Thanh Hóa hợp tác du lịch với 6 tỉnh thành Đông Nam Bộ
Hội nghị nhằm giới thiệu các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc của tỉnh Thanh Hoá đến với thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Qua đó, tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp, đơn vị du lịch, dịch vụ giữa các địa phương gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội liên kết. Đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh doanh; khai thác các tour du lịch cho du khách trong và ngoài nước thông qua đường bay TP Hồ Chí Minh - Thanh Hoá. Qua đó, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng sản phẩm du lịch giữa các tỉnh/thành phố.
Đại diện tỉnh Thanh hóa trao quà lưu niệm đến lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh/thành tham gia chương trình liên kết du lịch - Ảnh: Thuận Văn.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận, Thanh Hoá luôn xác định TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ là thị trường du lịch trọng điểm, có khả năng thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế. Chính vì vậy, hằng năm, ngành du lịch tỉnh Thanh Hoá thường xuyên tham gia xúc tiến du lịch tại hội chợ du lịch quốc tế và ngày hội du lịch tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, phóng viên báo chí của các tỉnh Đông Nam Bộ về khảo sát, xây dựng các tour, tuyến kết nối đưa khách đến Thanh Hoá…
Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có khoảng 1.200 khách sạn, nhà nghỉ với 15.000 phòng, hơn 350 căn hộ, biệt thự du lịch; 192 homestay. Trong đó có 215 khách sạn 1-5 sao; có trên 1.000 nhà hàng ăn uống du lịch và 10 trung tâm mua sắm có quy mô lớn. Trong những năm qua, du lịch Thanh Hóa luôn đứng trong top đầu của nước về thu hút khách du lịch. Năm 2022, tổng lượt khách đến Thanh Hoá đạt 11.038.000 lượt khách, với tổng thu du lịch đạt 20.060 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa đón được hơn 10 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 19.642 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thi kỳ vọng qua hội nghị các đơn vị kinh doanh du lịch của tỉnh Thanh Hoá và các địa phương sẽ gặp gỡ, hợp tác để đem lại sản phẩm, dịch vụ du lịch hoàn chỉnh với chất lượng cao... Ảnh: Thuận Văn
Phát biểu chào mừng tại hội nghị, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thông tin, tính đến nay, Thành phố đã liên kết du lịch với 5 vùng, khoảng 49 tỉnh/thành trên cả nước. Để hoạt động liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa và 5 tỉnh Đông Nam Bộ ngày một thiết thực, hiệu quả và đóng góp phát triển cho ngành du lịch Việt Nam. Ông Dương Anh Đức bày tỏ mong muốn các địa phương chủ động hơn trong việc hoàn thiện các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng địa phương. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết du lịch, đẩy mạnh các chương trình tour du lịch mới, xây dựng hình ảnh, quảng bá ngành du lịch với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Dương Anh Đức thông tin du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố (chiếm 10 – 12% GDP, thời điểm trước dịch COVID-19). Lượng khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh chiếm 50% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam - Ảnh: Thuận Văn
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin, trong tháng 7 và 8/2023 lượng khách du lịch quốc tế tăng liên tiếp mặc dù chưa vào mùa cao điểm. Ghi nhận trong tháng 7, ngành du lịch Việt Nam đón khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế, tháng 8 ước tính đón khoảng 1,2 triệu khách quốc tế. Thống kê trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch nước ta đón khoảng 7,8 triệu khách quốc tế, 86 triệu khách nội địa. Về lượng khách quốc tế, ngành Du lịch có nhiều khả năng sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, thậm chí còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm. Nhất là sau khi một số chính sách tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam vừa có hiệu lực.
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tin tưởng rằng Hội nghị là ví dụ rõ nét trong số những nỗ lực đưa liên kết, hợp tác du lịch của các địa phương đi vào thực chất, hiệu quả đúng với kim chỉ nam ngành du lịch Việt Nam định hướng trong thời gian tới - Ảnh: Thuận Văn.
Nhằm thực hiện hiệu quả việc hợp tác du lịch đi vào thực chất, có chiều sâu, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị tỉnh Thanh hóa và các tỉnh/thành cùng thực hiện 4 nội dung: (1) Xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, cụ thể hóa hoạt động liên kết hàng năm, bố trí kinh phí triển khai phù hợp thực tiễn; (2) Cùng chú trọng phát triển chuỗi sản phẩm địa phương đặc trưng, chất lượng, có tính cạnh tranh và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nâng tầm du lịch và tăng cường trao đổi khách du lịch giữa các địa phương tham gia liên kết; (3) Cụ thể hóa kế hoạch hành động theo Nghị quyết số 82/NQ-CP gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; (4) Đề nghị các doanh nghiệp du lịch và cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ các địa phương trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch...
Đại diện lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu ký kết chương trình liên kết, hợp tác du lịch trong thời gian tới - Ảnh: Thuận Văn.
Du lịch Thanh Hóa ‘Hương sắc bốn mùa”
Thanh Hóa hội tụ đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế là vùng núi và trung du, vùng đồng bằng và vùng ven biển; đồng thời sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế (1 Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt: Di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn); tài nguyên du lịch tự nhiên nổi trội (102 km đường bờ biển và nhiều bãi biển đẹp nhất khu vực phía Bắc như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa – Nghi Sơn…, cùng với đó là nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Suối cá thần Cẩm Lương, Thắng cảnh Hàm Rồng - Sông Mã…) và trên 300 lễ hội văn hóa đặc sắc, ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn…
Guồng nước Pù Luông địa điểm check in nổi tiếng của huyện Bá Thước.
Đền Cô Tiên, địa điểm du lịch văn hóa đặc sắc của TP Sầm Sơn.
Hồ Sông Mực - Vườn quốc gia Bến En (huyện Như Thanh).
Một phần Vườn quốc gia Bến En.
Du lịch đô thị: Toạ lạc trên vùng đất cổ của nền văn hoá Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa mà còn là nơi hội tụ của nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử - văn hoá cách mạng như Di chỉ văn hóa Đông Sơn, Cầu Hàm Rồng, Động Tiên Sơn, Núi Rồng - Sông Mã, Đồi Quyết Thắng....đây là tâm điểm tỏa ra các vùng miền, các điểm du lịch được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn: Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Suối cá Cẩm Lương, Vườn Quốc gia Bến En, biển Sầm Sơn, Nghi Sơn...
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa).
Hình ảnh Cầu Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).
Tượng đài vua Lê Lợi (TP Thanh Hóa).
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa nơi lưu giữ 3 bảo vật quốc gia "độc nhất vô nhị" gồm: Vạc đồng Cẩm Thủy; Trống đồng Cẩm Giang; Kiếm ngắn núi Nưa.
Đền thờ các Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ TP Thanh Hóa.
Du lịch biển và đảo: Thanh Hóa sở hữu đường bờ biển dài hơn 102 km, có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch biển - đảo, với các khu, điểm du lịch nổi tiếng như biển Sầm Sơn, biển Hải Hòa, biển Hải Tiến, biển Quảng Xương, Bán đảo Nghi Sơn....Trong đó, Sầm Sơn được biết đến là Khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng của Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX do người Pháp phát hiện và khai thác...
Biển Sầm Sơn (Thành phố ven biển tỉnh Thanh Hóa).
Cầu cảng Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa).
Du lịch văn hóa và lịch sử: Trong lịch sử dân tộc, Thanh Hóa là quê hương của những vị vua anh minh, những anh hùng nổi tiếng, những nhân tài kiệt xuất. Chứng tích còn để lại là hàng loạt những di tích, đền chùa, miếu mạo, kinh thành xưa như: Đền Bà Triệu, Đền thờ Lê Hoàn, Đền thờ Lê Lai, Lam Kinh, Phủ Trịnh và Nghè Vẹt... Trong đó có di tích Thành Nhà Hồ đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới cùng với 5 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt: Khu di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Khu di tích Bà Triệu (huyện Hậu Lộc), Hang Con Moong (huyện Thạch Thành), Đền thờ Lê Hoàn (huyện Thọ Xuân) và di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Sầm Sơn (Tp Sầm Sơn).
Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc).
Cây Đa Thị - Khu di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân).
Một thoáng Lam Kinh.
Du lịch sinh thái và cộng đồng
Bản Báng - Khu du lịch Pù Luông (huyện Bá Thước).
Cầu treo vào Suối Cá (huyện Cẩm Thủy).
Suối Cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy).
Hình ảnh các thiếu nữ bên Thác Hiêu (huyện Bá Thước).
Thiếu nữ lang canh hòa mình bên những cánh đồng ruộng bậc thang bất tận.
Làng nghề truyền thống: Đến xứ Thanh, du khách không chỉ tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh, trải nghiệm du lịch cộng đồng và du lịch biển mà còn có cơ hội khám phá nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Chiếu cói Nga Sơn, Mộc Đạt Tài, Đá mỹ nghệ Nhồi, đúc đồng Thiệu Hóa...
Làng nghề đúc đồng Thiệu Hóa truyền thống.
Những giá trị văn hóa phi vật thể: Trải qua những thăng trầm lịch sử, Thanh Hóa lưu giữ trong lòng một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú và độc đáo với hàng trăm lễ hội truyền thống: lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triều, lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Bánh Chưng bánh Dày, lễ hội Mai An Tiêm, lễ hội Đền Đồng Có, lễ hội Mường Xia, lễ hội Mường Khô, lễ hội Mường Ca Da... Bên cạnh đó là kho tàng dân ca đặc sắc và các trò chơi trò dân gian như: trò Xuân Phả, hát múa Đông Anh, hò Sông Mã, trò Chiêng, hát nhà trọ Văn Trinh, khắp Thái, Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy, múa Pồn Pôông, Khua luống Tết nhảy Dao hát Séc bùa...
Nghi thức rước kiệu Vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc Vương Lê Lai.
Lễ hội Lam Kinh (huyện Thọ Xuân).
Hình ảnh Trò Xuân Phả - các trò diễn dân gian mô tả cảnh 5 quốc gia cổ đem lễ vật cùng với những tiết mục múa hát đặc sắc của quốc gia họ để chúc mừng Hoàng đế xưa.
Văn hóa ẩm thực: Đi khắp xứ Thanh, bất cứ nơi nào du khách cũng có thể gặp được những món ăn ngon mang đậm bản sắc địa phương như: nem chua, bánh lá răng bừa, chè lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng, chả tôm, gỏi nhệch Nga Sơn... Từ những món ăn chơi cho đến những món ăn cầu kỳ, độc đáo, một lần thưởng thức ẩm thực nơi đây bạn sẽ muốn trở lại nơi đây thêm nhiều lần nữa.
Chả Tôm Thanh Hóa.
Đặc sản Gỏi Nhệch Nga Sơn.
Bánh lá Răng Bừa.
Đặc sản Nem chua.
Tạp chí điện tử Hòa Nhập chân thành cảm ơn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ một số hình ảnh quảng bá du lịch của tỉnh trong bài viết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.