Quy định 1,5m trong tuyển sinh sư phạm: Chiều cao có giới hạn năng lực, phẩm chất?
Chiều cao có giới hạn năng lực, phẩm chất giáo viên?
Trao đổi về vấn đề này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, bộ GD&ĐT bày tỏ: “Trước hết, việc đưa ra những yêu cầu mang tính chất giới hạn như thế này cần căn cứ nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam, không nên dựa vào suy nghĩ chủ quan. Ví dụ, có nghiên cứu nào chứng minh những người dưới 1,5m trong ngành sư phạm chưa đảm bảo chất lượng, dạy học kém, thái độ người học và kết quả đầu ra kém.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Nghề giáo viên ở nhiều nước thì thường có những quy định về ngoại hình, có thể tạo ra ấn tượng đẹp với học sinh, một môi trường không chỉ mẫu mực về phẩm chất, chuyên môn mà còn có đội ngũ đẹp.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cần lưu ý một điều, sư phạm không phải là một ngành có sức hút lớn nhất, không phải ai cũng chen chân vào sư phạm. Vì thế, những người không có khuyết tật gì quá đặc biệt, chỉ là chiều cao hơi hạn chế, không thể cứng nhắc không nhận, nếu bỏ lỡ những nhà giáo giỏi chuyên môn, tận tình, tâm huyết, có trách nhiệm trong tương lai thì sao”.
Ông phân tích: “Một giáo viên tuy có ngoại hình thấp bé, nhưng có tri thức, có năng lực, trình độ uyên thâm, phát biểu ai cũng phải lắng nghe, thì không còn ai chú ý đến ngoại hình cả.
Người thấp không phải người kém trình độ, xưa nay những người có tài năng đáng chú ý lại thường chính là những người thấp bé, hoặc có khiếm khuyết về ngoại hình. Thấp bé mà có tài, có đức còn hơn những người cao ráo những chẳng nắm được chuyên môn gì.
Về đại trà, có thể ưu tiên những người cao ráo, ngoại hình đẹp những không nên quá khắt khe như vậy, lọt mất những người giỏi về mặt sư phạm, tri thức, nhiệt tình với nền giáo dục. Nhiều người thấp bé vẫn có thể đào tạo thành cán bộ quản lý, nhiệt tình với ngành giáo dục, phụ trách các công tác chuyên môn, am hiểu thông thạo”.
Tiêu chí nói ngọng, nói lắp quan trọng hơn nhiều
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT, đối với ngành sư phạm, đội ngũ giáo viên cũng cần phải có sức khỏe, tuy nhiên, quy định về chiều cao cũng phải có những cơ hội mở cho những tài năng, người có năng lực thực sự có thể phát huy, tránh những hiện tượng tiêu cực.
“Đối với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, đây cũng không phải tiêu chí quá quan trọng đối với trường sư phạm, cấp bách nhất là không được nói ngọng, nói lắp. Nếu muốn vào ngành sư phạm thì phải dành một khoảng thời gian chữa ngọng mới được theo học. Phải vào một trung tâm chữa ngọng, và phải chữa được. Đó mới là tiêu chí đáng quan tâm đối với các trường sư phạm”, nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Các trường đại học được tự chủ khi đặt ra quy định về tuyển sinh, miễn sao không vi phạm nhân quyền. Giáo viên cũng là nghề rất đặc thù, cần nhân cách, đạo đức, tác phong, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngoại hình cũng có những thuận lợi nhất định. Bởi vậy, đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tuyển những sinh viên tổng hợp các tiêu chí trên, là công thức tốt nhất để chọn ra những người thích hợp nghề giáo. Đó là sự lựa chọn cao về mọi tiêu chí, đồng bộ giữa các năng lực chứ không phải chỉ chọn người có đủ chiều cao”.
“Tuy nhiên, cá nhân tôi nếu đang là Hiệu trưởng trường sư phạm thì sẽ không đưa ra tiêu chí này”, GS.TS Đinh Quang Báo khẳng định.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.