Nguyễn Sơn Lâm: Bản lĩnh và nghị lực
Nguyễn Sơn Lâm sinh ra trong gia đình nghèo có 4 anh chị em ở Uông Bí, Quảng Ninh. Với anh, sự tự tin và mạnh mẽ của ngày hôm nay được bắt đầu bằng một tuổi thơ không bình lặng. Tròn 1 tuổi, cơ thể Lâm ngày càng yếu đi, hai chân teo lại. Quá lo lắng, bố mẹ Lâm nghe phong thanh nơi nào có “thần y” đều đưa con đến chữa bệnh nhưng các lang y, bác sĩ lắc đầu trước ca bệnh khó. Đi khám, bác sĩ bảo Lâm mắc chứng loãng xương. Anh trai thứ hai của Lâm cũng bị viêm màng não. Bất giác, người cha nghĩ đến chuỗi ngày ác liệt ở chiến trường phía Nam, ông cũng nhiễm chất độc da cam. Có lẽ chính chất độc đã khiến các con ông không lành lặn như người bình thường.
Nguyễn Sơn Lâm trong buổi ra mắt Tạp chí Điện tử Hòa Nhập. |
Lên 4 tuổi, Lâm đã thể hiện sự thông minh hơn người. Một lần, người anh trai của Lâm bị viêm màng não, học lớp 2, không thể giải được bài toán khó, Lâm đang ngồi với bố, đã nói: “Con có cách giải”, rồi vanh vách đọc cách giải ra. Cả nhà hết sức ngạc nhiên, bà Hiền - mẹ Lâm liền đi xin cuốn sổ chữ cái rồi dạy một vài chữ trong đó cho con. Chỉ sau vài tháng, Lâm đã tự ghép các chữ lại với nhau và đọc báo thành thạo. “Khi tôi cho cháu học lớp 1 được 2 tháng thì cô giáo gọi tôi lại bảo: Có khi cho cháu học lên lớp 3 luôn vì cháu quá giỏi. Nhưng tôi muốn con trải qua các cấp bậc học để có cái gốc vững vàng” - bà Hiền chia sẻ. Sơn Lâm trở thành một hiện tượng của vùng năm đó.
Đến 5 tuổi, Lâm đã đọc được báo, làm được toán. Năm Lâm học lớp 4, Lâm tha thiết về xin mẹ học tiếng Anh. Thầy giáo bảo: "Nếu thang điểm 11, thầy sẽ cho em 11 điểm”. Mỗi lời kể của bà Hiền đều chứa đựng niềm tự hào đối với đứa con thứ ba bé nhỏ.
Năm 15 tuổi lúc đó ba anh mất, anh trở thành gánh nặng cho mẹ và các anh của mình, làm gì cũng mẹ bế, mẹ ẵm, anh đến trường trong sự trêu chọc của bạn bè. Anh lấy đó làm động lực để vươn lên, anh bỏ ngoài tai những lời nói khó nghe, những chỉ trích về mình. Anh cố gắng học tập thật tốt và nhiều năm liền anh đạt học sinh giỏi. Khi học cấp ba, anh đã nói được ba thứ tiếng Anh, Nhật và Pháp, anh luôn là người dẫn đầu trong các cuộc thi của trường và tỉnh Quảng Ninh. Cú sốc trượt ĐH lần đầu tiên khiến anh suy sụp hoàn toàn, cũng trong năm đó anh bị tai nạn giao thông và được bác sĩ chuẩn đoán “chấn thương hộp sọ”. Lâm đã níu tay mẹ nói: “Mẹ ơi! Mẹ về thắp hương cho bố! Để bố phù hộ cho con đừng chết. Con còn nhiều việc phải làm mà chưa làm được”. Điều kỳ diệu đã đến, sau một thời gian điều trị, Lâm khỏe mạnh trở lại. Anh miệt mài ôn thi liền một năm sau đó và đỗ liền 2 trường đại học: Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (Khoa tiếng Anh) và Đại học dân lập Phương Đông (Khoa tiếng Nhật). Lâm đã thuyết phục mẹ chuyển trường cho em trai út - khi đó đang học lớp 8 ở quê lên Hà Nội học và tiện đỡ đần cho anh.
Nguyễn Sơn Lâm ngày còn làm phóng viên thể thao. |
Ra trường, Lâm được nhận vào làm phóng viên mảng thể thao của Vietnamnet rồi Thể thao văn hóa, Bongda24h. Nhưng bóng đá cũng chỉ là đam mê chứ không phải là lý tưởng sống. Ước mơ trở thành doanh nhân thành đạt luôn cháy bỏng trong lòng chàng trai trẻ. Cảm phục con người Lâm, ba người bạn khác là: Nguyễn Hữu Cát, Nguyễn Hữu Huân và Đỗ Minh Đức đã sát cánh với Lâm gây dựng sự nghiệp. Tháng 6/2011, Công ty Cổ phần Đào tạo Tỏa sáng chính thức thành lập, họ bầu Lâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ba người bạn, mỗi người phụ trách một lĩnh vực. Công ty được thành lập với mục đích cung cấp dịch vụ đào tạo các kỹ năng sống dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội.
Mỗi tháng, Lâm có 5 - 6 buổi diễn thuyết, tháng nhiều nhất đến hơn 10 buổi cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mỗi buổi diễn thuyết thu hút hơn 300 - 500 sinh viên tham gia. Hơn 90% sinh viên đã thay đổi thái độ sống tích cực và tìm ra được cách thức giải quyết vấn đề cá nhân.
“Lâm Fansipan” từng chinh phục mái nhà Đông Dương. |
Không dừng lại ở thành lập công ty riêng, cái tên Nguyễn Sơn Lâm còn được nhắc đến với biệt danh Lâm Fansipan. Câu chuyện về chàng trai tí hon chinh phục nóc nhà Đông Dương được nhiều người nhắc đến như một truyền thuyết về nghị lực phi thường giữa đời thường. Nhưng khi Lâm đưa ra quyết định sẽ leo Fansipan, có rất nhiều người đã phản đối. Có người còn cho rằng anh có vấn đề về tâm thần, bởi sức khỏe sẽ khiến anh khó thực hiện mục tiêu của mình. Vượt qua bao nhiêu vách đá cao, bùn lầy và nhiều đoạn suối, những thân cây lớn vắt ngang đường... từng bị ngã, có khi bị lăn ra đường, qua những nấc thang, đến khi đặt chân lên đỉnh, Lâm còn không tin nổi mình đã làm được.
Nguyễn Sơn Lâm - Biểu tượng của tinh thần lạc quan và ý chí vươn lên trong cuộc sống |
Năm 2013, Nguyễn Sơn Lâm được được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm và chụp ảnh lưu niệm.
Với anh “được sinh ra trong đời đã là một sự may mắn”, dù anh thiệt thòi hơn bất cứ đứa trẻ nào khác. Khái niệm “thằng lùn”, “thằng què”... đã theo anh suốt tuổi thơ. Nhưng có lẽ, niềm ham sống luôn là động lực để anh vượt qua những khó khăn. Mẹ Lâm bảo, bà chưa bao giờ nghĩ rằng, đứa con trai mà bà từng lo sẽ phải nuôi nấng, chăm sóc cả đời lại giỏi và thành đạt đến thế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.