Thanh niên khuyết tật thu tiền triệu từ thứ cỏ dại- "kẻ thù" của nông dân
Người đàn ông kỳ lạ đó là anh Lê Văn Tuân (38 tuổi), trú thôn Thượng Hậu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Anh vốn bị dị tật ở chân bẩm sinh, sức khoẻ yếu và thường xuyên phải đến bệnh viện nhiều hơn đến trường.
Học đến 11, bệnh tình nghiêm trọng buộc anh phải nghỉ học. Thế nhưng, chàng trai đã vượt lên nghịch cảnh để tìm tòi để phát triển kinh tế. Với niềm đam mê khôi phục lại những nguồn nguyên liệu hiếm có từ xa xưa, anh Tuân đã bén duyên với mô hình trồng cây cỏ cú mật.
Anh chàng khuyết tật thành công với mô hình có 1-0-2 (Ảnh: Thanh niên)
Theo anh Tuân, cây cỏ cú mật có rất nhiều loại, trong đó loại cú mật chính là một phương thuốc cổ truyền, rất tốt cho sức khỏe. Cỏ cú mật mà anh trồng có củ màu màu huyết thẫm, lá dài không có lông măng, rễ đâm sâu xuống đất và mùi thơm.
Năm 2018, tận dụng gần 800m2 đất vườn, anh Tuân bắt đầu với mô hình trồng cây cỏ cú mật. Vụ đầu tiên khá thành công khi thu về gần 1 tạ củ cây cú mật. Sau khi thu hoạch, củ được rửa sạch, phơi khô và bán ra với giá từ 300.000-350.000 đồng/kg, vụ đó thu về 30 triệu đồng.
Cây cỏ cú mật rất dễ trồng, không phải chăm sóc nhiều (Ảnh: Thanh niên)
Anh Tuân cho biết, cây cỏ cú mật cực kỳ dễ trồng và chẳng phải chăm sóc nhiều, bởi loại cỏ dại này phát triển rất mạnh trong tự nhiên, trồng trên cát thì sẽ cho củ to và đẹp hơn. Hiện nay trên thị trường cũng rất nhiều người tìm mua củ cú mật về để đun với nước uống hoặc nghiền thành bột chế biến thực phẩm giúp cải thiện sức khỏe.
"Khi mình đi tìm cây cú mật về gây giống rồi trồng ở vườn nhà, ai cũng tò mò và chẳng hiểu mình mang cái loại cỏ "quái quỷ" đó về trồng làm gì, vì người ta diệt đi còn không được. Thế nhưng người không tìm hiểu thì rất khó phân biệt cú mật với các loại cỏ cú khác. Trong mùa vụ đầu tiên, mình thu được gần 1 tạ, vẫn là chưa đủ để đáp ứng đầu ra. Vụ này mình trồng nhiều hơn và gần như họ đặt mua hết rồi", anh Tuân chia sẻ.
Củ của cỏ cú mật có công dụng rất tốt cho sức khoẻ (Ảnh: Thanh niên)
Trong tương lai, anh Tuân dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ cú mật, tận dụng củ cây cú mật để sản xuất tinh bột, ngâm rượu và chế biến nước hoa, cố gắng nâng tầm loại cây này thành một đặc sản trên vùng quê của mình.
Mô hình kinh tế của anh Tuân được ông Ngô Lê Duy, Bí thư Huyện đoàn Quảng Ninh đánh giá cao. Song song với đó, anh là thành viên của Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật huyện Quảng Ninh, rất tích cực tham gia các hoạt động nhất là hoạt động từ thiện.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.