Bộ Y tế phản hồi đề xuất hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân thương binh, bệnh binh
Bộ Y tế cho biết nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến.
Theo đó, cử tri kiến nghị cần xem xét mở rộng đối tượng được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế đối với vợ, và con của thương binh, bệnh binh.
Phản hồi cử tri, Bộ Y tế cho biết bảo hiểm y tế thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro, giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
Về mức đóng, mức hưởng bảo hiểm y tế được quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm y tế, và các văn bản hướng dẫn, được tính toán dựa vào khả năng đóng góp của các nhóm đối tượng, mức lương cơ sở, phạm vi quyền lợi, và khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công và Luật Bảo hiểm y tế, các đối tượng sau đây, được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế, bao gồm:
Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học, hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
Con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học, đang hưởng trợ cấp hằng tháng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
Đối với vợ và con của thương binh, bệnh binh, nếu không thuộc các đối tượng nêu trên, có thể tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình để được giảm trừ mức đóng.
Cụ thể, người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi, đóng bằng 40% mức đóng người thứ nhất, với điều kiện là nếu các thành viên hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Bên cạnh đó, để chia sẻ với ngân sách Trung ương, và hỗ trợ các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có điều kiện kinh tế khó khăn, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định:
Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương, và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân dân quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng, cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu, và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Bộ Y tế cho biết theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, và các Nghị định hướng dẫn thực hiện, các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng, và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế hiện nay chiếm tỷ lệ lớn, với tổng kinh phí này chiếm khoảng 40% số tiền đóng bảo hiểm y tế.
Vì vậy, mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế được quy định dựa vào khả năng đóng góp của ngân sách, và người tham gia bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách Trung ương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.