Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ: Đạt mức độ cao nhất và phát triển tốt đẹp nhất

2017-01-05 10:10:30 0 Bình luận
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (07/01/1972-07/01/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2007-2017) giữa Việt Nam và Ấn Độ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã trả lời phỏng vấn báo chí về mối quan hệ giữa hai nước.

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ: Đạt mức độ cao nhất và phát triển tốt đẹp nhất
Đại sứ Tôn Sinh Thành trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Đăng Chính/Vietnam+)

Thưa Đại sứ, năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Xin Đại sứ cho biết những thành tựu nổi bật nhất trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua?

Đại sứ Tôn Sinh Thành: Trước hết, phải nói rằng Việt Nam và Ấn Độ đã có những mối liên hệ về tôn giáo, văn hóa và thương mại từ hàng nghìn năm về trước. Phật giáo Việt Nam bắt nguồn từ Ấn Độ. Hiện nay tại Việt Nam còn rất nhiều những di sản văn hóa Ấn Độ. Nhân dân hai nước đã từng đồng cảm với nhau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Kể từ khi hai thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972 và nhất là kể từ khi thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 đến nay, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ đã trải qua một con đường dài, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhìn lại, quan hệ hai nước không chỉ “trong sáng như bầu trời không một gợn mây” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói mà còn có thể thấy đó là một đường thẳng đi lên, ngày càng được nâng cao, mở rộng và phát triển không ngừng, cho đến nay đã đạt mức độ quan hệ cao nhất và đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay.

Có thể nói hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ chính trị hết sức tốt đẹp, có độ tin cậy chính trị rất cao do giữa hai nước không có bất cứ một vướng mắc nào nhưng lại có sự song trùng về lợi ích chiến lược, sẵn sàng chia sẻ, tin tưởng lẫn nhau trên hầu như tất cả các vấn đề song phương cũng như đa phương, kể cả vấn đề Biển Đông.

Sự tin cậy đó ngày càng được củng cố thông qua việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến những chuyến thăm liên tiếp tới Ấn Độ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng nước ta và gần đây nhất là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 12/2016).

Về phía Ấn Độ, Tổng thống, Phó Tổng thống bạn cũng đã thăm Việt Nam. Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi hồi tháng 9/2016, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện.

Hợp tác an ninh và quốc phòng tiếp tục là lĩnh vực nổi bật trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrikar hồi tháng 6/2016 và chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tháng 12/2016 là hai sự kiện quan trọng đưa hợp tác quốc phòng đi vào chiều sâu. Trước đó, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi, Ấn Độ tiếp tục cung cấp gói tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam để hiện đại hóa quốc phòng.

Hợp tác kinh tế và thương mại cũng có những bước phát triển trong những năm qua. Kim ngạch buôn bán hai chiều của hai nước đạt trên 5,5 tỷ USD (năm 2015) và Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Hai bên đang phối hợp phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.

Về đầu tư, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ. Tính đến tháng 9/2016, Ấn Độ có 131 dự án trị giá hơn 700 triệu USD, đứng thứ 25 trong số các nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam.

Hợp tác về khoa học-công nghệ cũng đang được thúc đẩy. Ấn Độ đang triển khai xây dựng một Trạm tiếp nhận, xử lý tín hiệu viễn thám đặt tại Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi, hai bên đã ký 7 thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng giúp ta về đào tạo và cung cấp một số trang thiết bị trong lĩnh vực hạt nhân, viễn thám, sinh học, dược phẩm và năng lượng tái tạo. Mới đây, hai bên đã ký Hiệp định khung hợp tác về năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Quan hệ văn hóa, hợp tác giáo dục và ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng được triển khai tích cực dưới nhiều hình thức như trao đổi các đoàn nghệ thuật, trao đổi học giả, sinh viên, liên hoan phim Việt Nam, giao lưu họa sỹ hai nước, biểu diễn thời trang áo dài Việt Nam…

Nhìn lại 45 năm qua và nhất là 10 năm trở lại đây, chúng ta có thể tự hào về những gì đã đạt được và tin tưởng vào sự phát triển tốt đẹp hơn nữa của mối quan hệ đó trong thời gian tới, tiếp tục đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và an ninh cũng như vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế.

Việt Nam và Ấn Độ vừa nâng cấp quan hệ song phương từ Quan hệ Đối tác chiến lược lên Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi vừa qua. Đại sứ đánh giá như thế nào về nội hàm của “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” cũng như những triển vọng phát triển trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trong 5 trụ cột chính là chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục?

Đại sứ Tôn Sinh Thành: Tôi cho rằng bản thân từ “toàn diện” cũng đã nói lên rất rõ nội hàm của “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thực tế, khi thiết lập quan hệ lên Đối tác Chiến lược năm 2007, hai bên đã xác định 5 trụ cột chủ yếu là quan hệ chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục.

Thời gian qua, các trụ cột chính trị-ngoại giao và quốc phòng-an ninh đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả cao nhưng các trụ cột kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục chưa phát triển được như kỳ vọng. Do vậy, trong thời gian tới, hai bên cần phải quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ những lĩnh vực này.

Hơn nữa, hợp tác hai nước cũng sẽ không bị hạn chế chỉ trong 5 trụ cột nói trên mà cần phải mở rộng hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực khác như hợp tác giữa các cơ quan lập pháp, Đảng, đoàn thể và nhân dân hai nước.

Về cơ chế hợp tác, hiện hai nước đã có 9 cơ chế song phương, trong đó các cơ chế Đối thoại Chiến lược, Tham khảo chính trị, Đối thoại Quốc phòng đã hoạt động tốt nhưng cũng cần thúc đẩy để các cơ chế như Ủy ban hỗn hợp, Tiểu ban thương mại, Tiểu ban khoa học-công nghệ, Tiểu ban giáo dục… hoạt động thực sự hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, hai bên cũng cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các cơ chế đa phương, trước hết trong các cơ chế hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ, nhất là khi Việt Nam đang là điều phối viên của mối quan hệ này.

Lịch sử quan hệ Việt - Ấn đang bước sang một chương mới, phát triển sâu rộng và toàn diện hơn ở tất cả các mặt. Hợp tác giữa hai nước đang có những điều kiện thuận lợi chưa từng có. Cánh cửa đang rộng mở cho sự hợp tác chiến lược toàn diện thực sự giữa hai nước.

Thưa Đại sứ, được biết hai nước đã có các kế hoạch, chương trình hành động để kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong năm 2017. Xin Đại sứ cho biết rõ thêm những kế hoạch, chương trình hành động này là gì?

Đại sứ Tôn Sinh Thành: Năm 2017 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Modi hồi tháng 9 vừa qua, Bộ Ngoại giao hai nước đã ký Nghị định thư về kỷ niệm năm hữu nghị 2017 để kỷ niệm 45 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.

Theo đó, hai bên nhất trí cần phải tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn ở tất cả các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao, trong đó gồm các chuyến thăm theo “Chương trình khách quý” đã được thống nhất nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ năm 2013; trao đổi điện mừng của lãnh đạo cấp cao hai nước vào ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 07/01/2017; viết bài, thông điệp của lãnh đạo cấp cao hoặc lãnh đạo Bộ Ngoại giao hai nước;

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu trên truyền hình mỗi nước; khuyến khích, tạo điều kiện cho các bộ ngành hữu quan hai nước phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại và đầu tư, diễn đàn doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước; tổ chức “Tuần phim Việt Nam tại Ấn Độ” và “Tuần phim Ấn Độ tại Việt Nam”, Triển lãm ảnh về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ trong 45 năm qua;

Tăng cường giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động quảng bá du lịch, trao đổi đoàn cấp địa phương, thúc đẩy ký kết thiết lập quan hệ hữu nghị giữa các thành phố lớn của hai nước; tổ chức hội thảo, hội đàm về quan hệ song phương tại mỗi nước.

Ngay trong tháng 1/2017, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẽ tổ chức một chuỗi sự kiện bao gồm Triển lãm tranh-ảnh nghệ thuật, Liên hoan phim Việt Nam và một đoàn văn công của ta sẽ thực hiện chuyến công diễn tại thủ đô New Delhi và 2 bang khác của Ấn Độ. Đây chắc chắn sẽ là một sự mở đầu sôi động cho năm hữu nghị Việt-Ấn 2017.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Sơ duyệt lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lực lượng Quân đội, Công an cùng các khối khác đã tiến hành sơ duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại sân vận động tỉnh Điện Biên.
2024-05-03 14:57:17

Phú Quốc, Tây Ninh đông khách du lịch hàng đầu Nam bộ trong ngày nghỉ lễ đầu tiên

Nam bộ có khá nhiều điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay, nhưng Phú Quốc và Tây Ninh được ghi nhận là hai điểm đến đón đông đảo du khách bậc nhất bởi lợi thế về khí hậu, cảnh quan và trải nghiệm hấp dẫn
2024-05-03 11:05:59

Hàng trăm ngàn người háo hức ngắm pháo hoa, vui chơi tại quảng trường biển Sầm Sơn

Lễ khánh thành Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn đã diễn ra tối 27/4, trong khuôn khổ đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2024. Hơn 300 ngàn người dân, du khách đã tham gia sự kiện, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật sôi động và chiêm ngưỡng màn pháo hoa tưng bừng tại quảng trường biển hiện đại, quy mô bậc nhất Việt Nam.
2024-05-03 09:43:01

Hải Phòng trưng bày tư liệu ‘Cát Bi - Điện Biên Phủ: bản hùng ca chiến thắng’

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5, Bảo tàng Hải Phòng trưng bày tư liệu chuyên đề “Cát Bi rực lửa - Điện Biên Phủ bản hùng ca chiến thắng”.
2024-05-03 08:34:17

Nữ giám đốc khuyết tật biến đất hoang thành vườn cây thảo dược

Không chỉ vượt qua nhiều nghịch cảnh trong cuộc sống, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc giờ đây còn giúp đỡ được nhiều người khuyết tật khác.
2024-05-03 06:30:00

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định.
2024-05-02 18:49:22
Đang tải...