Nhà báo Phạm Tuấn Dũng- người hoạ sĩ tài ba dành cả cuộc đời cho niềm đam mê hội hoạ
Hoạ sĩ Tuấn Dũng
Sinh năm 1942 tại Ngã Tư Sở, Hà Nội. Sau năm 1945, hoạ sĩ Tuấn Dũng cùng gia đình tản cư về quê mẹ ở Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang sinh sống suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, đến năm 1955 anh mới trở về Hà Nội. Năm 1963, anh đi lính thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Sau khi đi lính trở về, năm 1966, anh được tuyển vào làm Hoạ sỹ , Phóng viên cho báo Thiếu niên Tiền phong. Năm 1980, anh chuyển sang công tác tại báo Giao thông Vận tải. Mười lăm năm sau anh về làm phó Tổng Biên tập Tạp chí Kho bạc, nay là Tạp chí “ Quản lý Ngân hàng Quỹ Quốc gia” cho đến năm 2002 nghỉ hưu.
Vốn là một người yêu hội hoạ từ bé, lại có tài bẩm sinh về hội hoạ, ngay từ nhỏ, do không có điều kiện để theo học ở Trường Mỹ thuật, Anh tìm đến thầy Phạm Viết Song và Đình Minh là hai Hoạ sỹ có tiếng lúc bấy giờ để học vẽ hình hoạ và trang trí từ năm 1961 đến năm 1962. Được các thầy tận tình giúp đỡ, niềm đam mê hội hoạ trong Anh được nhân lên. Kể từ ngày đó, đi đâu hay làm bất cứ việc gì, trong người Anh luôn có cây bút chì và cuốn sổ tay để Anh ký hoạ những khuôn mặt và hình ảnh đẹp của cuộc sống đời thường mà Anh yêu thích.
Với năng khiếu bẩm sinh và tình yêu dành cho hội hoạ luôn cháy bỏng đã giúp hoạ sĩ Tuấn Dũng gặt hái rất thành công trong cuộc đời đi săn tìm cái đẹp của cuộc sống. Có thể nói, ba mươi sáu làm báo, một thời sống trong quân ngũ và một tuổi thơ đầy vất vả là một khoảng thời gian dài để anh có thực tế, trải nghiệm và tích luỹ vốn sống. Để sau này đến khi nghỉ hưu, có điều kiện và thời gian rãnh rỗi anh mới toàn tâm thoã mãn niềm đam mê hội hoạ của mình. Những bức tranh của anh vẽ được chắt lọc từ tư liệu vốn sống thực tế, mang đậm nét phong cách văn hoá của người Việt nên rất gần gũi với công chúng được người yêu hội hoạ trong nước và du khách nước ngoài đón nhận. Ngoài những bức tranh chân dung vẽ về người thân, bạn bè và đồng nghiệp mà được giới yêu hội hoạ trong nước đón nhận, ngợi khen anh còn thể hiện rất thành công các tác phẩm nghệ thuật của mình qua các đề tài khác nhau như: Phong cảnh ; Xã hội và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ở thể loại đề tài nào, tranh của anh cũng được người yêu hội hoạ đón nhận nồng nhiệt. Hàng trăm bức tranh của anh được giới thiệu qua sáu lần triển lãm tranh ở Hà Nội và một lần trưng bày tại sảnh đường Toà thị chính Thành phố Hăm-buốc (Hamburg) của Đức năm 2003 đã được giới sành chơi tranh ở Châu Âu gắn tên sưu tầm lưu giữ cũng là một trái ngọt trả lại cho anh sau một thời gian dài lao động nghệ thuật mệt mỏi và nghiêm túc.
Sự thành công trong mỗi tác phẩm nghệ thuật và nghề nghiệp của anh không thể thiếu công sức của người vợ- Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Hiền, chị là một trong những nữ Tiến sĩ Khoa học đầu tiên của nghành Kinh tế. Chị đã hai lần bảo vệ Luận án phó Tiến sĩ và Tiến sĩ tại Thành phố Leningrad, (nay là Thành phố Saint-Peteburg, Nga). Trong thời gian du học ở nước Nga, chị đã dành dụm tất cả tiền bạc để mua mầu cho anh vẽ. Xuất thân từ một người làm báo và cả cuộc đời gắn bó với nghề báo nhưng anh lại nổi tiếng và gặt hái rất thành công trong lĩnh vực hội hoạ, đó là nét nổi bật trong cuộc đời của Hoạ sỹ Tuấn Dũng. Hơn 20 năm trở lại đây anh mới tập trung vào sáng tác nhưng mới chỉ ngần ấy thời gian mà anh đã để lại cho đời với gần 500 bức tranh chất liệu sơn dầu và Acrylic là sự minh chứng cho sức sáng tạo, niềm đam mê nghệ thuật và sự lao động nghiêm túc không ngừng nghỉ của Anh trong suốt thời gian qua.Trong nghề hội hoạ thì vẽ chân dung là một công việc rất khó, ít người theo đuổi, không như vẽ tranh phong cảnh, người cầm cọ được tự do thể hiện cái đẹp theo ý muốn của mình còn đối với vẽ chân dung phải gò bó ép buộc người Hoạ sỹ phải lột tả được cái thần thái khác biệt, đặc tính của người mẫu. Anh kể, một lần vẽ chân dung cho cháu gái, chỉ một tình tiết cái môi cười như đang mím lại của cháu đã làm anh trăn trở chỉnh sửa suốt cả một tuần lễ vì đó là chi tiết thể hiện tính cách riêng biệt của cháu.
Tôi gặp anh vào một ngày cuối thu trong xưởng vẽ trên tầng ba của ngôi nhà nằm trong ngõ 29 phố Võng Thị nhìn ra Hồ Tây thơ mộng của Hà Nội. Trên giá vẽ của anh lúc nào cũng bề bộn những toan, mầu và những bức tranh còn dang dở. Trên giá vẽ của anh luôn có ba tranh với những đề tài thể hiện khác nhau. Bức thì bắt đầu đi vào phác hoạ, bức thì đang đi vào hoàn thiện. Những lúc tập trung vẽ tranh chân dung căng thẳng thì anh chuyển sang hoàn thiện tranh phong cảnh cho tâm trí được thư giãn.
Mùa Xuân Quý Mão năm nay anh bước sang tuổi tuổi 81 nhưng tâm hồn anh lúc nào cũng tươi trẻ. Trên mạng xã hội anh vẫn viết và cho đăng thơ tình được rất nhiều bạn đọc khen ngợi thích thú.Tuy đã tuổi 80 nhưng hàng ngày anh vẫn dành thời gian năm, sáu giờ đồng hồ để ngồi trước giá vẽ. Anh nói, chỉ có vẽ mới làm cho anh được bình tâm, thanh thản, bay bổng hết đi cái mệt mỏi. Một mùa Xuân mới đang về trong mỗi gia đình góc phố, xin kính chúc Hoạ sỹ Tuấn Dũng thêm tuổi thêm nhiều sức khoẻ,tiếp tục dâng cho đời những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc.
Một số tranh được hoạ sĩ Tuấn Dũng thể hiện qua các đề tài khác nhau trong những năm vừa qua.
TÔI NGỒI TRONG CHIẾC Ô TÔ ĐỎ MỘT NGÀY ĐẸP TRỜI . Sơn dầu: 60 x 80 cm . Tác giả : Hoạ sỹ TUẤN DŨNG
BUỒN TÀN THU và Nhạc sỹ Tác giả. Sơn dầu: 95 x 120cm. Tác giả : Hoạ sỹ TUẤN DŨNG
MIỀM KỶ NIỆN..Sơn dầu : 100 x 100cm. Tác giả: Hoạ sỹ TUẤN DŨNG
NHÀ VĂN KIM LÂN...Sơn dầu :50 x 70cm- Tác giả: Hoạ sỹ TUẤN DŨNG .
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.