Số vụ trẻ em đuối nước tăng bất thường tại Đắk Lắk
Hiện trường một vụ trẻ em tử vong do đuối nước tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Lao Động
Ngày 9.8, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk thông tin, từ đầu năm đến nay, địa phương có khoảng 60 trẻ em tử vong do đuối nước, cao nhất so với số liệu đối chiếu trong cùng kỳ 5 năm qua. Đây là con số tăng cao "bất thường", rất đáng báo động.
Trong đó, những địa phương có số lượng trẻ em tử vong do đuối nước bao gồm huyện Krông Pắk với 6 trường hợp; huyện Krông Búk có 6 trường hợp; huyện Ea Kar với 5 trường hợp và đặc biệt là huyện Krông Năng với 7 trường hợp...
Ông Nguyễn Duy Tuyết - Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk nhận định: "Sở dĩ việc trẻ em ở địa phương tử vong do chết đuối tăng cao có một phần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên một số hoạt động chưa triển khai thực hiện như Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp tỉnh.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tại một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền, giám sát, cảnh báo những địa điểm nguy hiểm dẫn đến tình hình trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước xảy ra và có chiều hướng gia tăng".
Theo ông Tuyết: Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên kiêm nhiệm công tác trẻ em ở thôn, buôn, tổ dân phố mặc dù đã được bố trí nhưng thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong công tác quản lý, triển khai các chính sách cho trẻ em cũng như công tác tập huấn, bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc với trẻ em, kỹ năng tổ chức các hoạt động cho trẻ em, năng lực hoàn thành các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế.
Công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP đang còn nhiều lúng túng, chưa theo quy trình, chưa xác lập hồ sơ quản lý trường hợp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.