Thông tin kinh tế, tài chính ngày 18/6/2021: Nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế 'khủng'
Giá vàng hôm nay 18/6: Bị nhấn chìm liên tục, Mỹ có thể phải tăng sớm lãi suất
Giá vàng hôm nay tiếp tục lao xuống dốc khi giới phân tích nhận định Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản trước năm 2023.
Giá vàng hôm nay của thế giới tiếp tục giảm mạnh
Khoảng 6h ngày 18/6 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.874 USD/ounce, giảm thêm 40 USD/ounce sau khi đã giảm 46 USD vào phiên giao dịch trước. Trước đó, giá vàng SJC tại Việt Nam ngày 17/6 giảm 200.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 56,85 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 7,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ trong hai phiên giao dịch liên tiếp, giá vàng thế giới đã giảm tổng cộng 86 USD/ounce
Giá vàng hôm nay giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu lạm phát tăng cao và các dự báo của Fed cho thấy sẽ có hai lần tăng lãi suất cơ bản vào năm 2023.
Thế nhưng, giới phân tích nhận định với tình hình Covid-19 tại Mỹ và châu Âu lắng dịu, kinh tế thế giới khởi sắc, áp lực lạm phát ngày càng leo thang, Mỹ có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Nhất là khi Ngân hàng JP Morgan (Mỹ) cho rằng việc Fed thay đổi lãi suất chỉ là vấn đề thời gian.
Nhiều người đã dồn vốn vào USD giúp đồng tiền này tăng giá nhiều hơn nữa sau khi đã tăng mạnh vào hôm trước. Vì thế, giá vàng hôm nay tiếp tục gánh chịu áp lực đi xuống.
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Mỹ từ 1,54%/năm vọt lên 1,58%/năm đã kích thích không ít nhà đầu tư thu gom USD để mua trái phiếu, đồng nghĩa dòng tiền chảy vào thị trường vàng hết sức hạn chế. Từ đó, giới đầu tư vàng hốt hoảng nắm giữ vàng có thể thua lỗ.
Thế nên, khi giá vàng thế giới ngày 17/6 từ 1.814 USD/ounce leo lên 1.823 USD/ounce, họ tháo chạy khỏi khỏi thị trường vàng. Lập tức, giá vàng thế giới bị nhấn chìm 53 USD/ounce xuống còn 1.770 USD/ounce lúc 23 giờ cùng ngày.
Đến đầu ngày 18/6, tuy giá vàng hôm nay bật tăng trở lại nhưng do sức mua yếu nên đến 6h cùng ngày chỉ leo lên 1.775 USD/ounce
Trước đó, giá vàng SJC tại Việt Nam ngày 17/6 giảm 200.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 56,85 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 7,5 triệu đồng/lượng.
Chứng khoán sẽ tiếp tục giằng co, làn sóng chốt lời khả năng chưa dứt
Phiên tăng nhẹ 3,4 điểm ngày 17/6 chưa nói lên được điều gì. Đa phần các dự báo cho phiên ngày mai cho rằng thị trường chứng khoán với VN-Index phiên giao dịch ngày 18/6 sẽ tiếp tục giằng co, rung lắc.
Trong phiên giao dịch ngày 17/6, khối lượng và giá trị giao dịch giảm thể hiện sự thận trọng của các nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và VN30 đang cần thêm thời gian giao dịch tích lũy, thị trường chuyển hướng quan tâm nhóm các cổ phiếu vốn hóa vừa (Midcaps) chưa tăng giá nhiều trong thời gian qua, đặt biệt mua mạnh ở các mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt.
Từ đó Công ty chứng khoán Đông Á (DAS) đưa ra dự báo, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ dao động tích lũy đi lên trong những phiên sắp tới khi nhà đầu tư cơ cấu danh mục theo xu hướng cổ phiếu tăng trưởng và dự báo kết quả kinh doanh tốt trong quí II/2021.
DAS khuyến nghị nhà đầu tư có thể giải ngân nắm giữ các cổ phiếu đầu ngành, có kì vọng kết quả kinh doanh quí 2/2021 tăng trưởng tốt.
Có quan điểm tương đồng, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dự báo phiên ngày mai 18/6 thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp và chỉ số VN-Index có thể thử thách lại vùng 1.364-1.370 điểm. Thị trường vẫn tiếp tục ở giai đoạn tích lũy và dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cho thấy các nhà đầu tư vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Nhận định từ Công ty chứng khoán Asean (Aseansc), chỉ số VN-Index được dự báo trong phiên giao dịch tới có thể sẽ tiếp tục trạng thái giằng co tích lũy trong phiên sáng, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán ngân hàng BIDV lại cho rằng, áp lực bán vẫn có thể quay trở lại vào phiên cuối cùng của tuần giao dịch hiện tại ngày 18/6. Dòng tiền đầu tư gia tăng trở lại với 13/19 nhóm ngành tăng điểm trong phiên ngày 17.6, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản không chênh lệch nhiều so với phiên trước.
Theo phân tích kĩ thuật của Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), xu hướng tăng vẫn đang tiếp diễn. Phiên giao dịch ngày 17.6 cho thấy áp lực điều chỉnh có thể đã được rũ bỏ. Từ đó PHS khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc gia tăng thêm một phần nhỏ tỉ trọng vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và được dòng tiền mạnh hướng tới.
Một phân tích kĩ thuật nữa từ Công ty chứng khoán SHS, một khi thị trường chưa đóng cửa tuần trên ngưỡng 1.375 điểm hoặc dưới ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.340 điểm (MA20) thì xu hướng hiện tại vẫn là trung tính.
Chuyển hướng vận tải hàng hóa, ngành đường sắt nỗ lực "giảm lỗ"
Chỉ riêng dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đã có 11.383 vé bị trả lại (gần 4 tỷ đồng). Tiếp đó, trong tháng 5/2021, tổng số đoàn tàu khách cắt giảm là 393 đoàn... có thể thấy trong bối cảnh khá "bi đát" của thị trường vận tải nói chung và ngành đường sắt nói riêng, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã rất nỗ lực "giảm lỗ" khi chủ động chuyển đổi sang vận tải hàng hoá.
Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện từ năm 2020, Tổng Công ty đã chủ trương chuyển đổi từ vận tải khách tập trung sang vận tải hàng hóa. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn dự kiến lỗ, nhưng vận tải hàng hóa đang có sự tăng trưởng khá.
Cụ thể, kết quả 5 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hàng hóa xếp đạt 2.422 nghìn tấn, bằng 126,9% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 713,5 tỷ đồng, bằng 121,8% so với cùng kỳ.
"Tổng Công ty tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch để duy trì chạy tàu hàng liên vận quốc tế, khai thông các nút thắt trong chính sách đường biên của Trung Quốc và tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới vận chuyển trong nước", ông Nguyễn Chính Nam nói.
TP. Hồ Chí Minh: Nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế "khủng"
Theo danh sách nợ thuế đợt 2/2021 vừa được Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh công bố với tổng số nợ hơn 3,7 nghìn tỷ đồng, đáng chú ý là sự xuất hiện của hàng loạt “đại gia” bất động sản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp như Thuduc House, Đức Khải, Novaland Group,…
Cụ thể, nhóm đứng đầu danh sách nợ thuế đợt này là 4 doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) gồm Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức – Thuduc House (mã Ck: TDH) nợ 465 tỷ đồng; Công ty CP Đức Khải nợ 462 tỷ đồng; Công ty CP Cảng Phú Định (thành viên Novaland Group) nợ 249 tỷ đồng và Công ty CP Đầu tư Phát triển Sài Gòn nợ 532 tỷ đồng.
Kế đến là một loạt DN có hoạt động liên quan đến BĐS như Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại – Sản xuất - Xây dựng Đông Mê kông nợ 70 tỷ đồng, Công ty CP Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng nợ 70,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Metro Star nợ 50,3 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ nợ 44,6 tỷ đồng, BĐS Star Beach nợ 44,2 tỷ đồng, BĐS Đông Dương nợ 23,1 tỷ đồng… Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Băng Dương, BĐS Thành Ngân, Công ty CP Đầu tư – Thương mại – Dịch vụ Điện Lực, Địa ốc Sài Gòn Gia Định, Đầu tư và Xây dựng An Thịnh…
Thống kê chung danh sách cho thấy, có tổng cộng 103 doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, với tổng tiền nợ hơn 3,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ trên 200 tỷ đồng có 4 DN, nợ từ 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng có 3 DN, từ 50 tỷ đồng đến 70 tỷ đồng có 7 DN, từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng có 52 DN và số còn lại nợ từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng…
Trong thời gian này, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 30.923 quyết định cưỡng chế nợ thuế với số tiền tương ứng 26.569 tỷ đồng và hiện đã thu hồi được 3.311 tỷ đồng nợ thuế của năm 2020 chuyển sang, tăng 91,83% so với kết quả thu nợ của trong năm 2020, tương ứng tăng 1.585 tỷ đồng.
Giá gạo xuất khẩu quay đầu giảm 5 USD/tấn
Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xu hướng ổn định sau hai phiên điều chỉnh tăng. Thị trường giao dịch sôi động hơn. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu bất ngờ quay đầu giảm thêm 5 USD/tấn.
Tại An Giang, giá lúa hôm nay duy trì ổn định. Cụ thể, lúa IR 50404 (tươi) 5.100-5.200 đồng/kg; Lúa IR 50404 (khô) 7.000 đồng/kg; Lúa Nàng nhen (khô) 11.500 - 12.000 đồng/kg; Lúa OM5451 (tươi) 5.000 - 5.200 đồng/kg; Nếp (khô) 6.800 - 6.900 đồng/kg; Lúa IR 50404 5.300 - 5.400 đồng/kg; Lúa OM 5451 5.500 - 5.600 đồng/kg; OM 18 6.000 đồng/kg; Lúa Nhật 7.500-7.600 đồng/kg…
Giá lúa hôm nay ổn định
Các loại lúa Hè thu vẫn giữ ổn định gồm: IR 504 tươi ở mức 5.200-5.300 đồng/kg; OM 5451 giá 5.500-5.600 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 5.700-5.900 đồng/kg; Jasmine giá 6.000-6.200 đồng/kg; Lúa Nhật 7.000-7.200 đồng/kg.
Với giá gạo, hôm nay có xu hướng ổn định hơn. Cụ thể gạo NL IR 504 mới 7.700- 7.800 đồng/kg; Gạo TP IR 504 ở mức 8.700- 8.800 đồng/kg; Cám vàng 7.650 đồng/kg; Tấm 1 IR 504 ổn định 7.500 đồng/kg.
Đối với gạo tại chợ khác cũng duy trì giá như: Nếp ruột 13.000 - 14.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 18.000 - 19.000 đồng/kg; Jasmine 14.000 - 15.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; nàng Hoa 16.200 đồng/kg; Sóc thường 14.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg; gạo nàng Nhen 20.000 đồng/kg; gạo trắng thường 11.500 - 12.500 đồng/kg.
Trên trường thế giới, giá gạo xuất khẩu có phiên điều chỉnh giảm 5 USD/tấn đối với gạo 5%, 25%, 100% tấm và Jasmine.
Theo đó, gạo 5% tấm giảm còn 478-482 USD/tấn; 25% tấm giảm còn 458-462 USD/tấn; 100% tấm còn 413- 417 USD/tấn; Gạo Jasmine 563-567 USD/tấn.
Theo các thương nhân, hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam xu hướng giảm trong các phiên giao dịch gần đây do phải cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu tại Châu Á, trong đó các nước xuất khẩu là Ấn Độ và Thái Lan hiện có mức giá tương đối cạnh tranh.
Xuất khẩu thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước
Trong các tháng đầu năm nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu của 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt 2 tỷ USD, tập trung vào các tỉnh như Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau. Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long hiện chiếm 60% tổng giá trị của cả nước.
Đứng đầu xuất khẩu toàn vùng là tỉnh Sóc Trăng với 346,5 triệu USD, chiếm 10,4% cả nước, kế đến là Cà Mau đứng thứ hai với 315,2 triệu USD. Theo VASEP thì đây là 2 tỉnh có thế mạnh về xuất khẩu tôm. Ngoài hai tỉnh nói trên, một số tỉnh khác có giá trị xuất khẩu cao gồm: Đồng Tháp đạt 271 triệu USD, Cần Thơ 277,3 triệu USD, Bạc Liêu 159,4 triệu USD, Long An 147,7 triệu USD, Tiền Giang 120,3 triệu USD, An Giang 119,79 triệu USD…
Nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có hồi phục rõ nét trong xuất khẩu thủy sản
Đánh giá từ ngành Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, xuất khẩu thủy sản của các địa phương này trong 5 tháng qua đã có nhiều khởi sắc hơn so với cùng kỳ. Để có kết quả trên, các doanh nghiệp trong vùng đã có dự báo trước về thị trường sẽ hồi phục trong năm nay và chuẩn bị tốt vùng nguyên liệu từ cuối năm 2020, từ đó giúp giá trị xuất khẩu tăng.
Đơn cử Công ty CP Chế biến thủy sản Minh Cường (Cà Mau) chia sẻ rằng, tình hình xuất khẩu tôm của doanh nghiệp những tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khá. Hiện nay, công ty cố gắng duy trì sản xuất, xuất khẩu và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về phòng dịch Covid-19, với quyết tâm không để dịch bệnh vào nhà máy.
Hay Công ty CP Nam Việt (An Giang) cũng có những tín hiệu tăng tốt hơn trong xuất khẩu cá tra. Bà Đỗ Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Kinh doanh của Nam Việt - cho biết, so với cùng kỳ năm trước xuất khẩu cá tra đã có những tín hiệu tốt hơn. Hiện đơn hàng cho các tháng tới khá dồi dào và doanh nghiệp đang phải vừa đảm bảo an toàn chống dịch vừa duy trì ổn định sản xuất.
Theo ngành Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, để xuất khẩu thủy sản đạt mục tiêu đề ra trong năm nay, các tháng tới ngành Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: Tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại online, lắng nghe các vướng mắc trong kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời gỡ khó. Bên cạnh đó, sẽ tập huấn, tuyên truyền mạnh hơn về những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết để doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng có hiệu quả.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.