỗ trợ là 270.000 đồng/tháng và khuyến khích các địa phương trong phạm vi, khả năng ngân sách, điều kiện của mình, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phép quyết định cao hơn” - Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nêu rõ.
Thứ trưởng nhấn mạnh quan điểm “Đây là mức trợ giúp một phần trong khả năng cân đối ngân sách cao nhất, ngoài ra còn phải phát huy các nguồn lực xã hội hóa và sự vươn lên của các đối tượng.”
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, gần đây một số địa phương báo cáo có sự gia tăng rất nhanh số người xác định là tự kỷ, người tâm thần và liên tục đề nghị xây thêm các Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thầm.
“Có nơi do thiếu chỗ đã ghép nhiều đối tượng, thậm chí một số đối tượng cai nghiện cũng đưa vào nuôi dưỡng, chăm sóc chung với người tâm thần. Chúng tôi đi kiểm tra đã kiên quyết yêu cầu phải tách ra,” Bộ trưởng nói thêm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc người tự kỷ có được coi là người khuyết tật hay không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, người tự kỷ được xem là người khuyết tật.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa nội dung này vào Thông tư 01/2019. Tuy nhiên, vì mới ban hành nên có thể việc triển khai xuống một số cơ sở còn chưa tốt. Vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ chú trọng quan tâm đến vấn đề này.
Qua thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu nhấn mạnh các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật do là một số bộ, ngành, đặc biệt là vai trò chủ trì của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước, nhất là công tác tham mưu, đề xuất chính sách, thanh tra, kiểm tra, chậm giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết các bất cập, kiến nghị.
Các đại biểu đề nghị, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật nhằm đáp ứng với thực trạng già hóa dân số, gia tăng số lượng người khuyết tật và các dạng dị tật mới; quan tâm hơn trong việc quyết định phân bổ ngân sách nhà nước hằng năm dành cho công tác này.
Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng mức trợ cấp xã hội trong mối tương quan với chuẩn nghèo, đồng bộ với quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội; sớm nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện bảo trợ xã hội phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước và đời sống của đối tượng, công bằng nhưng không cào bằng./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.