Hà Nội: Nhiều vùng cam, hàng loạt hàng quán đóng cửa nghỉ Tết sớm
Trong những ngày đầu năm 2022, tại nhiều con phố ở các quận "vùng cam" như Long Biên, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… nhiều cửa hàng đã treo biển ngừng kinh doanh, trả mặt bằng. Một số cửa hàng ăn uống, nếu vẫn hoạt động thì chỉ cố gắng cầm cự, khi doanh số bán mang về chỉ bằng 1/3, 1/4 doanh số bán tại chỗ, không đủ tiền nguyên vật liệu.
UBND Hà Nội vừa cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, cho thấy quận Cầu Giấy đã trở thành vùng cam, với 7/8 phường ở cấp độ 3. Dự kiến các hàng quán tại đây phải bán mang về trong thời gian tới. Theo ghi nhận, tại một số tuyến phố chuyên về các cửa hàng thời trang, nhiều cửa hàng treo biển giảm giá từ 50-70% để kích cầu mua sắm.
Tại phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) từ 6/1, hàng loạt cửa hàng bán đồ lưu niệm đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh.
Mặc dù các nhà hàng, dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được phép bán mang về nhưng ghi nhận lúc 10h30 cùng ngày, một số cửa hàng cà phê tại phố Cầu Gỗ vẫn đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh.
Chia sẻ trên báo Lao Động, anh Xuân Hòa (40 tuổi) mở một quán ăn trên đường Trần Phú (quận Ba Đình) cho biết đã mở quán quán ăn trên đường Trần Phú (quận Ba Đình) đã 10 năm nay.
Tuy nhiên, dịch bệnh căng thẳng, không bán được hàng nên trong năm 2021, anh đã phải đóng cửa quán 8 tháng. Vừa mới mở quán lại 1 tháng thì từ ngày 26/12 chỉ được bán mang về do quận Ba Đình trở thành "vùng cam". Chi phí tiền thuê mặt bằng 20 triệu một tháng, nhưng gần như trong một năm trở lại đâytrong một năm trở lại đây quán không bán được gì. Anh Hoà dự định, đến ngày đáo hạn hợp đồng nhà, nếu tình hình dịch bệnh không có dấu hiệu hạ nhiệt thì bắt buộc phải trả mặt bằng chứ không thể "gánh" thêm được nữa.
Không chỉ chủ kinh doanh, mà những người lao động làm thuê cũng nơm nớp nỗi lo kinh tế của một năm vừa qua. Theo Zing, anh Phạm Văn Sinh (31 tuổi, quê Nam Định), nhân viên quán phở trên đường Vũ Phạm Hàm, lên Hà Nội làm thuê nhiều năm nay. Vì dịch bệnh, thu nhập của anh bấp bênh, không đủ để lo cho gia đình.
"Năm nay, nếu hàng quán cứ đóng, mở liên tục thế này, có lẽ tôi sẽ tìm công việc khác chứ thu nhập bấp bênh thì không thể trụ được", anh chia sẻ.
Nhiều nhân viên không dam mơ đến thưởng Tết năm nay.
Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên sức mua giảm, các cửa hàng kinh doanh ế ẩm nên trả mặt bằng, còn các cửa hàng ăn uống bán mang về đòi hỏi các chủ cửa hàng phải linh hoạt hơn và tận dụng những phương tiện công nghệ, phương pháp bán hàng tối ưu nhất.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.