Những hàng trầu cau vắng vẻ ngày cận Tết tại TP.HCM
Mặc dù cận Tết Nguyên Đán nhưng hàng chục hàng trầu cau dọc đoạn đường Lê Văn Sung (Quận 6, TP.HCM) vẫn trong tình trạng vắng khách.
Phóng viên Hòa Nhập Online có mặt chợ trầu cau vào một buổi chiều ngày cận tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022. Mặc dù nằm cạnh chợ lớn TP.HCM, một trong những khu vực mua bán sầm uất nhất Thành phố hiện nay. Nhưng những hàng trầu cau nằm dọc tuyến đường Lê Quang Sung (Quận 6, TP.HCM) vẫn trong trạng thái ảm đạm, người mua ít, chợ vắng.
Khách hàng có thể tìm kiếm đa dạng các mặt hàng liên quan tại các hàng trầu cau dọc theo tuyến đường Lê Quang Sung (đối diện bến xe buýt chợ Lớn Quận 6).
Trong năm, những ngày cận tết cổ truyền là khoảng thời gian hoạt động mua bán trầu cau diễn ra nhộn nhịp, tấp nập nhất. Đặt biệt bắt đầu từ ngày 25 đến ngày 30 tháng chạp số lượng người tìm mua trầu cau để lễ tết sẽ tăng cao. Năm nay, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa sẽ đến tết cổ truyền nhưng khu chợ vẫn trong trạng thái vắng khách khiến nhiều tiểu thương cảm thấy lo lắng.
Chỉ vỏn vẹn vài mét vuông nhưng từng, các tiểu thương có thể bày bán đầy đủ các mặt hàng như là trầu, trái cau, thuốc xỉa...
Chợ trầu cau “độc nhất vô nhị” này có tuổi đời khoảng trăm năm, nổi tiếng bật nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Giai đoạn thịnh hành, có khoảng 100 tiểu thương từ khắp nơi tập trung về đây để kinh doanh trầu cau…Ở đây, người ta bán trầu cau quanh năm, sôi nổi nhất là các dịp lễ tết, khách đến đây mua hàng phần nhiều cần trầu cau về cúng bái hoặc có việc cưới, hỏi.
Với sự phát triển, thay đổi nhanh chóng của Thành phố, khu chợ dần thu hẹp, số lượng người buôn bàn trầu cau cũng dần mai một, tình hình mua bán cũng không còn nhộn nhịp như ngày xưa. Thay vào đó, chợ còn chưa đến 15 hàng trầu cau, những người bán hàng ở đâu đa phần đã lớn tuổi và gắn bó với nghề hàng chục năm.
“So với thời điểm này các năm trước, lượng khách mua ít hơn nhiều, sau dịch bệnh người bán cũng ít dần. Tôi gắn bó với nghề này mấy chục năm rồi, đa số những người còn bán ở đây đều nối nghiệp gia đình và đã lớn tuổi. Buôn bán lâu năm nên có mối mang, yêu nghề nên vẫn cứ bán, tới đâu hay tới đó, còn người mua, tôi còn bán…” – Bà Phước 47 tuổi, người bán cau tại chợ chia sẻ.
Với bàn tay khéo léo của mình, các tiểu thương chỉ mất khoảng 20 - 30 phút để hoàn thiện một bó cau thành phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
Bà Phước cho biết thêm, trung bình từ khoảng 3h00 sáng mỗi ngày, hơn 10 tiểu thương còn gắn bó với nghề bắt đầu dọn hàng để bị cho một ngày mua bán mới. Khoảng 16h00 mọi người sẽ ngừng việc, để về chăm lo cơm nước cho gia đình, nghỉ ngơi lấy sức cho hôm sau. Còn một vài người có nhà gần, sẽ ở lại bán đến 21h00 khuya.
Dì Gái vui vẻ bên bó trầu do chính mình hoàn thiện, dù công việc có bấp bên nhưng dì vẫn quyết tâm bám việc đến khi sức khỏe không còn cho phép.
Được biết, nguồn cung cấp trầu cau cho khu chợ này khá đa dạng, các tiểu thương thường nhập hàng từ vườn trầu Bà Điểm – Hóc Môn (thu hoạch quanh năm). Nhưng về sau, diện tích trồng cau tại đây thu hẹp, nhiều tiểu thương phải lấy hàng từ các tỉnh/thành khác như: Bến Tre, Đồng Tháp, Tây Ninh… để đủ cung ứng cho khách hàng.
Anh Lâm Tấn Tài, 32 tuổi, một trong số ít người bán trầu cau trẻ nhất tại đây cho biết: “Mình gắn bó với công việc này vì đó là nghề gia truyền từ bà nội (hơn 50 năm), mình nhờ vào nó để mưu sinh, nuôi sống vợ con nên mình cứ làm thôi. Nghề nào cũng là nghề mà…”.
Nghề buôn bán trầu cau gắn bó với các tiểu thương qua nhiều thế hệ nối nghiệp, ngày nay đã mai một dần, vắng bống thế hệ trẻ tiếp bước.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, chợ thu hẹp, số lượng khách mua giảm, dịch bệnh nhưng đối với những tiểu thương còn sót lại vẫn quyết tâm gắn bó với công việc này. Vì đối với họ, đây như một cái duyên, nhiều thế hệ gia đình đã mưu sinh nhờ việc bán lá cau, trái trầu. Hôm nay, những người buôn bán trầu cau nơi đây có lẽ là thế hệ cuối cùng, họ vẫn băn khoăn khi những lớp trẻ của gia đình không mặn mà và khó nối nghiệp với nghề này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.