Những hình ảnh đầu tiên về thiệt hại do siêu bão Noru gây ra ngày 27/9
Quảng Trị hư hỏng nhiều nhà dân do lốc xoáy
Theo thông tin từ báo Tổ Quốc đăng tải, được biết 16h ngày 27/9, ghi nhận tại khu phố 3, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho thấy, một số cây xanh bị gãy, nhà cửa và quán xá bị tốc mái do ảnh hưởng của 1 cơn lốc xoáy quét qua.
Giông lốc gió giật mạnh đã khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập hoàn toàn. Ảnh: báo Tổ Quốc
Người dân cho biết, vào khoảng 15h20, đi kèm với cơn mưa lớn, là một luồng gió mạnh quét qua. Chỉ một thời gian ngắn, nhưng phần mái ở chợ thị trấn Cửa Việt bị tốc, biến dạng; các ngôi nhà ở cạnh đó cũng bị tốc mái. Tại thị trấn Cửa Việt, nhiều cây xanh bị gãy đổ ngổn ngang.
Theo lãnh đạo UBND huyện Gio Linh, cơ quan chức năng vừa mới đến hiện trường để thống kê thiệt hại. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ, trận lốc xoáy khiến khoảng gần 300 nhà dân bị tốc mái. Đặc biệt, có 2 nhà dân bị sập hoàn toàn, 3 người bị thương.
Theo thông tin từ báo Giao thông , đến 21h ngày 27/9, nhiều nơi mưa vừa, có nơi mưa rất to. Ở khu vực vùng biển Cửa Việt (Gio Linh), trời đang ngớt mưa, gió lặng.
Tại huyện đảo Cồn Cỏ, trên 320 người dân, cán bộ đã được đưa vào 2 hầm tránh trú bão trên đảo để đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.
Theo báo cáo, trong 24 giờ qua, địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa từ phổ biến từ 50-80 mm, một số nơi cao hơn như Triệu Hòa 143mm, Triệu Ái 114mm, Cửa Tùng 106mm, Vĩnh Tú 106 mm. Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đang ở mức dưới báo động 1. Một số nơi đã có gió mạnh như tại đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; tại Cửa Việt có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão là cấp 3.
Ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, trận lốc xoáy xuất hiện lúc 15h hôm nay và kéo dài khoảng 15 phút quét qua KP3 (Cửa Việt, Gio Linh) gây thiệt hại về nhà cửa, trụ sở, cây cối…
Cụ thể, có 120 nhà dân bị sập và tốc mái (2 nhà bị sập hoàn toàn); 180 gian hàng, lều quán ở chợ Cửa Việt bị tốc bay mái; 3 người bị thương. Ngoài ra, lốc xoáy còn xô đổ nhiều xe máy đang dựng hoặc lưu thông trên đường; làm bật gốc nhiều cây cổ thụ ở khu vực.
Cũng theo ông Hóa, ngoài công tác thống kê thiệt hại, địa phương đang huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả, trước thời gian bão Noru ập vào đất liền.
Đồng thời, sắp xếp nơi ăn nghỉ tạm thời cho những người dân bị tốc mái nhà
Đà Nẵng bị bật gốc nhiều cây cổ thụ ven đường
Theo thông tin báo Giao thông tối 27/9 đăng tải, dù bão chưa vào nhưng tại Đà Nẵng đã có mưa to gió lớn. Trên đường Hùng Vương (quận Hải Châu), hơn chục gây xanh ngã đổ chắn ngang đường.
Cây đổ cản trở giao thông, lực lượng chức năng phải quét dọn trong đêm. Ảnh: báo Giao thông
Đến 21h tối cùng ngày, trời ngớt mưa, các lực lượng chức năng phối hợp cắt, dọn cây ngã đổ tại đường Hùng Vương.
Trung tá Hồ Thanh Hiền, Đội trưởng Đội Tuần tra - Dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng) cho hay, thực hiện mệnh lệnh của Giám đốc Công an thành phố và chỉ đạo của lãnh đạo Phòng CSGT, Đội huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị có liên quan, phối hợp các phường trên địa bàn Hải Châu hỗ trợ di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Đồng thời phối hợp với công ty cây xanh Quận Hải Châu cưa cây ngã đổ chắn ngang tuyến đường như: Trần Phú, Hùng Vương…
Mặt khác, sau cơn mưa kéo dài từ chiều cùng ngày, đường Trần Phú đã ngập sâu, kéo dài hàng chục mét.
Lúc 20h, Đà Nẵng bắt đầu có gió lớn khu vực ven biển. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Đường phố vắng bóng người qua lại dù chưa đến giờ Chính quyền cấm người dân ra đường.
Hình ảnh mưa, gió tại Đà Nẵng lúc 20h. Ảnh: báo Giao thông
Lý Sơn “nín thở” trước giờ bão Noru đổ bộ
Dù bão số 4 chưa vào bờ, song tại huyện đảo Lý Sơn gió ngày càng lớn tạo nên những cột sóng cao từ 7-10m bao quanh đảo. Cả huyện đảo như “nín thở” khi cấp gió ngày càng tăng.
Ghi nhận từ các nguồn tin của Báo Giao thông tại đảo cho thấy, đến 21h30, gió giật rất mạnh, nhiều cây xanh tại đảo bị ngã đổ. Đã có một vài trường hợp nhà cửa của người dân bị tốc mái nhẹ. Hệ thống lưới điện trên đảo vẫn an toàn. Hiện tại đảo có gió cấp 9-10 và giật cấp 11-12. Lượng mưa đo được trung bình hơn 180mm.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Lý Sơn, ảnh hưởng của bão số 4 đã khiến 50ha hành của người dân địa phương ngã rạp và khả năng mất trắng.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, hiện gió rất lớn, cả huyện đang “nín thở” chờ đợi và đưa ra giải pháp ứng phó khi có sự cố ngoài kịch bản.
“Dù cả chính quyền và người dân đều rất lo lắng, song hàng chục nghìn dân đất đảo mấy trăm năm qua đã đón không biết bao lần bão ập đến và đều an toàn trước thiên tai. Người dân luôn đoàn kết, gắn bó nên tôi tin người dân sẽ đồng hành cùng huyện vượt qua thời khắc khó khăn này”, bà Hương chia sẻ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.