Phát triển thị trường tài chính số Việt Nam trong kỉ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0

2019-12-10 10:20:50 0 Bình luận
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã, đang diễn ra mạnh mẽ tác động đến đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Lĩnh vực tài chính số được đánh giá là một trong các lĩnh vực được “hưởng lợi” nhiều nhất nhưng đồng thời cũng chịu tác động lớn từ cuộc cách mạng này.

Theo ADB, quy mô thị trường tài chính số Việt Nam ước đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2025, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng lũy kế đạt 38%/năm trong giai đoạn 2019-2025.

Cần tạo lập hệ sinh thái lớn cho Fintech

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất tại Ðông Nam Á. Với phần lớn dân số là thanh niên (dưới 35 tuổi), cùng sự bùng nổ của thanh toán không dùng tiền mặt, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp thanh toán. Hiện nay, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ giao dịch tiền mặt xuống 10% và có ít nhất 70% dân số có tài khoản ngân hàng vào năm 2020… đã hỗ trợ sự phát triển của Fintech. Hệ sinh thái Fintech Việt đã huy động được tổng cộng 117 triệu USD trong năm 2018, với khoảng 70% huy động từ Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản.

Lĩnh vực tài chính số của Việt Nam đã có sự chuyển mình rất lớn thời gian qua. Doanh nghiệp đã có thể tiếp cận các khoản vay bằng ứng dụng trực tuyến, người dân có thể giao dịch mà không cần trực tiếp đến ngân hàng. Mặc dù vậy, ông Dominic Mellor, chuyên gia đầu tư cao cấp ADB cho biết, hơn 70% dân số khu vực Ðông Nam Á không được ngân hàng đáp ứng, hoặc không được sử dụng dịch vụ ngân hàng. Cụ thể hơn, chuyên gia này thông tin, với dân số trưởng thành của Ðông Nam Á năm 2018 là 400 triệu người, trong đó 198 triệu người (tương đương 50%) chưa được sử dụng dịch vụ ngân hàng do không tiếp cận được với các dịch vụ tài chính cơ bản (mở tài khoản ngân hàng); 98 triệu người (24%) không được ngân hàng đáp ứng bởi không được phục vụ tốt khi sử dụng dịch vụ tài chính, hoặc có các nhu cầu chưa được đáp ứng; 104 triệu người (26%) được phục vụ tốt khi sử dụng các dịch vụ tài chính. Tỷ lệ này ở Việt Nam tương ứng là 69%, 10% và 21%.

“Ðây là cơ hội lớn của khu vực Ðông Nam Á với dự báo thị trường sẽ tiến tới quy mô 38 tỷ USD cho các dịch vụ tài chính số vào năm 2025. Trong đó, Indonesia và Việt Nam được dự báo sẽ là các nước có tăng trưởng doanh thu nhanh nhất từ các dịch vụ tài chính số.  Cụ thể, tại Indonesia, năm 2019 là 1,5 tỉ USD và đến 2025 là 8,6 tỉ USD, tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm là 34%. Với Việt Nam, năm 2019 là 0,5 tỉ USD, đến năm 2025 là 3,8 tỉ USD, tỉ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm là 38%”, ông Dominic Mellor nói.

OCB triển khai dịch vụ ngân hàng hợp kênh từ tháng 3/2018 với tính năng đồng bộ mọi giao dịch của khách hàng ở các kênh khác nhau

Bên cạnh dự báo lạc quan, chia sẻ về những yếu tố hạn chế sự tăng trưởng của các dịch vụ tài chính số tại Ðông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, ông Dominic Mellor nhấn mạnh vào 4 yếu tố: (1) các trường hợp sử dụng tiền mặt thường không dễ dàng trong việc chuyển đổi thành tiền kỹ thuật số. Tiền mặt vẫn còn phổ biến trong các hoạt động kinh tế ngầm. Trong khi đó, người bán hàng cần làm nhiều việc và có nhiều năng lực khác nhau để thực hiện số hóa. (2) thiếu hệ thống nhận diện kỹ thuật số đối với cá nhân để có thể sử dụng được. Ðiều này có thể dẫn đến tình trạng làm giả thông tin cá nhân và thiếu các thông tin định dạng cá nhân cơ bản, nhất là với dân cư tại khu vực nông thôn. (3) Các nhà lập pháp áp dụng cách tiếp cận cẩn trọng đối với trường hợp phá sản để bảo vệ người tiêu dùng. Dẫu vậy, một số cơ quan quản lý vẫn duy trì sự bảo vệ đối với người đang thừa hành công vụ. (4) Thiếu vắng công ty thông tin tín dụng có hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc thiếu cơ sở dữ liệu tín dụng một cách vững chắc làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng, hạn chế sự liên kết giữa các hệ thống thanh toán. Bên cạnh đó, rất ít lựa chọn để điều chuyển vốn giữa các tài khoản mà chi phi bằng không hoặc thấp và thiếu chuẩn mực chung về QR tại một số nước, làm chậm quá trình áp dụng của người tiêu dùng.

Một khảo sát của NHNN cho biết, hiện nay, có 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech để cùng phát triển. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ, trên thiết bị di động, người Việt Nam đã có thể sử dụng nhiều dịch vụ hơn so với đến giao dịch tại ngân hàng… Nhờ đó, giao dịch thanh toán trên kênh điện thoại di động so với 2018 tăng trưởng 110% về số lượng, 150% về giá trị và tỷ lệ tăng cao được duy trì liên tục trong 2-3 năm qua.

“10 năm trước đây, các ngân hàng đã từng trang bị Mobile Banking và Internet Banking, trước khi chững lại một, hai năm sau đó. Hiện tại, cách thức ngân hàng hợp tác với Fintech để triển khai Mobile Banking và Internet Banking đã rất khác. Ngoài giao diện được thay đổi hàng ngày, đáp ứng khách hàng từng giờ, khách hàng còn được hưởng cả một hệ sinh thái số. Ðây là điều rất quan trọng. Nếu không có các công ty Fintech, chắc chắn Mobile Banking và Internet Banking không thể phát triển như ngày hôm nay”, ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, các ngân hàng khi triển khai không chỉ sử dụng Mobile Banking để xử lý giao dịch cho khách hàng, mà còn là một hệ sinh thái kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ như hàng không, vận tải, y tế, nhà hàng…Như vậy, tập khách hàng của ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể khi hợp tác với Fintech, vì bản chất là kết nối dữ liệu của các đơn vị cung cấp dịch vụ, kết nối hạ tầng với nhau. Fintech nào có hệ sinh thái lớn sẽ làm chủ thị trường, chủ cuộc chơi.

“Nhiều đơn vị đến xin giấy phép thành lập trung gian thanh toán, tôi hỏi ngay ‘đã có hệ sinh thái chưa’ và có nhiều đơn vị không bao giờ quay lại. Bởi rõ ràng, giấy phép chỉ là cái ban đầu, nếu không có hệ sinh thái, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thua lỗ và ‘ra đi’”, ông Dũng thông tin thêm.

Dẫu vậy, ông Dũng thừa nhận, vẫn còn những thách thức như vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho Fintech phát triển; đảm bảo an ninh mạng và bảo mật khách hàng; nâng cao nhận thức, kỹ năng của khách hàng; lựa chọn, đầu tư hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin…

Về phía NHNN, ông Dũng cho biết, thời gian tới sẽ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp lý thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ chuyển đổi số ngân hàng; xây dựng cơ chế thử nghiệm pháp lý (Sandbox); xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng, mở rộng hợp tác quốc tế về ngân hàng số, Fintech; ứng dụng công nghệ số để tăng cường năng lực quản lý, giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động…

Liên quan đến các ngân hàng, NHNN định hướng xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số tại từng tổ chức tín dụng, ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm - dịch vụ sáng tạo; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng trải nghiệm khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường quản trị rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng; thu hút, giữ chân nhân tài kỹ thuật số, đào tạo lại nguồn nhân lực thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0; xác định mức độ cạnh tranh - hợp tác với Fintech/Bigtech để có mô hình kinh doanh thích hợp...

Xu hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng

Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn ra trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, hầu hết ngân hàng đều tập trung phát triển Internet Banking và Mobile Banking. Một số ngân hàng xác định đây là chiến lược trọng tâm nhằm đẩy mạnh mảng bán lẻ, trở thành ngân hàng bán lẻ dẫn đầu thị trường. Chẳng hạn, tháng 4/2019, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã ra mắt ngân hàng số OCB Omni, dựa trên thế mạnh là ngân hàng hợp kênh mà đơn vị này đã đầu tư và triển khai từ năm 2017 đến nay.

Trong cuộc đua đẩy mạnh nền tảng ngân hàng số, chìa khóa thành công là tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng thông qua tiện ích đa dạng, tích hợp đầy đủ các dịch vụ, đáp ứng gần như tất cả nhu cầu giao dịch tài chính của khách hàng.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài khoản ngân hàng để giao dịch trực tuyến, các nền tảng ngân hàng số còn liên kết với nhiều đối tác để xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ.

Theo đó, điện thoại thông minh cùng ứng dụng ngân hàng số sẽ là “trợ lý” đắc lực của người dùng trong cuộc sống hiện đại khi hỗ trợ mua sắm, thanh toán dễ dàng bằng mã QR. Các dịch vụ như mở tài khoản, thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm, tư vấn tài chính thông minh... đều được tích hợp trong ứng dụng.

Với ứng dụng ngân hàng số OCB Omni, khách hàng có thể tiếp cận hơn 80 tiện ích, trong đó có nhiều dịch vụ miễn phí như chuyển tiền nội mạng, chuyển tiền liên ngân hàng 24/7, SMS, Mobile Banking…

Ứng dụng OCB Omni sử dụng tiêu chuẩn bảo mật châu Âu, giúp tăng độ an toàn; khách hàng có thể đăng ký mở tài khoản, mở thẻ, gửi tiết kiệm trực tuyến; quy trình xử lý giao dịch nhanh, chỉ mất 8 giây để tiền về tài khoản khi chuyển tiền liên ngân hàng.

Đây còn là một trong những ứng dụng ngân hàng hợp tác với VinaCapital triển khai sản phẩm đầu tư tài chính; hợp tác với các công ty bảo hiểm bán sản phẩm. Bên cạnh đó, ứng dụng có tính năng bán ngoại tệ trực tuyến, thanh toán các loại hóa đơn điện, nước, cước viễn thông, học phí, QR Pay... Ngoài ra, tính năng Giỏ giao dịch giúp khách hàng thực hiện nhiều giao dịch cùng lúc chỉ với một lần xác thực OTP, qua đó giảm thao tác xử lý và tiết kiệm thời gian.

Alex Jimenez, chuyên gia từ Rockland Trust nhận định, với sự phát triển của công nghệ, nhất là công nghệ tài chính, mỗi ngân hàng phải thay đổi sản phẩm, dịch vụ, cách thức tương tác với khách hàng, ứng dụng công nghệ vào Core banking để tạo ra trải nghiệm nhanh nhất, thuận tiện nhất có thể. “Bài toán lớn nhất mà các ngân hàng cần giải hiện nay là trả lời câu hỏi liệu họ đã ứng dụng công nghệ đủ nhanh, đủ tốt hay chưa”, Alex Jimenex nói.

OCB Omni là ứng dụng di động của ngân hàng Phương Đông đã được phát hành từ năm 2018

Đại diện OCB cho biết, để cung cấp ứng dụng ngân hàng số đa tiện ích, dịch vụ với công nghệ bảo mật cao, Ngân hàng có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Công nghệ số được Ngân hàng triển khai đồng bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, giúp cải thiện hiệu quả cách thức vận hành hệ thống nội bộ, tối ưu hóa quy trình, nghiệp vụ, quản lý dữ liệu và danh mục khách hàng, đảm bảo yêu cầu về bảo mật và quản lý rủi ro.

Đối với nền tảng số hóa quy trình nghiệp vụ và số hóa dữ liệu, các quy trình quan trọng về tín dụng đầu tiên thực hiện trên nền tảng này gồm quy trình phê duyệt tín dụng, quy trình xử lý giao dịch tín dụng và quy trình định giá tài sản đã được ứng dụng hiệu quả, từ đó hỗ trợ trực tiếp chiến lược số hóa hoạt động nhằm giảm thiểu thời gian xử lý giao dịch, phục vụ khách hàng nhanh hơn, tốt hơn. Bên cạnh đó, OCB đã được cấp chứng nhận về hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013, giúp người sử dụng kiểm soát mọi hoạt động và nội dung giao dịch. Ngân hàng cũng đã hoàn tất triển khai hệ thống xác thực tiên tiến iOTP nâng cao.

Việc nâng cấp hệ thống ứng dụng, hạ tầng công nghệ và bảo mật góp phần đưa OCB vào nhóm ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được công nhận hoàn tất triển khai thành công các hạng mục dự án quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II.

Ngân hàng được tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's nâng bậc đánh giá lên Ba3 - mức cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Thời gian tới, OCB dự kiến bổ sung hệ sinh thái tính năng trên ứng dụng OCB Omni dựa trên nền tảng hợp kênh như kết nối mạng xã hội, mở rộng thêm phương thức giao dịch, hệ sinh thái one-stop-shopping..../.  

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...