Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: 'Phải giải thích rõ để doanh nghiệp hiểu'
Bối cảnh hiện nay vô cùng khó khăn thách thức; công tác điều hành chính sách tiền tệ chịu nhiều áp lực
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng và công tác truyền thông. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Ban lãnh đạo NHNN chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay vô cùng khó khăn thách thức.
Kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường và chưa có tiền lệ khi sau 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19, các Chính phủ và Ngân hàng Trung ương trên thế giới thực hiện nhiều gói hỗ trợ tài khóa và nới lỏng tiền tệ. Nhưng khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các nước lại phải đối mặt nguy cơ lạm phát.
Xu hướng lạm phát gia tăng đang diễn ra trên toàn cầu nhất là nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, các nước khu vực đồng tiền chung euro,… đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Để ứng phó với lạm phát, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã và đang tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành. Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã điều chỉnh liên tiếp lãi suất với tốc độ cao, gần đây Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và là lần tăng thứ 3 liên tiếp.
Đáng chú ý, Fed tuyên bố kỳ vọng đến năm 2023 có thể lãi suất duy trì ở mức 4,6% đến hết năm 2023 trước khi lạm phát được kiểm soát. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng phải liên tiếp tăng lãi suất sau 11 năm…
Theo thống kê, Ngân hàng Trung ương các nước phản ứng rất mạnh đối với biến động này, phải tăng lãi suất rất mạnh với khoảng trên dưới 200 lượt tăng lãi suất ở mức cao.
Trong khi đó, Việt Nam độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng nhiều… Do đó, công tác điều hành vĩ mô trong đó công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN chịu nhiều áp lực…
Ngân hàng nhà nước đang phải thực hiện nhiều giải pháp mục tiêu trong đó có những mục tiêu mâu thuẫn với nhau
Những biến động của kinh tế thế giới và trong nước tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân và như vậy cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, chúng ta phải điều hành để vừa góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, Thống đốc nhấn mạnh.
Hiện nay, NHNN đang phải thực hiện nhiều giải pháp mục tiêu trong đó có những mục tiêu mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, mục tiêu chung, căn cơ, dài hạn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô – không chỉ cho năm nay mà còn cho các năm sau.
Nghị quyết Quốc hội yêu cầu ngành Ngân hàng phải phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5-1%; ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá; thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%; tổng kết đánh giá đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xây dựng kế hoạch cho nhiệm kỳ tới; vấn đề liên quan đến chuyển đổi số; cuộc cách mạng 4.0… Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc đảm bảo an toàn hệ thống luôn phải đặt lên hàng đầu.
Cùng với đó, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế có vai trò hết sức quan trọng trong thời gian tới, như trình Quốc hội thông qua Luật Phòng chống rửa tiền; luật hóa Nghị quyết 42 và sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng, đánh giá tổng kết Luật NHNN, Luật Bảo hiểm tiền gửi,…
Như vậy ngành Ngân hàng có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện trong năm 2022-2023, đó đều là các nhiệm vụ vô cùng khó khăn, diễn ra đồng thời.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý, vấn đề đang được quan tâm hiện nay là vấn đề tăng trưởng tín dụng.
Từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, có điều chỉnh theo thực tế. Điều hành tín dụng là công cụ rất quan trọng để vừa tập trung kiểm soát lạm phát cả năm nay và năm sau.
Năm nay hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% nhưng hiện nay chỉ số lạm phát cơ bản tăng mạnh, lạm phát cơ bản tháng 8 so với cùng kỳ hơn 3%, tháng 9 có thể 3,6% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm, lạm phát được đánh giá chủ yếu có nguyên nhân do cầu kéo, chi phí đẩy, nhưng hiện tại kỳ vọng lạm phát đang ở mức rất cao.
Do vậy, tất cả các công cụ chính sách của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán; việc kiên định mục tiêu tín dụng vừa kiểm soát tác động lạm phát thực tế vừa kiểm soát kỳ vọng đồng thời ổn định tỷ giá.
Việc NHNN kiên định mục tiêu tín dụng vừa qua là phù hợp để đảm bảo sự nhất quán, điều này được các tổ chức quốc tế, đặc biệt IMF đánh giá cao.
Ngân hàng nhà nước luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay, để đạt được mục tiêu chung là góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự giải thích, hướng dẫn thống nhất trong quá trình triển khai.
Công tác điều hành tín dụng của NHNN nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh và đặc biệt giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động truyền thông cần đẩy mạnh giải thích cho dư luận về các giải pháp của NHNN để kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống.
"Việc kiên định mục tiêu tín dụng, kiểm soát tác động của lạm phát, vừa kiểm soát kỳ vọng vừa thực hiện nhiệm vụ ổn định tỷ giá nên tất cả công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán.
Vừa rồi, NHNN phải điều chỉnh tăng lãi suất, trước đó bị áp lực điều chỉnh tín dụng 15-16%, sau nếu Fed tăng lãi suất, kỳ vọng lãi suất tăng lên nên rõ ràng vừa rồi NHNN đã kiên định điều hành chính sách đúng và trúng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN phải rà soát số dư nợ tín dụng, nếu đúng là trong nhóm hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp không nhận hay vì lý do gì phải báo cáo cụ thể. Các vụ, cục thuộc NHNN phải phối hợp chỉ đạo các chi nhánh để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát số dư tín dụng. Toàn ngành Ngân hàng cần tiếp trục đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời các nguyên nhân từ thực tiễn khách quan.
Có thể khẳng định, NHNN đã điều hành tốt chính sách tín dụng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh và đặc biệt 'giữ chân' dòng vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng trung ương đã có các giải pháp, cách thức điều hành tin tưởng.
Bất kể trong hoàn cảnh nào, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng nhà nước luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu vì nếu như lạm phát không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ người dân nhất là những người dân còn khó khăn nên phải kiên định mục tiêu.
Quan trọng nhất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, Ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị để giải thích rõ với doanh nghiệp, nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, doanh nghiệp sẽ là những người gặp khó khăn khi thị trường biến động.
"Phải giải thích rõ với doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc có trường hợp cho vay sẽ khiến ngân hàng chạm ngưỡng tỷ lệ an toàn, không nên "đổ" hết cho room tín dụng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.