Thủ tướng: Đảng, Nhà nước cùng nông dân làm cách mạng mới trong nông nghiệp

2018-11-27 17:08:04 0 Bình luận
Thời gian tới, Đảng, Nhà nước ta phải cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp và nông thôn, khi mà một kinh nghiệm rút ra là “ở đâu cấp ủy, người đứng đầu quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt thì ở đó, nông nghiệp, nông thôn sẽ phát triển mạnh mẽ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) sáng 27/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến tham luận, thể hiện trách nhiệm, có thể nêu ra bài học chung trong toàn quốc.

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng chia sẻ: “Tôi không muốn nêu thành tích quá nhiều, mà chủ yếu tôi muốn nói những bất cập, tồn tại để chúng ta khắc phục, làm sao tốt hơn trong thời gian tới”.

Điểm lại một số nét chính về kết quả đạt được, nhưng Thủ tướng nhìn nhận, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục. Đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp. Số dân làm nông nghiệp còn khá cao. Số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp (7.600 doanh nghiệp) trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Việc huy động vốn, tiếp cận với các dịch vụ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn còn cao. Khoảng 1/2 số hộ gia đình nông thôn vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và tín dụng phi chính thức (tín dụng "đen”) vẫn còn xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao.

Còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức, không đúng quy định trong nông nghiệp, đặc biệt là việc kiểm soát dự lượng kháng sinh, chất cấm.

Luật Đất đai năm 2013 có những tác động tích cực, tuy nhiên chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn (quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam vào loại nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thể giới).

Canh tác quy mô nhỏ, manh mún và phân tán vẫn còn phổ biến (trung bình 0,18 ha/thửa đất và 2,5 thửa đất/hộ gia đình). Dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để thu hút khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn.

Một số địa phương kết quả đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Thu nhập của một bộ phận người dân nông thôn còn khó khăn.

Từ phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân. “Chúng ta đang nói tập trung làm nông nghiệp, nông thôn mà nông dân chúng ta có tinh thần ỷ lại thì không bao giờ thành công”, Thủ tướng nói.

Cần khắc phục tinh thần tự ti, ỷ lại, chờ đợi của một bộ phận nông dân. Vì vậy, thời gian tới, Đảng, Nhà nước ta phải cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp và nông thôn. Cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Kinh nghiệm rút ra là, theo Thủ tướng, ở đâu cấp ủy, người đứng đầu quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt thì ở đó, nông nghiệp, nông thôn sẽ phát triển mạnh mẽ, diện mạo nông thôn mới khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

“Trong thập kỷ tới hay một vài thập kỷ ngắn tới đây, Việt Nam đứng ở đâu? Chúng ta đứng trong tốp 15 nước về nông nghiệp được không?”, Thủ tướng bày tỏ.

Phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Việc nhận diện thật rõ cơ hội và thách thức trong bối cảnh và tình hình mới để đề xuất định hướng chiến lược rất quan trọng. “Thế giới đang chuyển mình, châu Á đang cạnh tranh từ bán buôn đến bán lẻ, chúng ta phải đặt ra lợi thế so sánh để có thể thành công”.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải sớm khắc phục tồn tại, yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Thành tựu của cách mạng 4.0 phải áp dụng mạnh mẽ vào nông nghiệp như thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh, khi mà gần 70% số dân dùng điện thoại thông minh. Tư duy chậm trễ dẫn tới không có hành động kịp thời, cản trở sự phát triển của đất nước trong đó có phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cần khắc phục cho được sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khi đầu tư làm ăn trong nông nghiệp. Phải đặt vấn đề thị trường trước khi sản xuất để hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá.

Phải thay đổi tư duy, cách làm; sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, gắn chặt với yêu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Đi liền với thị trường, với sản xuất là vấn đề vốn. Thủ tướng yêu cầu hệ thống ngân hàng tiếp tục cung ứng lượng vốn tín dụng với cơ chế cần thiết vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn; duy trì bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp; có chính sách phù hợp với các vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực đặc biệt khó khăn.

Quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Trước đóng góp của lâm nghiệp chưa tương xứng, người dân sống dưới rừng còn nhiều khó khăn, “không yên dân mà người dân đói thì sẽ không để rừng yên”, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tính toán lại rừng và đất rừng để Việt Nam có thể trở thành một trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới từ khâu rừng trồng.

Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị để cùng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 hoàn thiện báo cáo tổng kết, đồng thời chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đến năm 2020, giai đoạn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ Chính trị xem xét trong tháng 12/2018.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức và quan điểm của Đảng về lĩnh vực vô cùng quan trọng này. Nghị quyết đi vào cuộc sống, đã làm nền nông nghiệp chuyển mình và phát triển mạnh mẽ, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, giàu và đẹp hơn.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp được đổi mới mạnh mẽ, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Đến 7/2018 đã có gần 50.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 8% doanh nghiệp đang hoạt động.

Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đã tăng từ 54,6 triệu đồng/ha năm 2010 lên 83 triệu đồng/ha năm 2015; đến năm 2017 đạt trên 90 triệu đồng/ha. Bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên 520 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này, trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực.

Từ một nước phải nhập khẩu, đến nay nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp bình quân khu vực nông thôn đã tăng từ 60,6% lên 73%; thu nhập tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng/người/năm 2008 lên 32 triệu năm 2017. 

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thị trấn Gôi (Vụ Bản, Nam Định) xứng danh đô thị văn minh

Bằng sự đồng thuận, đoàn kết, sáng tạo, đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2024, tiếp tục xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững.
2024-11-16 21:39:35

Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam sẵn sàng hợp tác vì một APEC thịnh vượng

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã tham gia các sự kiện quan trọng và gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong hợp tác quốc tế và phát triển bền vững.
2024-11-16 09:16:13

Hải Phòng tổ chức chương trình gặp mặt, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Chiều 15/11, TP.Hải Phòng tổ chức chương trình “Gặp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam” (20/11/198 2 - 20/11/2024). Chương trình nhằm tôn vinh các thế hệ thầy, cô đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục thành phố, khơi dậy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, một giá trị văn hóa quý báu.
2024-11-16 05:47:11

Hải Phòng tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm

Ngày 15/11, HĐND TP.Hải Phòng (khóa XVI) tổ chức tiếp xúc với cử tri các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Đồ Sơn, Kiến An và các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Lão, An Dương trước khi diễn ra kỳ họp thường lệ cuối năm.
2024-11-15 21:43:21

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
2024-11-15 20:29:00

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
2024-11-15 17:54:20
Đang tải...