Nông dân khuyết tật xa quê lập nghiệp, trồng đủ thứ cây trái làm giàu trên vùng đất đỏ
Anh Nguyễn Trọng Duy (44 tuổi), ngụ thôn 2, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông là một tấm gương làm kinh tế giỏi. Được biét, quê gốc của anh ở Hải Dương và tình cờ được người quen gợi ý, anh quyết định khăn gói vào Tây Nguyên phát triển kinh tế. Đáng nói, anh bị khuyết tật ở chân, những ngón chân chồng chéo lên nhau rồi co quắp lại, rất khó di chuyển.
Tại đây, sau khi lập gia đình và 3 đứa con ra đời làm nên một mái ấm hạnh phúc. Để có kinh tế chăm lo cho gia đình, vợ chồng anh rời sang nhà từ xã Đắk Búk So sang xã Quảng Tâm để mua được nhiều đất canh tác hơn. Khu vực này thưa người nhưng bù lại đất màu mỡ, trồng cây gì cũng tốt. Thời điểm ấy, khoai lang đang được giá, anh dốc hết vốn đầu tư.
Tích tiểu thành đại, đến thời điểm này, anh sở hữu được hàng chục héc-ta đất. Ngoài trồng khoai lang, anh chuyển hướng trồng cà phê, hồ tiêu cho thu nhập ổn định.Giai đoạn năm 2006- 2007, hồ tiêu khi đó đang ở thời kỳ hoàng kim. Thu nhập từ trồng hồ tiêu giúp anh Duy xây ngôi nhà khang trang cho vợ con rồi mua máy cày, máy múc phục vụ sản xuất.
Anh Duy thành công với mô hình trồng cây ăn quả, hoa và có ý định mở trang trại chăn nuôi (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)
Sau đó vườn hồ tiêu bị chết, anh năm 2018, Nguyễn Trọng Duy chuyển sang trồng vú sữa bơ hồng. Ban ngày bận rộn trên rẫy, tối đến, anh lên internet tìm hiểu cách trồng, chăm sóc, đồng thời đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm nhằm giảm nhân công chăm sóc vườn cây.
Cũng trong năm 2018, chuyến đi Đà Lạt (Lâm Đồng) giúp anh Duy bén duyên với mô hình trồng lay ơn lấy củ cho thu nhập cao. Loại cây này dễ trồng, ít tốn công và ít rủi ro hơn trồng cây lấy hoa. Mô hình này không phải lúc nào cũng thuận lợi, phụ thuộc vào giá thị trường. Do đó, anh Duy chủ động tìm đầu ra thông qua các đại lý cung cấp giống.
Khi có được đơn đặt hàng, anh Duy mạnh dạn mở rộng diện tích lên 4-5 sào, đều đặn trồng mỗi năm 2 vụ hoa lay ơn lấy củ và cố gắng chăm sóc cẩn thận để sản phẩm đạt chuẩn. Guồng quay công việc cứ thế cuốn lấy vợ chồng anh hết mùa thu hoạch loại cây này đến cây khác.
Tuy bận rộn song vợ chồng anh luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Sắp tới, Nguyễn Trọng Duy còn tính chuyện trồng cỏ nuôi bò. Trước đây, gia đình anh đã triển khai mô hình nuôi bò sinh sản và khá thành công. Về sau, hồ tiêu chết, anh đành bán đàn bò để tập trung cải tạo vườn cây, nay vú sữa trồng thay thế đã phát triển tốt, anh muốn quay lại nuôi bò.
Không chỉ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho người dân trong vùng, Nguyễn Trọng Duy còn hiến 900m2 đất mặt đường có giá trị cao cho thôn 2, xã Quảng Tâm xây dựng hội trường thôn. Anh cho biết, đó là chút tình cảm anh chia sẻ với cộng đồng. Với những cống hiến trên, Nguyễn Trọng Duy được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
“Có lúc, tôi cũng ngại, tự ti về bản thân, chỉ muốn an phận, quanh quẩn trong lũy tre làng. Nhưng xem tin tức tôi thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, khiếm khuyết nặng hơn tôi nhưng họ vẫn lạc quan, say mê trong lao động, còn tạo được việc làm cho những người yếu thế. Từ đó, tôi như được truyền cảm hứng, tự dặn bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa. Dù cuộc sống khấm khá (thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng) nhưng tôi vẫn chưa là gì so với nhiều người nên cố gắng làm ăn, thử nghiệm thêm nhiều mô hình kinh tế bền vững và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho những người cần”, anh Duy chia sẻ.
Minh chứng cho câu nói "tàn nhưng không phế", trong đời sống có nhiều tấm gương vượt khó thành công và đáng ngưỡng mộ. Như anh Nguyễn Văn Chung, ở Thường Tín, Hà Nội mất đi đôi chân do tai nạn khi đi bơi. Quyết tâm "ngã ở ở đâu sẽ đứng lên ở đó”, Nguyễn Văn Chung đã xin tham gia Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật thành phố và được chọn vào đội tuyển bơi tham gia Paragame năm 2003.
Từ việc thành công với giấc mơ đầu tiên là trở thành vận động viên bơi lội Nguyễn Văn Chung lại tiếp tục thực hiện giấc mơ khác đó là tìm cho mình 1 nghề mới để ổn định cuộc sống. Giờ đây, với nghề mới là ông chủ của thương hiệu xà bông Sam Sôn - 1 loại xà bông có chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên đã giúp Chung có thu nhập mỗi năm lên tới hơn nửa tỷ đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.