Nới lỏng thêm tiền tệ: Chưa sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tổng tài sản và tiền gửi ngân hàng giảm
Trong tổng số các ngân hàng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, có 4 ngân hàng ghi nhận tổng tài sản giảm, với tổng mức giảm là 15.838 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác có tổng tài sản giảm trong 6 tháng đầu năm nay là ABBank (UpCom: ABB). Theo đó, tổng tài sản của ABBank tại thời điểm cuối quý II/2021 giảm 6% so với đầu năm, chỉ còn gần 113.137 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6% (tương đương 67.007 tỷ đồng), các khoản tiền mặt, tiền gửi tại NHNN hay tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác không thay đổi nhiều so với đầu năm.
Saigonbank cũng là ngân hàng có tổng tài sản giảm 2 quý đầu năm nay, với 1.072 tỷ đồng, tuy nhiên, mức độ giảm so với đầu năm lại lên đến 4,5%. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 13%, tiền gửi tại TCTD khác giảm 9% và cho vay khách hàng giảm 1%.
Nhưng trong số các ngân hàng có tổng tài sản giảm 6 tháng đầu năm nay, BacA Bank là ngân hàng ghi nhận giảm mạnh nhất.
Đến hết tháng 6/2021, tổng tài sản BacA Bank giảm 5.905 tỷ đồng so với đầu năm nay (tương đương giảm 5%), chỉ còn gần 11.282 tỷ đồng, trong đó, cho vay khách hàng giảm 2% (78.147 tỷ đồng).
Nguồn vốn vay của NHCSXH tỉnh An Giang tạo thêm việc làm nâng cao sức sản xuất hàng hóa cải thiện đời sống người dân thoát nghèo. Ảnh Trọng Triết.
Đáng chú ý, tiền gửi tại NHNN giảm 31% (504 tỷ đồng), tiền gửi tại TCTD khác giảm 55% (còn 5.246 tỷ đồng) chủ yếu là tiền gửi không kỳ hạn. Ngân hàng ghi nhận gần 2.136 tỷ đồng tiền cho vay các TCTD khác, gấp 3,6 lần đầu năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - Mã: NVB), tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 83.970 tỷ đồng, giảm hơn 5.600 tỷ đồng, tương đương 6,3% so với cuối năm 2020. Đây là một trong số những ngân hàng công bố tài sản giảm trong nửa đầu năm 2021.
Nguyên nhân chính của việc sụt giảm tài sản của NCB là do khoản mục tiền gửi tại NHNN giảm mạnh từ 1.550 tỷ đồng về gần 396 tỷ đồng (tương đương giảm 74%) và khoản mục tiền, vàng gửi tại các TCTD khác giảm từ 12.114 tỷ đồng (tương đương giảm 21%) về 9.478 tỷ đồng.
Không chỉ có tổng tài sản, mà tiền gửi của khách hàng tại nhiều ngân hàng cũng giảm mạnh, ngược chiều với tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm nay.
Tại NCB, huy động tiền gửi khách hàng sụt giảm 4,4% trong nửa đầu năm xuống 68.904 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 4% lên 41.740 tỷ đồng.
SeABank với 5.293 tỷ đồng tiền gửi ghi nhận giảm trong những tháng đầu năm nay, tương đương giảm 4,7%. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn giảm gần 28,6% xuống còn 7.914 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn giảm nhẹ 2% còn 99.389 tỷ đồng so với đầu năm 2021.
Tại ABBank, số dư tiền gửi khách hàng tại ngày 30/6 là 67.136 tỷ đồng, giảm hơn 5.300 tỷ so với đầu năm nay, tương đương giảm tới 7,4%. Tiền gửi có kỳ hạn của nhà băng này giảm 4.500 tỷ xuống còn 54.580 tỷ đồng, đồng thời tiền gửi không kỳ hạn cũng sụt giảm hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của ABBank vẫn tăng 5,9% trong nửa đầu năm và đạt trên 67.000 tỷ đồng, xấp xỉ với con số tiền gửi. Như vậy, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi tại nhà băng này đã lên gần 100%, tăng mạnh so với mức 87% hồi đầu năm 2021.
Một số ngân hàng khác tiền gửi của khách hàng cũng có sự sụt giảm, nhưng ít hơn như: Ngân hàng Bản Việt giảm 3,6% so đầu năm, PG Bank giảm 0,2%.
Theo dữ liệu của NHNN, tiền gửi khách hàng tại các TCTD trong 5 tháng đầu năm tăng 2,9%, đạt hơn 10,27 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,6% lên hơn 5,27 triệu tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn với 3,3% và vượt mốc 5 triệu tỷ đồng.
Có thể thấy, so với cùng kỳ các năm trước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi đang chậm hơn rõ rệt và cũng chậm hơn so với tín dụng. Tín dụng toàn nền kinh tế 5 tháng đầu năm đã đạt gần 5% và vượt 9,6 triệu tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2020, tiền gửi của hệ thống cũng chỉ tăng 6,5% trong khi tín dụng tăng 12,17%.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng hơn 3%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt gần 5,5%. Điều này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đã chậm lại thời gian qua. Dòng tiền dân cư có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản thay vì lựa chọn gửi ngân hàng.
Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered vừa đưa ra dự báo, các lĩnh vực tập trung vào thị trường trong nước như bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu làn sóng dịch Covid-19 hiện tại kéo dài. Đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng lên nền kinh tế trong nước khi lĩnh vực du lịch bị co hẹp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu từ thị trường quốc tế suy yếu. Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 dự kiến là 6,5%, giảm so với dự báo 6,7% được Ngân hàng đưa ra trước đó.
Tương tự, ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống còn 5,8% từ mức 6,7% đưa ra hồi tháng 4. Nguyên nhân là việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa Covid-19 không nhanh như kỳ vọng và các biện pháp giãn cách kéo dài ở các khu vực tăng trưởng lớn nhất nước gây ảnh hưởng đến lưu thông thương mại, hạn chế các hoạt động kinh tế.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay cho thấy những dự báo trên không quá bất ngờ. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021 có 70.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, 35.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1%; 24.700 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9.900 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11.700 DN rút lui khỏi thị trường.
Chưa khẩn cấp để hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Một trong những khuyến nghị được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VEPR) gợi ý liên quan đến chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải. Thực tế, nhiều doanh nghiệp mong mỏi, NHNN có động thái sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để “ép” các ngân hàng hạ lãi suất sâu hơn nữa, ví dụ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa để “bơm” tiền vào nền kinh tế, vừa giảm chi phí vốn cho ngân hàng nhằm giảm lãi suất cho vay.
Theo lý thuyết, công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc được quy định với hai mục đích. Thứ nhất, NHNN sử dụng khi thấy tiền trong nền kinh tế nhiều nên rút vào thông qua biện pháp tăng tỷ lệ dự trữ, nhằm buộc các ngân hàng phải giữ tiền mặt trong tài khoản của ngân hàng tại NHNN để “hút” dòng tiền vào, hay nói cách khác, dùng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để điều chỉnh cung tiền trong nền kinh tế. Thứ hai, dự trữ bắt buộc để bảo toàn tính thanh khoản của các ngân hàng. Ví dụ, khi các ngân hàng gặp khó khăn thì NHNN giảm dự trữ bắt buộc để ngân hàng tăng thanh khoản.
Việc hạ dự trữ bắt buộc để “bơm” tiền cho thị trường là một công cụ của chính sách tiền tệ phổ biến trên thế giới, giúp thị trường có thêm nguồn vốn lưu thông. Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ này đang được thực hiện là 3%, nghĩa là các NHTM huy động được 100 đồng thì được giữ 97 đồng, còn 3 đồng để tại NHNN.
Tỷ lệ 3% là con số nhỏ, nhưng trong tổng huy động của hệ thống, số tiền này rất lớn. Tỷ lệ 3%, các ngân hàng không được hưởng lãi suất, nên phần gửi này cao thì chi phí vốn của ngân hàng sẽ cao. Huy động trên thị trường ít nhiều đều phải trả lãi, mà phần này gửi NHNN không được hưởng lãi, thì đây rõ ràng là chi phí. Nếu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngân hàng sẽ có thêm nguồn vốn, chi phí vốn giảm đi thì có thể hạ lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với nới lỏng tiền tệ, nếu cần nới lỏng tiền tệ, NHNN có nhiều cách để làm cho cung tiền tệ (gồm hai phần: tiền cơ sở của NHNN, tiền gửi tiết kiệm của người dân) tăng lên. Hiện nay, cung tiền tệ có giảm, một phần do tiền gửi của dân giảm (so với trước đây), bởi dòng tiền chuyển sang đầu tư vào bất động sản, chứng khoán. Nhưng muốn cung tiền tệ tăng lên vào thời điểm này cũng không phải là khó, NHNN có thể tăng tiền cơ sở thông qua thực hiện nghiệp vụ thị trường mở để khi cần “hút” nhanh tiền về.
Ngân hàng Nhà nước có quan ngại về kinh tế thế giới phục hồi nhanh, giá cả trên thị trường thế giới tăng, đặc biệt nhiên liệu, năng lượng và vật liệu cơ bản, trong khi DN Việt Nam nhập khẩu mạnh, nhập luôn cả lạm phát. Do vậy, nếu trong nước nới lỏng tiền tệ thì sẽ nguy hiểm. Nới lỏng tiền tệ bằng cách hạ dự trữ bắt buộc sẽ là “bom tấn”, chứ không phải là “đạn bắn tỉa”, trong khi tỷ lệ này là “chốt chặn” cuối cùng của chính sách tiền tệ. Đó là chưa kể, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với các nước trên thế giới và thời điểm hiện tại chưa có vấn đề khẩn cấp để phải hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nới lỏng tiền tệ.
Trong một diễn biến có liên quan, sau khi đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ vào tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục tương tác cấp cao với Việt Nam về các chính sách quản lý ngoại hối. Trước đó, NHNN đã giảm tần suất can thiệp ngoại hối (để ổn định giá trị VND) từ mỗi ngày sang một lần một tuần kể từ tháng 2. Vừa qua, ngày 19/7, Bộ Tài chính Mỹ thông báo, Mỹ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về các hoạt động tiền tệ.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, có sự kết nối 2 vấn đề chính sách ngoại hối và dự trữ bắt buộc. Mỹ muốn Việt Nam không mua ngoại tệ vì làm tăng giá trị USD, khiến tỷ giá USD/VND tăng, hỗ trợ cho xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam ngưng mua ngoại tệ nghĩa là “co rút” cung tiền, hạn chế đẩy lượng tiền ra lưu thông, có thể tạo ra vấn đề không đủ thanh khoản.
Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ đẩy lượng tiền ra lưu thông, như vậy, hai vấn đề này kết hợp với nhau là điều tốt, bù trừ, phối hợp với nhau. Nhưng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện 3% đã là quá thấp, mức giảm dữ trữ tối đa nếu cần thiết cũng chỉ nên 1%. Điều quan trọng là thanh khoản trên thị trường đang rất tốt, NHNN không cần tính “cửa” hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng dưới 1%/năm, trên kênh thị trường mở (OMO) không có ngân hàng nào vay của NHNN, cho thấy thanh khoản rất dồi dào, nên không có lý do để hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Không có dấu hiệu căng thẳng nào về thanh khoản trên thị trường, đặc biệt, có thể nhìn thêm vào lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP). Được biết, lãi suất TPCP 2 năm hiện ở mức 0,7%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. So với cuối năm 2020, lãi suất phát hành TPCP tính đến 25/6/2021 giảm 0,08% ở kỳ hạn 10 năm, giảm 0,04% ở kỳ hạn 15 năm, tăng 0,02% ở kỳ hạn 20 năm và giảm 0,09% ở kỳ hạn 30 năm.
Một lãnh đạo cao cấp khối nguồn vốn của ngân hàng BIDV dự báo, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện rõ nét trong quý III/2021 nhờ các yếu tố tác động chính sau:
Thứ nhất, dòng tiền giao dịch mua bán ngoại tệ kỳ hạn trong 6 tháng đầu năm dự kiến trở lại hệ thống ngân hàng với khối lượng khoảng 130.000 - 140.000 tỷ đồng.
Thứ hai, cân đối huy động vốn - tín dụng dự kiến sẽ diễn biến tích cực hơn trong quý III, chủ yếu do tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm lại vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội, cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN đối với tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, BOT..., trong khi huy động vốn vẫn khá tích cực.
Đối với thị trường liên ngân hàng, sự cải thiện đáng kể của thanh khoản VND do dòng tiền thanh toán giao dịch mua bán ngoại tệ sẽ là yếu tố hỗ trợ chính kéo giảm mặt bằng lãi suất. Theo đó, lãi suất VND liên ngân hàng sẽ có xu hướng giảm dần trong quý III và bình quân lãi suất VND ở mức 0,6 - 0,8%/năm đối với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần; 1,4 - 1,6%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.