Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đôn đốc ứng phó bão số 12

2017-11-04 08:48:07 0 Bình luận
Ngày 4/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đang ở Khánh Hòa đôn đốc, ứng phó bão. Dự kiến sau khi mưa ngớt, Phó Thủ tướng sẽ đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiệt hại tại khu vực bão đổ bộ.
Do ảnh hưởng của bão số 12, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 11, Ninh Hòa (Phú Yên) gió giật cấp 12, Nha Trang (Khánh Hòa) gió giật cấp 11.

Vị trí tâm bão lúc 7 giờ: 12,60N-109,20E; tâm bão đang ở trên đất liền ven biển các tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 15.

Hiện Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Trung ương vẫn đang ở Khánh Hòa đôn đốc, chỉ đạo ứng phó bão.

Dự kiến sau khi gió ngớt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác sẽ đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại tại khu vực bão đổ bộ.

Trắng đêm ứng phó bão

* Tại Nha Trang, đến cuối ngày 3/11 toàn thành phố có gần 1.000 hộ dân được di chuyển tới trụ sở nhà văn hoá thôn, đồn biên phòng, hoặc nhà người thân. Công tác di dời và kiểm tra người dân chấp hành di dời vẫn được các xã, phường nghiêm túc thực hiện. Lực lượng chức năng sẽ túc trực trắng đêm để kịp thời ứng cứu khi bão đổ bộ vào đất liền.

Tại những nơi ở tập trung, người dân được cung cấp đồ ăn, nước uống, mùng, mền để có thể ở lại qua đêm, đợi bão tan.

Hàng ngàn căn nhà bị tốc mái, sập tường, cột điện bị quật ngã

Theo lãnh đạo huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), kể từ khoảng 1 giờ sáng ngày 4/11, trên địa bàn huyện bắt đầu có gió mạnh kèm theo mưa lớn.


Đến khoảng 4 giờ 30 cùng ngày lượng mưa có giảm nhưng sức gió tăng lên rất mạnh khiến hệ thống điện trên địa bàn bị hư hỏng buộc phải cắt điện. Đồng thời đã có hàng nghìn căn nhà của người dân trên địa bàn bị tốc mái, sập tường, cây cối đổ ngã, cột điện bị ngã; nhiều công trình trường học, trụ sở các cơ quan bị hư hỏng nặng. Sóng biển cao 8m. Nhiều lồng bè nuôi trồng hải sản của người dân bị sóng đánh vỡ. Hiện UBND huyện vẫn chưa thống kê được tình hình thiệt hại về người và tài sản.

Theo phóng viên báo Khánh Hòa, đến khoảng 6 giờ 30, gió vẫn còn rất mạnh kèm theo mưa lớn. Chính quyền địa phương liên tục cảnh báo người dân không nên ra đường vào thời điểm gió mạnh. Lực lượng chức năng vẫn đang túc trực ở các vùng xung yếu để hỗ trợ, giúp đỡ người dân di tản người và tài sản về những nơi an toàn. Đặc biệt huyện đã đưa hơn 6.900 người dân ở những vùng nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn…


Thông tin ban đầu cho biết, hiện tại Bình Định đã có 2 người chết, 1 người mất tích.

Trước 12 giờ đêm không còn người dân ở nơi nguy hiểm

Sau khi đi thị sát thực tế, chiều nay, lúc 16h, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai triển khai công tác ứng với Bão số 12 tại đầu cầu tỉnh Khánh Hòa.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận sự chủ động, tích cực trong chuẩn bị ứng phó với bão.

Tuy nhiên do đây là cơn bão lớn, lại đổ bộ trực tiếp vào khu vực Nam Trung Bộ, nơi ít phải chống chịu với bão, do đó kinh nghiệm phòng chống bão không nhiều, Phó Thủ tướng yêu cầu phải hết sức cảnh giác.

Lưu ý các địa phương không chủ quan, triển khai thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân; rà soát phương tiện còn trên biển, yêu cầu vào nơi tránh trú an toàn; yêu cầu bà con ngư dân trên các khu vực nuôi trồng thuỷ sản phải vào trong bờ; rà soát thật kỹ các phương án, triệt để thực hiện sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực ven biển, khu vực dễ xảy ra ngập úng, khu vực có nhiều rủi ro sập đổ.

Kiên quyết sơ tán người dân, yêu cầu trước 12h đêm, không còn người dân ở nơi nguy hiểm – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đặc biệt chú ý phương án bảo vệ công trình tháp cao, hệ thống hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình đang xây dựng, tháp cao, nhà cao tầng; bảo vệ an toàn hồ đạp, công trình thủy lợi. Sẵn sàng các phương án vận hành, bảo vệ công trình, sơ tán dân.

Phó Thủ tướng giao Thành phố Đà Nẵng chủ động, với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương đảm bảo an toàn cho công trình hồ đập, an toàn giao thông, an toàn cấp điện, cùng với các lực lượng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình APEC.

Sau khi kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại Cảng cá Hòn Rớ, Khánh Hòa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trò chuyện, động viên ngư dân yên tâm tránh bão, nhắc nhở ngư dân tuyệt đối không chủ quan có mặt trên tàu khi bão đổ bộ.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Quản lý cảng cá phải bố trí lực lượng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện, tài sản của ngư dân.

Lên kế hoạch sơ tán gần 430.000 người

Báo cáo tại hội nghị cho biết: Tổng số tàu thuyền đã thông báo, kiểm đếm là 60.547 tàu/288.626 lao động.

Hiện chỉ còn 8 tàu của tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu với 61 lao động hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Các tàu đã nhận được thông tin về bão và đang di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. (Theo báo cáo của tỉnh thì hiện không còn tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm).

Tỉnh Ninh Thuận có 1 tàu/07 lao động hoạt động tại khu vực DK1 không liên lạc được. Hiện Bộ đội biên phòng, Trung tâm TKCN hằng hải khu vực 3 đang phối hợp tìm kiếm (ngày 02/11 neo đậu tại khu vực Bãi Đá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Về tình hình di dời dân, tính đến 14h ngày 03/11/2017: Tổng số đã sơ tán: 1.269 hộ/5.939 người – Kế hoạch sơ tán dự kiến: 96.452 hộ/426.883 người (sơ tán tập trung: 56.417 hộ/226.934 người; sơ tán tại chỗ: 40.035 hộ/199.949 người), cụ thể:

Tỉnh Khánh Hòa: Đã sơ tán: 1.269 hộ/5.939 người (sơ tán tập trung: 3.851 hộ/15.096 người; sơ tán tại chỗ: 448 hộ/1.699 người) – Kế hoạch: 33.384 hộ/133.535 người (sơ tán tập trung: 24.679 hộ/98.717 người; sơ tán tại chỗ: 8.705 hộ/34.818 người);

Tỉnh Phú Yên: Chưa sơ tán – Kế hoạch: 22.376 hộ/85.086 người (sơ tán tập trung: 10.793 hộ/39.948 người; sơ tán tại chỗ: 11.583 hộ/45.138 người);

Tỉnh Bình Định: Chưa sơ tán – Kế hoạch: 13.591 hộ/93.199 người (sơ tán tại chỗ);

Tỉnh Ninh Thuận: Đang tổ chức sơ tán dân – Kế hoạch: 18.299 hộ/79.854 người (sơ tán tập trung: 12.143 hộ/53.060 người; sơ tán tại chỗ: 6.156 hộ/26.794 người);

Tỉnh Bình Thuận: Chưa sơ tán – Kế hoạch: 8.802 hộ/35.209 người (sơ tán tập trung).

Hiện 6 tỉnh cấm biển, cụ thể, Thừa Thiên Huế đã cấm biển vào 12h00 ngày 29/10; tỉnh Bình Định đã cấm biển vào 16h00 ngày 02/11; tỉnh Phú Yên đã cấm biển vào 9h30 ngày 03/11; ttỉnh Khánh Hòa đã cấm biển 18h00 ngày 02/11; cấm cáp treo Vinpearl từ 14h ngày 03/11; tỉnh Ninh Thuận đã cấm biển từ 15h00 ngày 02/11; tỉnh Bình Thuận đã cấm biển vào 09h00 ngày 02/11.

Tỉnh Khánh Hòa cũng đã cho học sinh nghỉ học từ 12h00 ngày 03/11.

Về tình hình đê điều, báo cáo cho biết, các tuyến đê trong khu vực mới chỉ được thiết kế với bão cấp 9, 10, triều trung bình 5%.

Về tình hình hồ chứa, Khu vực Nam Trung Bộ: Có 57 hồ chứa thủy lợi xung yếu (16 hồ chứa lớn, 41 hồ chứa nhỏ), các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận).

Khu vực Tây Nguyên: Có 68 hồ chứa xung yếu (14 hồ lớn, 54 hồ nhỏ). Các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Thôn 9 (Kon Tum); PleitoKôn (Gia Lai); Dang Kang thượng, Ea Uy, Ea Khal 1, Ea Tling, Đội 36 (Đắk Lắk); Nao Ma a, Đắk Hlang (Đắk Nông); Ma Póh, Đạ Sa (Lâm Đồng).

Khu vực Đông Nam Bộ: 04 hồ (Bình Phước 2 hồ, Đồng Nai 2 hồ) xung yếu cần đặc biệt quan tâm.

Về những công việc triển khai tiếp theo, Ban Chỉ đạo yêu cầu: Đối với khu vực trên biển, đảo và ven bờ, tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn, đặc biệt tàu thuyền đang còn trong khu vực nguy hiểm. Hoàn thành trước 18h ngày 03/11.

Không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, đặc biệt đối với tàu vãng lai, tàu du lịch. Hoàn thành trước 18h ngày 03/11.

Đối với khu vực trên đất liền: Kiên quyết sơ tán dân trong các nhà ở không an toàn, vùng trũng thấp cửa sông, ven biển. Khẩn trương chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình đang thi công xong trước tối ngày 03/11/2017.

Có phương án đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, sẵn sàng khắc phục sự cố để khắc phục sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hoàn thành trước 18h ngày 03/11.

Phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh; hủy bỏ các chuyến bay qua khu vực trong thời gian bão ảnh hưởng.

Hoàn thành việc xử lý giờ đầu, đảm bảo an toàn công trình đê điều đang thi công. Hoàn thành trước 18h ngày 03/11.

Về ứng phó với mưa lũ: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tế để thao mưu chỉ đạo điều hành nhất là đối với việc vận hành các hồ chứa;

Dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ để đối phó với tình huống lũ lớn, ngập sâu trên diện rộng và kéo dài.

Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu đê điều, hồ đập; kiểm tra vận hành các thiết bị cảnh báo khi có tình huống xảy ra.

Kiên quyết sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.

Đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản, lồng bè, các khu công nghiệp, khu trang trại sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi quy mô lớn.

Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

Các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục phát huy, tăng cường thời lượng đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các cấp chính quyền chủ động các biện pháp phòng, tránh, tránh tư tưởng chủ quan song cũng không hoang mang trước các diễn biến thiên tai.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Trưa nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi thị sát tại khu vực kè xóm Rớ, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Do sóng đánh mạnh, kè xóm Rớ đã bị vỡ một đoạn, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương khẩn trương huy động, tập trung lực lượng, phương tiện nhanh chóng hàn khẩu. Trong quá trình thi công, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng đi thị sát công tác phòng chống bão tại cảng Vũng Rô, Phú Yên. Tại đây, hàng trăm tàu bè của ngư dân, tàu đang di chuyển trên tuyến hàng hải quốc tế đã vào tránh trú bão. Các lực lượng chức năng đang hướng dẫn, sắp xếp các tàu thuyền neo đậu an toàn.

Trao đổi nhanh với lãnh đạo địa phương, thay mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự tích cực, chủ động, quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, đặc biệt là của cấp uỷ, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trong ứng phó với bão số 12 và mưa lũ sau bão.

Nhấn mạnh, đây là cơn bão có cường độ mạnh; đặc biệt sau bão, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, trong khi những ngày vừa qua tại khu vực này đã có mưa rất to (nhiều hồ đang phải xả tràn), Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, lũ (kể cả các địa phương được dự báo vùng tâm bão không đổ bộ trực tiếp) không được phép chủ quan, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các phương án, biện pháp cụ thể ứng phó với bão, lũ theo tình huống xấu nhất.

Từ giờ tới khi bão đổ bộ vào đất liền không còn nhiều thời gian, trước hết phải tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Cần tiếp tục rà soát tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven bờ và ở vùng cửa sông để kêu gọi vào nơi tránh trú (theo báo cáo của các địa phương thì cơ bản đã vào hết nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ).

Tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ở ven biển, vùng cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sóng lớn tàn phá; sơ tán người trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, trên các các tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ hải sản (ven biển, cửa sông và trên các đầm phá). Huy động lực lượng quân đội, công an và các lực lượng tại chỗ kiên quyết thực hiện di dời, sơ tán người dân trước khi bão đổ bộ vào.

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân di chuyển, gia cố bảo vệ các lồng bè, các khu nuôi trồng thuỷ hải sản, hạn chế thiệt hại do bão, lũ (đây là một trong những khu vực nuôi trồng thuỷ sản nhiều).

Chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công sở, trường học, trạm y tế; có phương án bảo vệ các công trình xây dựng, nhất là các công trình dạng tháp cao, cần cẩu, cột phát sóng truyền hình, ăng ten,… Đồng thời lưu ý các địa phương trong việc bảo đảm an toàn hồ đập, bảo đảm an toàn giao thông; chống ngập úng...

* Trước đó, sáng 3/11, ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng với Bộ trưởng NN&PTNT đi chỉ đạo chống bão số 12.

Hồi 16 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.

Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cấp 4.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, khoảng sáng sớm mai (04/11) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam- Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cấp 4.

Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực miền Nam Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Gió mạnh và sóng lớn trên biển: Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh cấp 7, đêm gió mạnh lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.

Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1,0m. Sóng vùng tâm bão 6-8m, ven bờ Quảng Ngãi đến Bình Thuận 3-5m. Ngoài ra, ven biển Nam Bộ đề phòng triều cường cao trong những ngày tới do thủy triều lên cao kết hợp với nước dâng do gió mùa.

Gió mạnh trên đất liền: Từ đêm nay (03/11), trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 10-12, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền (bao gồm cả Nam Tây Nguyên) có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngày mai, miền Đông Nam Bộ có gió giật cấp 6-8.

Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cấp 4.

Dự báo mưa lớn: Từ chiều nay (3/11), do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to đến đặc biệt to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.

Cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất: Từ ngày 4 đến 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên. Cần theo dõi chi tiết trong các bản tin cảnh báo lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu diện rộng tiếp theo.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1659 ngày 1/11/2017 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Công điện nêu rõ, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang di chuyển về phía vùng biển Nam Cà Mau; tối và đêm nay, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Cà Mau và Kiên Giang với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, kèm theo lốc xoáy, vòi rồng, mưa lớn, sóng biển và nước dâng cao.

Tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đã có mưa rất to, nguy cơ lũ lớn trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt cục bộ ở vùng trũng. Đồng thời, một áp thấp nhiệt đới khác đang di chuyển vào Biển Đông, có khả năng mạnh lên thành bão, dự báo sẽ đổ bộ vào nước ta, kết hợp với không khí lạnh gây mưa, lũ lớn, nguy cơ ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên trong những ngày tới.

Các hình thế thời tiết nguy hiểm trên xảy ra trong thời gian chuẩn bị diễn ra sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng là Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai, không để ảnh hưởng đến các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang, nhất là các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cần rút kinh nghiệm từ trận bão LINDA (xảy ra ngày 02 tháng 11 năm 1997), huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với áp thấp nhiệt đới, nhất là chủ động bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, phương tiện, tàu, thuyền và các hoạt động trên biển, trên sông, kênh rạch, đặc biệt lưu ý tránh tư tưởng chủ quan trong lãnh đạo, cũng như người dân.

Yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bbộ, ngành có liên quan trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp cụ thể để hạn chế thiệt hại.

2. Các địa phương khu vực ảnh hưởng mưa lũ (từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên) và khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trong những ngày tới (từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên) rút kinh nghiệm từ các trận lũ lịch sử năm 1999 và năm 2016, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển (rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện; thông báo, hướng dẫn tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp, neo đậu để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu, căn cứ diễn biến của bão và thực tế tại địa phương quyết định việc cấm tàu thuyền ra khơi).

- Rà soát, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các tuyến đê biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.

- Chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Triển khai phương án phòng chống ngập úng các đô thị, đặc biệt là tại các khu vực diễn ra Hội nghị cấp cao APEC và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản. Bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công trình. Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.

- Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thu hoạch lúa, hoa màu, chủ động triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương kiểm tra, có phương án vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ lợi, chủ động hạ mực nước đón lũ, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gây lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình thủy lợi.

4. Bộ Công Thương: Chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động khai thác dầu khí trên biển, các cơ sở công nghiệp lớn; chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, chủ động hạ mực nước đón lũ, phối hợp điều tiết liên hồ chứa góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gây lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống truyền tải điện và lưới điện; sẵn sàng khắc phục nhanh nhất sự cố, đảm bảo cấp điện trở lại, chủ động có phương án bảo đảm nguồn điện phục vụ các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC trong mọi tình huống.

5. Bộ Giao thông vận tải: Chỉ đạo các Đài thông tin Duyên hải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để phối hợp với các lực lượng có liên quan thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên biển (kể cả các tàu vận tải lớn, tàu vận tải hoạt động ven bờ); tổ chức hướng dẫn di chuyển, neo đậu an toàn cho các tàu vận tải tránh đứt neo, va đập khi xảy ra thiên tai. Chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không; phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải hoạt động trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông trên các trục chính.

6. Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn bảo đảm an toàn về người và tài sản đối với các công trình xây dựng, nhất là công trình nhà cửa, tháp cao, công trình đang thi công dở dang.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, phương tiện bảo đảm thông tin.

8. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng biên phòng tuyến biển, Cảnh sát biển phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, thông báo, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú; triển khai ngay các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, cơ sở vật chất trên các đảo, nhà giàn,...; chỉ đạo các quân khu, lực lượng quân sự địa phương và các đơn vị đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương ứng phó với thiên tai khi được yêu cầu.

9. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại vùng thiên tai, nhất là đối với các khu vực sơ tán dân đi và đến; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động trên đường khi xảy ra thiên tai trong trường hợp cần thiết; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

10. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, không để bị động, bất ngờ.

11. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão.

12. Bộ Ngoại giao theo dõi chặt chẽ, phối hợp với các cơ quan có liên quan nắm thông tin về tàu thuyền hoạt động trên biển, chủ động liên hệ với các nước, vùng lãnh thổ hỗ trợ ngư dân tránh trú bão khi có yêu cầu.

13. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng tần suất, thời lượng phát sóng; cập nhật, đưa tin kịp thời về diễn biến thiên tai, dự báo, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan ở trung ương và địa phương để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

14. Các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại đối với người, phương tiện, cơ sở vật chất thuộc phạm vi quản lý, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ theo quy định.

15. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, công bố vùng nguy hiểm, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó cụ thể; chỉ đạo vận hành hạ mực nước các hồ chứa để chủ động đón lũ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, an toàn vùng hạ du; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Không chuẩn bị kỹ, sẽ gây hậu quả khôn lường

* Trước tình hình mưa lũ phức tạp và cơn bão số 12 (bão Damrey) sắp đổ bộ vào bờ, sáng nay (3/11), Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp nhanh về việc ứng phó cơn bão số 12.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 12.

Theo Bộ trưởng, các hồ hiện tại đã rất đầy nước, khi bão đổ bộ sẽ kèm theo mưa lớn nên cần chú trọng bảo vệ các công trình này. Bên cạnh đó, hoàn lưu bão cũng sẽ gây mưa lớn ở những vùng chịu tổn thương trong thời gian mưa lũ liên tục vừa qua. Do đó nếu không chuẩn bị kỹ sẽ gây hậu quả khôn lường. Đồng thời phải vận hành các hồ thủy lợi phải đúng quy trình, các hồ thiết yếu, xuống cấp phải quản lý, kiểm tra chặt chẽ 24/24h, bảo đảm không có sự cố.

Với 40 tàu thuyền chưa vào bờ của 2 tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Bộ đội Biên phòng cần kêu gọi vào bờ ngay, bảo đảm an toàn cho ngư dân. Sau đó sẽ ra thông báo cấm biển tuyệt đối ở những vùng bị ảnh hưởng cả kể tàu nhỏ.

Các địa phương và vùng bị ảnh hưởng thực tốt phương châm 4 tại chỗ, người dân ở những vùng trũng, nguy hiểm, ven biển phải được di dời ngay lập tức. Khi bão vào bờ phải bảo đảm không còn người dân ở vùng nguy hiểm. Lồng bè nuôi cá, chuồng trại chăn nuôi phải có phương pháp di dời, chằng chống, tránh để tình trạng như đợt áp thấp vừa qua gây thiệt hại về kinh tế của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Về công tác ứng phó tại chỗ, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN của tỉnh, thành phố khu vực Trung bộ và Tây Nguyên đã triển khai thực hiện nội dung các công điện số từ Ban chỉ đạo Trung ương PCTT. Trong đó, các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh đã có công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó.

Tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo cấm biển vào 18h ngày 2/11, di dời ngư dân, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên lồng bè vào bờ trước 16h ngày 3/11, chỉ đạo cho học sinh nghỉ học vào 12h ngày 3/11.

Tỉnh Ninh Thuận tổ chức cấm biển vào 15h ngày 2/11, di dời ngư dân, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên lồng bè vào bờ trước trước 13h ngày 3/11.

Tỉnh Bình Thuận tổ chức cấm biển vào 9h ngày 2/11, hoàn thành công tác ứng phó với bão trước 10h ngày 3/11

Thời điểm hiện tại, theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh BĐBP, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh thông báo hướng dẫn, kiểm đếm cho : 79,182 tàu/385,911 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Phú Yên đã triển khai sơ tán người dân tại các vùng bị ngập, chia cắt, vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Cùng với đó các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng di dời sơ tán 75,467 hộ/386,143 người ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tính đến 6h ngày 3/11 trong 162 hồ cập nhật thông tin, có 18 hồ đang phải xả quá tràn.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

TP Hạ Long (Quảng Ninh): Nhiều kết quả nổi bật sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị

Chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy Hạ Long tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, khen thưởng phong trào “Học và làm theo Bác” năm 2023 và sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU ngày 16/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.
2024-05-18 16:21:54

Thủ tướng: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
2024-05-18 09:58:07

Hiệp hội người Hàn Quốc tại Hồ Chí Minh và Công ty TNHH K&P HASE ký biên bản ghi nhớ

Ngày 16/5/2024, tại số 47 Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra lễ kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty TNHH K&P HASE và Hiệp hội người Hàn Quốc tại HCM – Lãnh Sự Quán Hàn Quốc (Korean Association in HCMC).
2024-05-16 23:30:00

Hội nghị Trung ương 9: Chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này tuy không nhiều đầu việc, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng và chỉ đạo chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
2024-05-16 15:54:13

Đảng ủy Khối DN Đống Đa sơ kết 3 năm Đề án nâng cao chất lượng chi bộ

Sáng 15/5, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 11-ĐA/TU, ngày 6/12/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”
2024-05-15 16:08:53

Hà Nội: Đảng ủy Khối DN quận Đống Đa trao Huy hiệu 55 tuổi Đảng đợt 19/5

Sáng nay (15/5), Đảng Ủy Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa trao tặng Huy hiệu 55 - 45 - 30 tuổi Đảng cho đảng viên nhân dịp 19/5 (kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
2024-05-15 12:52:28
Đang tải...