Tài chính doanh nghiệp Việt khó khăn vì đại dịch Covid- 19

2020-04-06 11:13:12 0 Bình luận
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là rất nặng nề làm cho bức tranh kinh tế toàn cầu rất ảm đạm. Để đối phó sự khủng hoảng suy thoái các nước đã tung ra nhiều gói giải cứu nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của suy thoái.

Doanh nghiệp Việt rút khỏi thị trường

Nhiều doanh nghiệp (DN) do khó khăn và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong tháng 3, cả nước có đến 6.553 DN rút khỏi thị trường và gần 5.920 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, lần lượt tăng 55,5% và 59,9% so với cùng kì năm ngoái. Như vậy, số DN rút khỏi thị trường từ đầu năm đến nay lên đến 34.890, cao hơn số lượng thành lập mới đến 5.200 DN. Ngoài ra, theo dữ liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số DN quay trở lại hoạt động trong tháng này cũng chỉ đạt 3.423 DN, giảm gần 30% so với cùng kì năm ngoái; trong khi tỉ lệ này trong tháng 3/2019 tăng đến hơn 170% so với tháng 3/2018.

Theo cơ quan quản lí việc đăng ký kinh doanh, tính chung trong quí đầu tiên của năm 2020, các số liệu về tình hình đăng kí DN cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng DN. Thể hiện ở mức tăng trưởng thấp về lượng DN thành lập mới, sự giảm sút về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, qui mô DN và sự gia tăng mạnh mẽ của số DN ngừng hoạt động trong ngắn hạn.

Trong quí 1/2020, cả nước có hơn 29.700 DN thành lập, tăng 4,4% so với cùng kì năm ngoái. Đây là một tín hiệu lạc quan song trên thực tế, mức tăng trưởng số DN thành lập mới của quí 1/2020 là mức thấp nhất của quí 1 trong suốt 5 năm vừa qua, từ 2015-2019 (so với mức tăng trung bình là 10,9%). Điều này cho thấy những ảnh hưởng đang ngày một rõ rệt của dịch Covid-19 đến hoạt động của cộng đồng DN trong nước nói chung. Chưa kể, số DN mới thành lập vẫn còn thấp hơn đến khoảng 5.200 so với tổng số DN gặp khó khăn phải rời khỏi thị trường trong cùng thời gian này.

Theo các nhà phân tích, DN rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng làm ăn hiện nay, đó là tâm lí của các chủ DN: nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa DN vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi từ đó mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa, nhiều đơn vị thực sự đóng cửa hoàn toàn ở thời điểm này.

Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số DN tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số DN giải thể, và chờ giải thể. Cụ thể trong quí 1/2020, có gần 34.890 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: gần 18.600 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 26%), 12.178 DN chờ giải thể (giảm 20,6%), 4.115 DN hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 0,02%). Trung bình mỗi tháng có 11.630 DN rút lui khỏi thị trường.

Theo dữ liệu lịch sử thì tỉ lệ gia tăng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của quí 1 hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 không có sự đột biến, với mức trung bình khoảng 20%. Tuy nhiên, số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn quí 1/2020 là gần 18.600 DN, tăng 26% với cùng kì năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng kí tạm ngừng kinh doanh trong quí 1 giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của DN.

Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở 15/17 lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực mà các DN đang gặp phải khó khăn có tỉ lệ DN tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là: kinh doanh bất động sản (493 DN, tăng 94,1% so với cùng kì năm ngoái); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (có 135 DN, tăng 39,2%). 

 

Dịch vụ việc làm và du lịch dù có số DN phải rời thị trường lên đến 1.037; hay vận tải kho bãi có 1.129 DN rời thị trường trong quí này. Các lĩnh vực khác cũng ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh covid-19 là dịch vụ lưu trú và ăn uống với số DN rời thị trường là 936 DN; giáo dục và đào tạo có 305 DN.

Bên cạnh đó, số DN quay trở lại hoạt động trong quí 1/2020 là 14.810 DN, giảm 1,6% so với cùng kì năm 2019, trong khi tỉ lệ này của quí 1/2019 so với quí 1/2018 tăng đến 78,1%.

Ngoài ra, trong quí 1/2020, trên cả nước có 11.427 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng kí, tăng 20,2% so với cùng kì năm 2019. Đây là những DN không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng kí, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được. Những DN này có thể đang hoạt động, đã chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước hoặc đã ngừng hoạt động nhưng không đăng kí.

Số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đăng kí tập trung chủ yếu ở các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (3.790 DN, chiếm 33,2%); xây dựng (1.803 DN, chiếm 15,8%); công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.329 DN (chiếm 11,6%).

Tổng số vốn đăng kí bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2020 là 903.788 tỉ đồng (giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm: số vốn đăng kí của DN đăng kí thành lập mới là 351.369 tỉ đồng (giảm 6,4%) và số vốn đăng kí tăng thêm của các DN là 552.419 tỉ đồng (giảm 23,5%) với 9.060 DN đăng kí tăng vốn.

Bên cạnh đó, các số liệu khác về tình hình đăng kí kinh doanh trong 3 tháng qua phản ánh rõ nét sự ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19. Cụ thể, tổng số lao động đăng kí của các DN thành lập mới trong quí 1/2020 là 243.711 lao động, giảm 23,3% so với cùng kì năm 2019.

                                                                       

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước

Nước ngoài gia tăng “thâu tóm” DN Việt

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2020 bao gồm vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 8,6 tỉ USD, giảm 20,9% so với cùng kì năm trước. Cụ thể, có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng kí đạt 5,5 tỉ USD, giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng kí so với cùng kì năm trước. Ngoài ra, có 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng kí điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỉ USD, giảm 18%.

Có 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỉ USD, giảm 65,6%, bao gồm: 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của DN với giá trị góp vốn là 0,71 tỉ USD, và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỉ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quí 1 năm nay ước tính đạt 3,9 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng kì năm trước.

Có sự gia tăng mạnh về lượt mua cổ phần và góp vốn vào DN Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian diễn ra dịch bệnh do Covid-19. SaraminHR, nền tảng tuyển dụng niêm yết trên sàn KOSDAQ gần đây đã đặt chân vào thị trường Việt Nam thông qua việc công bố đầu tư chiến lược vào nền tảng tuyển dụng IT TopDev. Giá trị thương vụ không được tiết lộ, tuy nhiên theo thông tin từ TopDev, SharaminHR sẽ đóng góp vào chiến lược phát triển của công ty trong thời gian tới. Lý do SaraminHR rót vốn vào TopDev vì đây là một nền tảng tuyển dụng và việc làm dành riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), nơi sở hữu hàng trăm ngàn hồ sơ lập trình viên, với các khách hàng là hầu hết các công ty công nghệ tại Việt Nam và khu vực.

Cũng không khó hiểu về việc đầu tư của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc này bởi lẽ ngành IT của Việt Nam được đánh giá là đang trên đà phát triển mạnh kéo theo nhu cầu về nhân lực trong ngành này tăng đột biến, phong trào startup cùng với chuyển đổi số (digital transformation),...

SaraminHR đã từng thành công tại Hàn Quốc với những nền tảng công nghệ Big Data và Trí tuệ nhân tạo (AI). Đại diện Saramin cho rằng thương vụ đầu tư chiến lược vào TopDev là bước đầu tiên trong kế hoạch mở rộng thị trường toàn cầu của Saramin.

SaraminHR chỉ là một trong số hàng trăm DN nước ngoài đã rót vốn đầu tư hoặc mua cổ phần của DN Việt Nam trong thời gian diễn ra dịch bệnh do Covid-19 gây ra.

Chỉ tính riêng trong tháng 3 vừa qua, tháng bị ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19, cũng là khoảng thời gian có lượng nhà đầu tư ngoại rót vốn đầu tư, mua cổ phần của DN Việt Nam tăng cao. Cụ thể theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 3, cả nước có đến 940 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là hơn 1,172 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt DN ngoại “thâu tóm” hoặc đầu tư vào DN trong nước tăng đến 324 lượt (tăng gần 35%) và hơn 662 triệu USD (tức tăng hơn 56%). Và nếu so với hai tháng liền kề trước đó thì số vốn góp và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 3 rồi cũng vượt xa.

Trên thực tế, nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giữa mùa dịch Covid-19 bị rớt xuống thê thảm khiến nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính mạng và có nhiều kinh nghiệm trên thương trường có thể nhanh chân “thâu tóm”. Tất nhiên, dịch bệnh này không chừa bất cứ một ai, nhưng “sức khỏe” của phần lớn nhà đầu tư ngoại được đánh giá bền bỉ hơn DN trong nước vốn chủ yếu có qui mô nhỏ, sức đề kháng thấp dễ bị tổn thương.

Nếu như trong điều kiện kinh doanh bình thường, các nhà đầu tư ngoại khó có thể mua được cổ phiếu giá thấp hoặc thậm chí không thể mua được cả ở giá cao vì DN không bán ra. Nhưng tình hình dịch bệnh hiện nay đã khác, nhà đầu tư nào có tiềm lực tài chính giờ đây có thể mua được cả hai gồm cổ phiếu giá thấp và cổ phiếu DN mà trước đây họ không mua được.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục có những phiên bán tháo do những lo ngại về sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giá cổ phiếu được sử dụng làm tài sản thế chấp lao dốc trở thành mối quan tâm của không ít nhà đầu tư.

Trên thực tế, theo nhiều DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, giữa thời kỳ dịch Covid-19 này, thị giá cổ phiếu rơi về vùng giá rất thấp và không ít giá cổ phiếu rơi quá xa giá trị thật. Do đó, DN niêm yết trên thị trường hiện nay không những phải lo tổ chức hoạt động kinh doanh, mà còn phải lo đối ứng với tâm lý đám đông bán tháo cổ phiếu.

Nhiều DN có qui mô lớn đã hành động mua vào cổ phiếu của chính mình, nhằm bình ổn tâm lí cho nhà đầu tư. Và không ít DN lập kế hoạch chi cả ngàn tỉ đồng để mua cổ phiếu quỹ, coi đây là một “đơn thuốc” khẩn cấp nhằm cứu giá cổ phiếu, đồng thời tăng “kháng thể” cho DN nhằm phòng ngừa nguy cơ bị thâu tóm.

Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, hiện các DN trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn và dịch bệnh do Covid-19, trong đó có nguy cơ bị thâu tóm bởi các DN nước ngoài.

Không ngẫu nhiên mà gần đây Văn phòng UBND TP.HCM cũng có thông tin về việc lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản trong thời gian qua trước làn sóng DN ngoại đổ xô vào thị trường nhà đất Việt Nam.

UBND TP.HCM yêu cầu Sở Xây dựng làm rõ các xu hướng đầu tư trên thị trường, các bất cập trong công tác quản lí để tham mưu giải pháp quản lí, giám sát phù hợp.

Nếu dịch bệnh kéo dài thì khả năng “rơi rụng” hoặc bị “thâu tóm” của DN trong nước sẽ là rất cao. Bỏ qua dịch bệnh do Covid-19, nhìn lại mức tăng trưởng kinh tế những năm gần đây và hướng về tương lai gần, Việt Nam có nhiều triển vọng về phát triển kinh tế và lợi thế ổn định chính trị là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tìm đến.

Trong quí 1/2020, cả nước có 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỉ USD, bao gồm: 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của DN với giá trị góp vốn là 710 triệu USD và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỉ USD.

Dự báo khi dịch Covid-19 đi qua, khả năng giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) ở thị trường trong nước sẽ tăng cao đáng kể. Hồi đầu năm nay, hãng tin Nikkei cũng cho rằng M&A sẽ tăng mạnh ở Đông Nam Á trong năm 2020 này và các công ty Việt Nam trở thành mục tiêu ưa thích hàng đầu của các tập đoàn lớn.

Các thương vụ góp vốn, mua cổ phần sẽ giúp DN tăng vốn điều lệ được đánh giá là tích cực, khi làm tăng nội lực tài chính của đơn vị, mở rộng và đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, đặc biệt là cổ đông chiến lược, để tận dụng khả năng quản trị, các quan hệ kinh doanh, chuỗi cung ứng, tăng lợi thế cạnh tranh.

Ngược lại, với các thương vụ không làm tăng vốn điều lệ, thường diễn ra dưới các hình thức cổ đông trong nước thoái vốn, hoặc chính DN tự bán mình. Nguyên nhân có thể vì chủ công ty nhận thấy khả năng cạnh tranh đã suy yếu trong môi trường khốc liệt hiện nay, nên quyết định chuyển nhượng DN trước khi quá muộn.

Các cổ đông lớn cũng không tin tưởng vào triển vọng phát triển của DN, do đó thoái vốn dần cho những đối tác mới là các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có tiềm lực tài chính mạnh nên sẵn sàng trả giá ở mức chấp nhận được.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Cựu chiến binh xã Quảng Lưu xây dựng quỹ kết nối con em đồng hương ở TP.HCM

Sáng 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 10:25:00
Đang tải...