Sinh viên ra trường thất nghiệp: Lỗi do đâu?
2017-06-30 09:31:09
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Việc làm là mối quan tâm hàng đầu của xã hội nhất là đối với người lao động khi mà mỗi năm lại có thêm hàng nghìn lao động mới chưa có việc làm. Những người lao động cho rằng họ thất nghiệp vì các yếu tố khách quan như doanh nghiệp, xu hướng việc làm… Song thực tế có phải chỉ vì các yếu tố khách quan..?
Thực trạng thất nghiệp hiện nay
Tình trạng thất nghiệp đã tăng cả về số lượng và tỷ lệ trong năm 2016. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của lao động quý I 2016 là 2,23%, trong đó khu vực thành thị là 2,96%, khu vực nông thôn là 1,87%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I ước tính là 6,47%, trong đó khu vực đô thị là 9,51%, khu vực nông thôn là 5,35%. Đáng chú ý là nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 192,5 nghìn người (chiếm 18,1% tổng số người thất nghiệp).
Trong năm 2017, dự báo tình trạng thất nghiệp rất khó cải thiện khi mà cơ cấu lao động chưa có sự cân bằng và các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tự động hóa. Các chuyên gia ước tính năm 2017, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở mức khoảng 1,1 triệu người. Trong đó, số lao động có trình độ đại học thất nghiệp sẽ tăng nhiều hơn khoảng 200.000 người.
Nguyên nhân thất nghiệp
Thứ nhất, khả năng ngoại ngữ kém, các kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình…) còn yếu. Trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, các công ty trong nước cũng có xu hướng gia tăng liên kết với nước ngoài, đòi hỏi lao động phải có trình độ ngoại ngữ nhất là tiếng Anh. Người lao động phải đáp ứng đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc viết, thành thạo thì mới có cơ hội trúng tuyển. Trong khi đó, nền giáo dục của Việt Nam thì ngoại ngữ chưa được đào tạo đúng chuẩn mực và chiều sâu từ tiểu học đến đại học. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trung tâm dạy tiếng Anh uy tín được mở ra giúp các bạn trẻ khắc phục yếu điểm về ngoại ngữ, nếu các bạn có nền tảng ngoại ngữ tốt thì cơ hội việc làm sẽ cao hơn (vì các trường học chủ yếu thiên về ngữ pháp hơn là giao tiếp). Bên cạnh đó nhiều bạn trẻ e ngại khi phải nói trước đám đông, từ chối cơ hội phát biểu hay thuyết trình ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Chính điều đó đã tạo nên hạn chế khi họ tham gia tuyển dụng.
Thứ hai, kỹ năng làm việc và tay nghề của người lao động vẫn còn yếu. Đây cũng là nguyên nhân trọng yếu dẫn đến thất nghiệp xuyên suốt các năm vừa qua. Người lao động muốn tìm việc nhưng văn hóa, tay nghề còn kém, chưa có kinh nghiệm trong công việc. Các công ty, xí nghiệp hiện nay ngày càng đòi hỏi cao về kỹ năng, tay nghề cũng như kinh nghiệm của người lao động, song hiện nay đa số lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Thứ ba, yêu cầu của người sử dụng lao động cao hơn so với năng lực của người lao động. Đây thường là khó khăn đối với lao động trẻ tham gia tuyển dụng vào các công ty, xí nghiệp. Những sinh viên mới ra trường, tuy chưa đủ năng lực, trình độ đảm nhận các vị trí trong doanh nghiệp, song lại đòi hỏi lương cao và nhiều đãi ngộ trong công việc. Nhiều công ty chấp nhận đào tạo sinh viên mới ra trường, nhưng không phải ai cũng chấp nhận đào tạo lại để bổ sung kiến thức, mà luôn muốn được hưởng mức lương cao hơn so với năng lực thực sự của bản thân.
Thứ tư, nhiều sinh viên khi ra trường không thích vào làm việc ở các doanh nghiệp mà muốn vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước. Họ sẵn sàng chờ đợi một thời gian dài (thường là 6 tháng đến 1 năm, thậm chí là 2 năm) sau khi ra trường để được tham gia vào các đợt thi công chức, viên chức hay dành 1 suất trống khi có người nhà về nghỉ theo chế độ. Chính vì thế mà họ đã vô tình bỏ lỡ các cơ hội khác.
Thứ năm, năng lực thực sự của người lao động lại không đồng nhất với tấm bằng mà họ đang có. Hiện nay, các nhà tuyển dụng không chỉ nhận người thông qua bằng cấp, mà họ rất chú ý tới khả năng tư duy của người lao động thông qua phỏng vấn hoặc thi tuyển. Cho nên nhiều trường hợp người có bằng giỏi thì bị loại, còn người có bằng trung bình lại trúng tuyển.
Thứ sáu, thị trường lao động luôn luôn biến động. Trên thực tế, nhiều ngành nghề có thể lúc này rất cần, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại dư thừa, do ngành đó hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Do không nắm bắt được những đặc điểm này để có sự lựa chọn phù hợp dẫn tới nhiều sinh viên khi ra trường đã không tìm được việc làm phù hợp.
Thứ bảy, số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm quá lớn. Việt Nam có hơn 500 trường đại học, cao đẳng, với điểm chuẩn đầu vào phần lớn của các trường lại không cao dẫn tới tình trạng sinh viên tốt nghiệp tăng vọt.
Như vậy, có thể thấy việc thất nghiệp của sinh viên mới ra trường không thể chỉ đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan mà cần phải xem xét lại nguyên nhân chủ quan bắt đầu từ chính bản thân của mỗi người lao động.
Biện pháp khắc phục
Trước tiên, mỗi sinh viên phải tự ý thức được trình độ, khả năng của mình để hiểu được mình đã có những gì và thiếu gì, đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm yêu cầu của nhà tuyển dụng để trau dồi, bổ sung thêm. Tự bản thân mỗi người cần bổ sung những kiến thức còn thiếu, như khả năng tiếng Anh giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, cũng như khả năng thuyết trình. Nếu thấy thiếu kỹ năng nào thì bổ sung ngay kỹ năng ấy, tránh tình trạng chỉ vì một lý do chủ quan nào đó mà để mất đi cơ hội tìm việc làm.
Phải tận dụng mọi cơ hội đến với mình. Việc nắm bắt cơ hội là cần thiết, bởi bỏ lỡ một cơ hội chúng ta sẽ khó tìm được cơ hội nào như thế. Thay vì thời gian chờ đợi quá lâu cho một công việc, chúng ta có thể tìm kiếm một công việc khác trong lúc chờ đợi, chứ đừng để kỹ năng mai một theo thời gian.
Đừng quá câu nệ vào việc phải làm một công việc đúng với ngành nghề mà mình đã học. Đôi khi với điều kiện tiếng Anh, kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm… tốt, chúng ta vẫn có thể kiếm được việc làm mà không cần tới bằng cấp.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nghiên cứu kỹ xu hướng của thị trường, cũng như cập nhật thông tin thường xuyên để có cái nhìn và hướng đi tốt nhất cho bản thân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Thu Trang