Thủ tướng: Con người xứ Thanh là một nguồn lực lớn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP |
Đây là sự kiện quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, giá trị đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa, vùng đất lịch sử, giàu truyền thống văn hóa. Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến nguồn cội của những di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích có giá trị, dòng văn hóa lịch sử sông Mã - bắt đầu từ văn hoá đồ đá cũ (núi Đọ) tới nền văn hoá đá mới (Đa Bút), văn hoá tiền kim khí (Gò Trũng, Hoa Lộc) làm nên nền văn hoá đồ đồng với “Trống đồng Đông Sơn”, đã góp phần quan trọng cho kho tàng văn hoá Việt Nam phát triển rực rỡ, phong phú.
Có thể nói xứ Thanh là một trong những cái nôi chứa đựng những giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng với những hình thức đặc sắc về huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hoá ẩm thực..., Thủ tướng nói. Nơi đây đã sản sinh ra những làn điệu dân ca, hò sông Mã, điệu Khập của người Thái, hát Xường của người Mường, đồng hành cùng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”...
Xứ Thanh cũng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam (Tiền Lê, Hậu Lê, Hồ, Nguyễn). Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hoá là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều” luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Trong lịch sử khoa bảng nước nhà, xứ Thanh hiếu học đã có 1.627 nhà khoa bảng, trong đó có 240 tiến sĩ, với nhiều tên tuổi được lưu danh trên các lĩnh vực văn hóa, sử học, quân sự, ngoại giao như Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ...
“Càng đi sâu khám phá vùng đất, con người xứ Thanh, chúng ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, sức sống diệu kỳ của nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống lịch sử vẫn đang bền bỉ chảy mãi không ngừng”, Thủ tướng bày tỏ. Đó là một Thanh Hóa quật cường trong lịch sử chống ngoại xâm với hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh hiên ngang cưỡi voi xung trận, với hào khí vang dội của nghĩa quân Lam Sơn, với những Ba Đình, Mã Cao, Hùng Lĩnh, Hàm Rồng - Sông Mã. Một Thanh Hóa duyên dáng, đằm thắm mà khoẻ khoắn và căng tràn sức sống với những bài thơ, điệu hò câu hát dân ca. Một Thanh Hoá tự tin, năng động, hoà nhịp cùng sự đổi mới của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá với những nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Quê hương Thanh Hóa thực sự tươi đẹp như một bức tranh sinh động, hài hòa màu sắc, đúng như lời thơ của Bác Hồ viết khi Người về thăm tỉnh Thanh Hóa năm 1960: “Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng. Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên”.
Thủ tướng nhấn mạnh, tự hào về vùng đất và con người xứ Thanh 990 năm lịch sử, chúng ta càng trân trọng, biết ơn sự cống hiến, hy sinh xương máu to lớn của các thế hệ tiền nhân, của biết bao nhiêu người con ưu tú, kiên trung, bất khuất của quê hương Thanh Hóa và của mọi miền Tổ quốc để Thanh Hóa phát triển đúng hướng như hôm nay.
Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong nhiều năm liên tục. Nhiều dự án lớn đã và đang hoàn thành và đi vào vận hành, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế, nhất là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Du lịch phát triển mạnh, có nhiều đột phá về cơ sở hạ tầng ở các khu: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Cảng hàng không Thọ Xuân đi vào hoạt động với sự tăng trưởng nhanh. Đặc biệt Cảng Nghi Sơn ngày hôm nay đã đón chuyến tàu container đầu tiên.
Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tập trung 5 trụ cột tăng trưởng
Để Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, tỉnh cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển và tăng cường thu hút đầu tư, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; y tế; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ tăng năng suất lao động trong nền kinh tế số.
Tiếp tục tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án lớn, đang triển khai đầu tư xây dựng trên đia bàn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội như: Đường ven biển, đường cao tốc, các dự án hạ tầng về du lịch, hàng không, cảng biển. Nghiên cứu, có cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư những hạ tầng quan trọng.
Thứ hai, tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ và tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và các khu du lịch phát triển kinh tế biển.
Thứ ba, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phải xác định đến năm 2025, Thanh Hóa đứng trong tốp đầu của 15 tỉnh, thành phố của cả nước về chỉ số PCI.
Thứ tư, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những khiếu nại, bức xúc, tố cáo của nhân dân. Quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đắc lực cùng với nhân dân cả nước bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa phát triển kinh tế xã hội các địa phương phía tây tỉnh Thanh Hóa, nơi cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ năm, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của con người xứ Thanh với những phẩm chất quý báu là trí tuệ, năng động, đoàn kết, tình nghĩa và thủy chung. Đây là một nguồn lực lớn, rất quan trọng để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Tỉnh cần tập trung đầu tư cho giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Với niềm tự hào về vùng đất thân yêu của mình, tôi mong rằng mỗi người con xứ Thanh trong và ngoài tỉnh sẽ cùng nhau khơi dậy khát vọng vươn lên, chung tay góp sức xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với niềm tự hào về truyền thống của quê hương “địa linh, nhân kiệt”, Thủ tướng chia sẻ.
Tại lễ kỷ niệm, đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của lực lượng nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu hơn 500 người, với nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong nhiều lĩnh vực. Chương trình nghệ thuật có chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước” với tổng thời lượng 90 phút được chia làm 3 chương: Địa linh nhân kiệt; Truyền thống Anh hùng; Hội nhập phát triển.
Chương trình nghệ thuật có tính chất sử thi làm nổi bật vùng đất và con người trải dài từ thời Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh - Nguyễn cho tới thời đại ngày nay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.