Phó Thủ tướng Thường trực thị sát tình hình di dân tự do ở Điện Biên
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tới thăm người dân tái định cư ở bản Mường Toong 5, huyện Mường Nhé. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Báo cáo của huyện Mường Nhé cho biết, Đề án 79 của Chính phủ về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng huyện Mường Nhé có mục tiêu cụ thể là bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống cho 12.205 hộ với hơn 68.318 nhân khẩu, thuộc 171 bản và 14 nhóm dân cư hiện có. Đến hết năm 2020 toàn vùng thuộc Đề án 79 có 13.434 hộ với trên 74.000 người thuộc 219 bản được định canh, định cư, bao gồm 171 bản hiện có nhưng phải di chuyển để tái lập bản tại nơi ở mới, 14 bản được chia tách hành chính, 32 bản thành lập mới sau khi bố trí, sắp xếp các hộ dân cư. Qua đó, giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 75,09% năm 2015 xuống còn 55,09% vào năm 2020.
Trong thực hiện sắp xếp, bố trí, ổn định đời sống dân cư đến năm 2020 (3.625 hộ), đến nay huyện đã thực hiện xong 3.231/3.625 hộ (đạt 89% so với mục tiêu Đề án 79 đặt ra). Số hộ còn lại là 394 hộ đang được huyện bố trí, sắp xếp tại các điểm bản của Đề án cũng như làm nhà ở theo chính sách hỗ trợ nhà của Chương trình 167 của Chính phủ.
Việc bố trí, sắp xếp dân cư ổn định tại chỗ không phải xây dựng phương án đã thực hiện 1.669/1.669 (đạt 100%). Tuy nhiên, qua theo dõi huyện Mường Nhé cho rằng những hộ này vẫn còn khó khăn về sản xuất, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời thì có thể xảy ra tình trạng các hộ dân lại di cư đi nơi khác.
Đề cập những khó khăn, vướng mắc quá trình thực hiện Đề án, huyện Mường Nhé cho rằng, chi phí đo đạc, hỗ trợ đền bù GPMB, kinh phí hỗ trợ người dân làm nhà, hỗ trợ phát triển rừng vẫn chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương trong việc sử dụng nguồn vốn; nguồn vốn đầu tư hạ tầng giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa được cân đối, bố trí để thực hiện. Do đó, một số công trình đã phê duyệt nhưng không được thực hiện, một số dự án phải đình hoãn, nhiều điểm bản chưa được đầu tư hạ tầng bảo đảm điều kiện cần thiết cho cuộc sống của người dân nơi định cư, nhất là một số điểm bản thành lập mới, tạo tâm lý so sánh giữa các hộ dân của các điểm bản trong vùng Đề án do việc triển khai hạ tầng và hỗ trợ chưa theo kịp nội dung tuyên truyền về chính sách quy định của Đề án nên người dân chưa yên tâm để ổn định cuộc sống lâu dài.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thăm hỏi bà con tái định cư bàn Cà Là Pá 1, huyện Mường Nhé. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Bên cạnh đó, một số điểm bản chưa lấp đầy, đã xuất hiện hiện tượng tái di cư về nơi ở cũ tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, gây khó khăn cho việc vận động và di chuyển dân cư.
Sau khi thị sát trực tiếp một số điểm bản trên địa bàn huyện Mường Nhé, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh các cấp chính quyền phải tính được sinh kế lâu dài cho đồng bào trên cơ sở phải có đất ở, đất sản xuất, không để du canh, du cư dẫn đến phá rừng làm nương rẫy. Từ đó, đồng bào các dân tộc thiểu số mới có thể gắn bó với rừng, trồng rừng, sinh lợi từ rừng, mới gắn bó mật thiết với quê hương, cùng nhau xây dựng tuyến biên giới hoà bình, ổn định, phát triển. Đồng thời, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn huyện Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, di dân tự do không kiểm soát được sẽ phá vỡ an ninh kinh tế - xã hội. Do vậy, việc ổn định được công tác di dân tự do sẽ là nguồn lợi lớn cho phát triển của tỉnh, như tăng lao động, khai thác được hiệu quả sử dụng đất, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đa dạng hóa bản sắc… Nếu không kiểm soát được tình hình di dân tự do sẽ gây ra những hệ lụy, như phá vỡ quy hoạch đất đai, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, cuộc sống của người dân tạm bợ, nhiều bức xúc, cuộc sống khó khăn, xảy ra tranh chấp, ảnh hưởng an ninh biên giới.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tới thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải, huyện Mường Nhé. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tại các nơi đến thị sát, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã ân cần thăm hỏi đời sống nhân dân, đồng thời giao nhiệm vụ cho các cấp chính quyền địa phương tìm giải pháp hiệu quả để chăm lo cho đồng bào thiểu số di dân tự do có cuộc sống từng bước ổn định, không để học sinh thất học, không để bà con bị các thế lực xấu lôi kéo, đồng thời nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho bà con.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.