Người khuyết tật với bài toán cơ hội việc làm
Theo VietnamPlus, hiện tại ở Việt Nam có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%. Cả nước có 342.329 gia đình, cá nhân nhận đang chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Con số thống kê cho thấy người khuyết tật ở Việt Nam chủ yếu thuộc hộ nghèo, chưa bao giờ đi học hoặc không có bằng cấp, nằm trong độ tuổi lao động, sống ở nông thôn. Công việc chính của họ là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp; công việc không ổn định và thu nhập thấp. Vì vậy, những người khuyết tật chỉ có thể xây dựng một cuộc sống ổn định, thoát khỏi cảnh nghèo khó khi họ có tay nghề và có một việc làm ổn định.
Tăng cơ hội việc làm, giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống (Ảnh minh họa).
Chia sẻ với Tuổi trẻ Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách về tài chính hỗ trợ người khuyết tật học nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động nhận người khuyết tật vào làm việc, hỗ trợ những người khuyết tật có ý tưởng mở cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề hỗ trợ người khuyết tật và tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm hướng đến đối tượng người khuyết tật, tạo sự trợ giúp tốt nhất để người khuyết tật hòa nhập và có cuộc sống hoàn toàn bình thường.
Theo báo Thanh tra, số lượng người khuyết tật được học nghề, có việc làm còn hạn chế; thiếu chương trình, giáo viên, tư vấn nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật; nguồn lực và chính sách vẫn chưa phù hợp; trình độ học vấn của người khuyết tật thấp cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân người khuyết tật và gia đình cũng là rào cản, hạn chế nhiều cơ hội tiếp cận việc làm, nghề nghiệp của họ. Đáng lưu ý, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc chưa thật sự hiệu quả.
Để bảo đảm quyền có việc làm của người khuyết tật, thời gian tới, các cơ quan chức năng liên quan cần chú trọng một số giải pháp trọng điểm hỗ trợ người khuyết tật. Bên cạnh đó, bản thân người khuyết tật, gia đình người khuyết tật phải chủ động tìm kiếm thông tin, nắm rõ các quyền của mình.
Ngoài ra, để giúp người khuyết tật có cơ hội học nghề, có việc làm, cần phải phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các hội bảo vệ quyền của người khuyết tật. Đặc biệt, cần thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm khẳng định quyền của người khuyết tật và thay đổi nhận thức về mong muốn và khả năng của người khuyết tật. Từ đó, giúp người khuyết tật tăng cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống và hoà nhập với cộng đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.