Thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp thứ 6. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với nhân dân, được nhân dân giám sát chặt chẽ.
Quốc hội đã xem xét, quyết định các nội dung: Bầu Chủ tịch nước và thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và thông qua 2 nghị quyết về các nội dung nhân sự này.
Thông qua 9 luật: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14. Trường hợp quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hết thời hạn trước khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt, Chính phủ chỉ đạo việc kéo dài thời hạn quy hoạch theo quy định của pháp luật chuyên ngành có quy hoạch được tích hợp cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định, phê duyệt.
Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để phát huy tối đa vai trò quan trọng của Hiệp định đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Cho ý kiến 6 dự án luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Quốc hội quyết định đưa dự án Luật Hành chính công ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và dừng việc xây dựng dự án Luật này; xem xét, thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019); mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Lấy phiếu tín nhiệm và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Quốc hội yêu cầu các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả và khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Thông qua 4 nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Xem xét các báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia. Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cấp, các ngành, đồng thời biểu dương tinh thần nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các kế hoạch 5 năm 2016-2020 trong nửa nhiệm kỳ qua.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục phát huy mặt tích cực, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; phấn đấu cao nhất trong hai năm 2019-2020 để đạt và vượt các chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020. Giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trước mắt, chỉ đạo các bộ, ngành sớm có cơ chế giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến thanh toán cho nhà đầu tư dự án theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT).
Xem xét báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021.
Xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao năm 2018; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác trong thời gian tới.
Kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian 2 năm kể từ ngày 1/2/2019. Giao Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sớm trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm Luật có hiệu lực trước ngày 1/2/2021.
Giao Chính phủ triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Điều chỉnh nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước được giao theo Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội từ “kiểm toán việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017” sang “kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2017”.
Nghị quyết nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Phổ biến giáo dục pháp luật để sớm đưa luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống; nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến; khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.