Người Việt trẻ được đến Australia du lịch, làm việc trong 1 năm
2017-03-02 10:10:01
0 Bình luận
Australia và Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện chương trình hợp tác trao đổi mang tên “Thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ” kể từ ngày 1/3/2017.
Chương trình hợp tác này cho phép các công dân trẻ tuổi Việt Nam, với độ tuổi từ 18-30, đến Australia trong thời hạn một năm để làm việc ngắn hạn và học tập. Chương trình này cũng cho phép các công dân trẻ tuổi Australia đến Việt Nam làm việc và du lịch. Hằng năm sẽ có 200 ứng viên Việt Nam đủ tiêu chuẩn được cấp thị thực đến Australia và tương tự, 200 công dân Australia đủ tiêu chuẩn sẽ có thể nhập cảnh Việt Nam.
Bản thỏa thuận về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ được đại diện Chính phủ Việt Nam và Australia ký kết ngày 18/3/2015. Chương trình tạo điều kiện cho công dân hai nước có điều kiện giao lưu văn hóa, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Công dân Việt Nam tham gia chương trình này có thể học tập từ phía Australia về kinh nghiệm làm việc, cách thức sản xuất kinh doanh, quản trị nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ trong thời gian cư trú tại nước này. Sau khi về nước, thanh niên Việt Nam có thể vận dụng kinh nghiệm, kiến thức đã tích lũy được vào hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh với chất lượng và hiệu quả hơn.
Hằng năm, mỗi bên sẽ cấp tối đa 200 thị thực cho công dân của bên kia và cho phép họ lưu trú trên lãnh thổ nước mình với thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhập cảnh lần đầu tiên. Người mang thị thực Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ được phép sử dụng thị thực này để xuất cảnh và nhập cảnh nhiều lần lãnh thổ bên tiếp nhận trong thời gian lưu trú nói trên.
Người mang thị thực này phải chấp hành pháp luật, quy định của bên tiếp nhận, không được làm những công việc trái với mục đích nhập cảnh, không được làm việc toàn bộ 12/12 tháng trong kỳ nghỉ. Mục đích chủ yếu của việc lưu trú theo loại thị thực này là đi nghỉ nhưng tìm được việc làm; không được làm việc cho một chủ sử dụng lao động quá 6 tháng và không được tham gia khóa học tập hoặc đào tạo có thời hạn quá 4 tháng.
Công dân của mỗi bên không được phép tiếp tục lưu trú tại bên tiếp nhận sau thời hạn lưu trú 12 tháng.
Công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ phải đáp ứng một số điều kiện về sức khỏe, khả năng tài chính, trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, nhân thân và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu.
Điều kiện cấp thư giới thiệu là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên nhưng không quá 31 tuổi; không có án tích theo quy định của pháp luật; đã tốt nghiệp đại học hoặc đã hoàn thành ít nhất 2 năm đại học chính quy; chưa tham gia chương trình tương tự tại Australia.
Hồ sơ đề nghị cấp thư giới thiệu, gồm: Tờ khai đề nghị cấp thư giới thiệu (theo mẫu); hộ chiếu còn giá trị; bằng tốt nghiệp đại học hoặc giấy chứng nhận của trường đại học đã hoàn thành ít nhất 2 năm học đại học chính quy; phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 do cơ quan có thẩm quyền cấp không quá 6 tháng.
Trình tự cấp thư giới thiệu, đối tượng đủ tiêu chuẩn nhập thông tin cá nhân vào tờ khai đề nghị cấp thư giới thiệu tại cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn ). Trong thời hạn 20 ngày làm việc, công dân nộp một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới Cục Quản lý lao động ngoài nước. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp thư giới thiệu cho công dân Việt Nam; trường hợp không cấp có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Giấy giới thiệu có thời hạn 60 ngày kể từ ngày cấp. Trong trường hợp thư giới thiệu bị mất, bị hỏng phải gửi hồ sơ đề nghị cấp lại tới Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Chinhphu.vn