Những cái Tết “đặc biệt” của người mặc "áo sọc"
Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu những ngày cuối năm thật yên bình, đầm ấm...
Những mùa xuân khép kín
Tết không còn bao xa, khắp núi rừng Tây Bắc hoa đào, hoa mận đã bắt đầu bung cánh. Chúng tôi ngược lên Tây Bắc, đến Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu để thấy cái Tết yên bình, đầm ấm của các phạm nhân ở vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Thiếu tá Hoàng Thị Toàn, Phó giám thị Trại tạm giam nói chuyện với các phạm nhân |
Năm nay, phạm nhân Tẩn Quan Mẩy phải đón cái Tết thứ 3 trong trại tạm giam. Nói về những cái Tết vừa qua, chị chỉ biết khóc. Chị bảo: “Ngày thường nhớ nhà, nhớ con, nhớ người thân một, còn ngày Tết - khi các gia đình đều đoàn tụ với nhau, nỗi nhớ gia đình tăng lên gấp bội”.
Tẩn Quan Mẩy phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị bắt tại thành phố Lai Châu khi đang vận chuyển heroin từ bản Hoàng Hồ, xã Phăng Sô Lin đến thành phố Lai Châu (Lai Châu). Cô chịu mức phạt 20 năm tù giam. Những ngày đầu bị bắt, Mẩy tỏ ra gan lì. Hỏi không nói, gọi không thưa.
Đại úy Chẻo A Dao, Đội trưởng Đội quản lý giáo dục kể lại: “Lúc bị bắt, rồi hỏi cung, kể cả đến lúc giải vào Trại tạm giam phạm nhân Tẩn Quan Mẩy rất lì lợm, dửng dưng với bản án mà tòa đã tuyên. Đến khi mọi người đang chuẩn bị đồ đón Tết thì Mẩy bật khóc nức nở. Hỏi mãi, Mẩy mới thú nhận, Tết trong Trại tạm giam đầy đủ quá làm Mẩy nhớ gia đình, thương 3 đứa con đang tuổi ăn học, không biết ở nhà con có được đón Tết đầy đủ không?”.
Chia sẻ về những cái Tết trong Trại tạm giam, phạm nhân Tẩn Quan Mẩy hồ hởi cho biết: “Tết trong đây đầy đủ lắm. Có thịt gà, có bánh chưng, còn rất nhiều bánh kẹo nữa. Vào thời khắc Giao thừa, Ban Giám thị cùng Đội quản giáo sẽ đến từng khu phân trại để thăm hỏi và gửi những lời chúc chân tình tới chúng tôi, xóa đi khoảng cách, sự mặc cảm. Sau đó, chúng tôi cùng bày mâm ngũ quả liên hoan trong phòng, ai có đồ gì được gia đình gửi cho đều bỏ xuống, mọi người vừa ăn vừa hát hò rất vui vẻ, có khi hát hò đến sáng".
Các phạm nhân tham gia tăng gia sản xuất |
Tuy nhiên, không phải ai cũng có tâm trạng vui vẻ, cười đùa, hòa đồng cùng mọi người. Tết đến, xuân về mỗi người một nỗi niềm. Thiếu tá Hoàng Thị Toàn, Phó giám thị Trại tạm giam cho hay: “Mỗi phạm nhân mang một bản án khác nhau, song cùng chung một nghịch cảnh là đếm ngược thời gian cho quãng đời ngắn ngủi còn lại. Kể từ khi vào đây, khái niệm về không gian, thời gian của mọi người cũng chỉ bó hẹp trong 4 bức tường chật chội. Do vậy, khi sắp đến Tết, nỗi nhớ gia đình, bạn bè, nhớ không khí ngày Tết khi còn ngoài xã hội càng tăng lên khiến tâm trạng của các tử tù khó đoán biết, khó quản lý hơn”.
Khi được hỏi về những cái Tết trong trại giam, nữ phạm nhân Phan Thị Chính lại tỏ vẻ buồn rầu: “Tết ở trong này chúng tôi được tạo điều kiện lắm. Nhưng thật sự vẫn không đủ đầy. Những ngày cuối năm, trái ngược với không khí nhộn nhịp, tất bật ngoài kia, nơi đây thời gian ngưng đọng lại. Mọi người vẫn cười đùa vậy thôi, nhưng thẳm sâu trong lòng là nỗi nhớ gia đình, nhớ chồng con lại đang cuộn trào. Không khí ngày Tết với chúng tôi dường như chỉ tồn tại bên ngoài, còn hiện thực vẫn chỉ là 4 bức tường lạnh lẽo và song sắt của buồng giam”.
Thấu hiểu được tâm trạng của những phạm nhân, thiếu tá Toàn cũng cho biết thêm: “Ngoài những món quà vật chất được Nhà nước cấp theo quy định, hàng năm, Ban giám thị vẫn mua đào, mua quất trang trí. Đặc biệt là tổ chức cho phạm nhân chơi những trò chơi dân gian, truyền thống như: ném còn, ném cổ chai, đá bóng, đánh đu, bịt mắt bắt dê để các phạm nhân không thấy cô đơn mỗi khi Tết đến xuân về. Không khí ngày Tết cũng vô cùng náo nhiệt, vui vẻ”.
Tết “đặc biệt” ở một nơi đặc biệt
Đối với tử tù Hờ A Cưa, anh coi đây là cái Tết cuối cùng. A Cưa khóc mà rằng: “Tôi hối hận lắm nhà báo ạ. Tôi chưa làm tròn nghĩa vụ với bố mẹ, vợ con, anh em. Nếu có một điều ước, tôi ước mình bị án chung thân, như vậy còn có hy vọng trở về báo hiếu bố mẹ, bù đắp cho vợ con”.
Hờ A Cưa, 24 tuổi, trú tại bản Pa Kha, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Y bị tòa tuyên án tử hình vì tội mua bán, vận chuyển 12 bánh heroin. Hờ A Cưa, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em. Một mình Cưa được đi học hết cấp III và được bố mẹ cho đi học nghề. Được sự động viên của gia đình, của vợ (Cưa lấy vợ năm học lớp 8) Cưa đã được cầm trên tay tấm bằng trung cấp kế toán chuyên nghiệp, đã nộp hồ sơ và đang chờ việc. Là một thanh niên mới lớn, thích ăn chơi mà không thích làm, muốn có xe hơi, nhà rộng Cưa đã bị đám bạn xấu rủ rê buôn ma túy.
Cưa lao vào ma túy, lôi kéo cả anh em họ, hàng tham gia. Sau vài lần chót lọt, với số tiền hàng bán được, Hờ A Cưa đã mua được ô tô. Đúng lúc buôn bán “đang phất” Hờ A Cưa nhận được giấy báo đi làm việc tại xã Lóng Luông. Tại đây, y được giao làm cán bộ thuế xã, được sự tín nhiệm của nhiều người. Với ước mơ giàu sang, Hờ A Cua lại tiếp tục buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy. Chuyến hàng định mệnh đêm ngày1/9/2008, Hờ A Cưa đã bị lực lượng công an bắt quả tang khi đang vận chuyển 12 bánh heroin từ Sơn La sang Lào Cai tiêu thụ trên chiếc xe 8 chỗ.
Sống sau song sắt những ngày cuối đời, Hờ A Cưa mới cảm nhận rõ giá trị của gia đình. Y trải lòng trong nước mắt: “Tôi thương mẹ, thương vợ lắm. Mỗi lần họ vào thăm, tôi chỉ biết cúi đầu xin tha tội vì không làm tròn bổn phận của người con, người chồng".
Phạm nhân chăm sóc cây cảnh, chuẩn bị đón Tết ở trại tạm giam |
Ở một hoàn cảnh khác là trường hợp của phạm nhân Chẻo A Nái. Tết Bính Thân 2016 đã là năm thứ 5 và cũng là năm cuối cùng Chẻo A Nái đón Tết ở Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu. Chỉ còn 6 tháng nữa thôi, A Nái sẽ được về nhà.
Chẻo A Nái (34 tuổi) là người dân tộc Dao, từng bị bắt quả tang tại xã Mường So, huyện Phong Thổ vì tội mua bán, vận chuyển 500 gram thuốc phiện đen và bị òa tuyên án 60 tháng tù. Trong thời gian thụ án, A Nái đã nhiều lần có ý định trốn trại. Sau những lần được Đại úy Chẻo A Dao đả thông tư tưởng A Nái tiến bộ lên rất nhiều, từ bỏ được ý định trốn trại và tích cực tham gia lớp xóa mù chữ, được phân làm tổ trưởng tổ hậu cần. Hiện tại Chẻo A Nái đã tự tay viết thư cho gia đình.
Trong lá thư gửi gia đình gần đây nhất, A Nái có viết: “Tết sang năm nhà mình có thể quây quần, đông đủ rồi. Các con gắng học giỏi, chờ bố về. Sang năm bố sẽ trồng thật nhiều ngô, lúa, nuôi thật nhiều trâu để tết mua nhiều quần áo đẹp, thịt cho các con”.
“Vợ tôi ở nhà nhận được thư, cậu con trai lớn đang học lớp 4 đọc cho cả nhà nghe, tất cả đều rất mừng. Vợ hiểu, tin tưởng và động viên tôi yên tâm cải tạo để sớm về với vợ con. Ở đây vui nhất là những ngày xuân, nhưng không bao giờ tôi quên được ngày Tết với gia đình. Giờ chỉ mong cải tạo thật tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời. Dù muộn màng vẫn mong được bố mẹ tha thứ” – Chẻo A Nái xúc động.
Trong số các phạm nhân mà chúng tôi gặp, phạm nhân Sùng A Chua khiến người ta dễ chú ý bởi với nét mặt u uất, ánh mắt buồn luôn luôn cúi xuống dù đang làm việc hay là giải lao. Sùng A Chua bị kết án 53 tháng tù do trong lúc uống rượu say, tham gia bắt trộm giúp em đã đánh chết tên trộm. Khi tỉnh rượu, ân hận thì đã quá muộn. Suốt thời gian thụ án đến nay, Chua đã rất cố gắng lao động cải tạo và lớp phạm nhân đầu tiên tham gia lớp học xóa mù chữ. Sùng A Chua là một trong 5 trường hợp được cấp ...chứng chỉ và được cán bộ khen là học sinh xuất sắc.
Lý giải cho sự nét mặt buồn rầu, A Chua tâm sự, Chua có vợ và 4 đứa con. Vào trại được 2 tháng thì vợ sinh đứa con gái, năm nay nó đã gần 3 tuổi. Nhưng năm ngoái (6/2014), khi 2 mẹ con nó trên đường lên thăm tôi thì đã bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Bây giờ 3 đứa con lớn đang được ông bà nội chăm sóc nhưng cũng khổ lắm. Tôi quyết tâm cải tạo thật tốt để được ra trại, đi tìm vợ.
Có lẽ, hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, mùa xuân, mùa đoàn tụ đang đến gần nên Chua buồn. Trong suốt cuộc nói chuyện Sùng A Chua rất kiệm lời, chỉ lầm lũi lao động cải tạo với mong muốn sớm được ra trại, đi tìm vợ con, về đoàn tụ với gia đình.
Để các phạm nhân có cái Tết vui vẻ, bình yên, từ trước đó vài tháng, Ban giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu đã lên kế hoạch bảo vệ, cắt cử người trực cụ thể. Chính bởi phải đảm bảo an toàn trong dịp Tết, nên đối với các quản giáo, lãnh đạo Ban giám thị, Tết luôn đến muộn hơn so với mọi người.
Đại úy Chẻo A Dao cho biết: “Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu có gần 300 phạm nhân. Có đến 80% các phạm nhân là người dân tộc thiểu số phạm tội mua bán, vận chuyển ma túy. Vào dịp Tết, theo quy định của nhà nước, chế độ ăn của các can, phạm nhân được tăng lên gấp 5 lần, cũng đầy đủ hương vị cổ truyền của dân tộc như bánh chưng, giò, kẹo, mứt… Ngoài ra, Ban Giám thị Trại tạm giam thường tổ chức hoạt động đón Tết như thi gói bánh chưng, tổ chức các trò chơi vui xuân của người dân tộc như ném còn, đánh đu, ném pao...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.