Sẽ thông qua Luật Báo chí sửa đổi tại kỳ họp thứ 11
Theo kế hoạch dự kiến, chiều thứ Tư, ngày 24/2, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật báo chí (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội (QH) sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật báo chí (sửa đổi).
Luật Báo chí sửa đổi đã được đưa ra QH thảo luận tại kỳ họp thứ 10. Tuy nhiên, do còn ý kiến về 8 nhóm vấn đề khác nhau nên tại phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ QH đã đưa nội dung này ra thảo luận.
Tại buổi thảo luận sáng ngày 18/2, nhiều đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị dự thảo luật này là rất chu đáo, nhiều vấn đề đặt ra đã được giải quyết. Tuy nhiên, một số ý kiến thảo luận tỏ ra lo lắng vì Dự thảo Luật báo chí không điều chỉnh đối với trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu ý kiến tại phiên làm việc của Ủy ban TVQH về dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Lý giải về việc này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng, khác với sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện và một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí khác (bản tin, đặc san), trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý trang mạng xã hội, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng.
Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng.
“Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và mạng xã hội được điều chỉnh bởi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 174/2013/NĐ-CP”, ông Thi cho biết.
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, trong thế giới phẳng, truyền thông xã hội trên Internet ngày càng phát triển, nhưng được quản lý bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác chứ không quản lý bằng Luật báo chí.
Do đó, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thẩm định của Quốc hội cũng đề xuất Luật Báo chí không điều chỉnh trang tin điện tử, mạng xã hội.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước lo ngại: “Xu hướng chung bây giờ là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tìm kiếm, đọc, nghe, xem thông tin trên Internet ngày càng nhiều, nếu không đưa trang thông tin điện tử và mạng xã hội vào Luật Báo chí thì không thể nào quản lý nổi”.
“Nhiều đại biểu Quốc hội cũng như bản thân tôi sau khi trả lời phỏng vấn, phát biểu, được báo chí đăng tải, các trang thông tin điện tử xào xáo lại, cắt xén, gọt dũa làm mất hết ý, thậm chí trái với quan điểm của câu phát biểu nhưng không thể xử lý được”, ông Phước phát biểu và đề nghị Luật báo chí phải chế tài đối với trang thông tin điện tử cũng như mạng xã hội để nếu vi phạm có hình thức xử lý thích đáng như cơ quan báo chí vi phạm.
Vẫn theo ông Phước, không luật hóa trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử là không phù hợp, bởi trên thực tế báo chí chính thống sau khi đăng tin bài, người dân tha hồ comment và đều được đăng tải hết.
“Cũng có bình luận rất hay, nhưng rất nhiều bình luận phản cảm, ác ý, thậm chí trái với thuần phong mỹ tục, kích động, chia rẽ. Vấn đề này cần phải siết chặt thì không có lý do gì lại không quản lý đối với trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử bởi suy cho cùng phần comment của báo chí chính thống cũng là một dạng trang mạng xã hội”, ông Phước bình luận.
Hiện dự thảo luật đang tiếp tục được hoàn thiện để trình ra QH xem xét, thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 11 tới. Dự kiến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 21/3-9/4/2016.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.